4 điều về nghề thiết kế không phải ai cũng biết

Nghề thiết kế đầy sáng tạo nhưng cần được định hướng, khả năng thuyết trình và có mức lương phụ thuộc khả năng.

4 điều về nghề thiết kế sẽ giúp bạn trẻ đam mê sáng tạo hiểu rõ hơn và có lựa chọn phù hợp cho tương lai.

Cần được định hướng

Không thể phủ nhận trường học cung cấp kiến thức nền tảng, còn việc tự học sẽ giúp bản thân trải nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, giữa muôn vàn kiến thức bên ngoài, người học cần được định hướng và sống trong môi trường sáng tạo để cạnh tranh cũng như thúc đẩy bản thân mỗi ngày.

Trần Đức Viễn (Đạo diễn FAPtv) kể: “Khi học lớp 12, vì thích làm việc trên máy tính nên tôi chọn ngành công nghệ thông tin. Nhưng sau 2 năm, tôi cảm thấy những dòng code khô khan không phù hợp nên tìm đến mỹ thuật đa phương tiện tại một trường đào tạo chuyên sâu Arena Multimedia. Khi bước vào môi trường này, tôi vỡ òa nhận ra đâu là nơi thích hợp để phát triển niềm đam mê và sáng tạo”.

Ngoài kỹ năng và kiến thức, việc chọn cộng đồng sáng tạo cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người học.

Kiến trúc sư Tuấn Đinh, người tiên phong về 3D trong kiến trúc bất động sản, chia sẻ: “Ngày xưa, tôi chỉ được nghe thông tin, dựa vào sở thích rồi ôn thi thôi. Các bạn trẻ ngày nay còn được va chạm, tư vấn rất nhiều về ngành nghề”.

Cũng theo KTS Tuấn Đinh, kiến thức và nền tảng mình có nhưng điều quan trọng là phải xây dựng một môi trường gần với cộng đồng. Tiếp xúc với công việc, trải nghiệm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mới giúp bạn định hình được những điều mình làm.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng không nên bó hẹp bản thân trong môi trường lớp học mà cần tham gia các hoạt động ngoại khóa, tiếp xúc nhiều công việc gắn với xã hội. Những sản phẩm của bạn phần lớn sẽ phục vụ cho cộng đồng, việc hòa mình sẽ giúp nắm vững tâm lý, tình cảm của mọi người.

Không phân biệt tuổi tác

Nghề thiết kế không chỉ yêu cầu sự đổi mới, sáng tạo mà còn đòi hỏi kiến thức xã hội, chuyên môn để tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ và khả năng ứng dụng cao. Mỗi giai đoạn làm nghề sẽ có lợi thế riêng. Nếu người trẻ có sức bật, mạnh dạn đưa vào thử nghiệm mới, phá cách… thì người lớn tuổi với kinh nghiệm, kiến thức sống sẽ đưa ra những phương án mang tính ứng dụng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường và khách hàng.

Kỹ năng thuyết trình giúp truyền đạt và bảo vệ ý tưởng tốt hơn.

Dưới góc nhìn đào tạo, ThS Anh Đức chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ lớn tuổi sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận nghề thiết kế, cũng như khi tìm việc. Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ ít phấn đấu để tạo nên sự khác biệt về kiến thức chuyên ngành, cũng như kiến thức sống nên dần dần chính các bạn đã tự đào thải mình”.

Nghề thiết kế ngày càng được nhiều người quan tâm nên sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Vì vậy, người học nên chịu khó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và duy trì thói quen học hỏi, bổ sung kiến thức ngay cả khi đã đi làm. Tình yêu nghề, thái độ nghiêm túc, trách nhiệm với tập thể và công việc sẽ giúp các bạn trụ vững trong nghề và tạo thu nhập tốt.

Mức lương phụ thuộc khả năng

Không có mức lương chính xác cho ngành thiết kế mà phụ thuộc vào khả năng mỗi người. Trung bình, lương khởi điểm của một người làm thiết kế dao động từ 5 đến 10 triệu đồng với công việc văn phòng. Những cũng có những dự án tự do lại mang về cả nghìn đô.
Dưới góc nhìn người làm nghề, anh Đinh Tuấn thẳng thắn: “Mức lương khởi điểm không nói lên điều gì, quan trọng là làm gì, được gì và bản thân cảm thấy như thế nào”.

Vì vậy, người theo học nghề này cần chấp nhận hy sinh để đạt những điều tốt đẹp hơn. Việc tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, kỹ năng, rèn luyện bản thân thật tốt cần được ưu tiên để tiến xa trong nghề.

Cần kỹ năng thuyết trình

Đam mê là động lực, kiến thức là nguồn sống, nhưng để phát triển trong nghề thiết kế cần phải rèn luyện kỹ năng mềm, trong đó có khả năng thuyết trình. Kỹ năng này giúp người làm nghề diễn đạt để người khác hiểu, bảo vệ ý tưởng cũng như hài hòa sản phẩm của mình với mục đích của khách hàng.

Để rèn luyện kỹ năng thuyết trình, những trường đào tạo nghề chú trọng và rèn luyện bằng các buổi bảo vệ đồ án. Các học viên phải nêu ra quan điểm của mình, khen - chê - phản biện lẫn nhau để tiếp thu ý kiến trái chiều.

Khi sống và làm việc với đam mê, bạn sẽ có cuộc sống ý nghĩa, tạo dựng được nghề nghiệp vững vàng và nguồn thu nhập ổn định. Để có thể đi đường dài với sở thích của mình, bạn cần có cái nhìn tổng quan và rõ nét từ những người trong nghề. Bạn trẻ yêu thiết kế có thể đồng hành cùng cộng đồng sáng tạo tại đây.

Giang Di Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/4-dieu-ve-nghe-thiet-ke-khong-phai-ai-cung-biet-post854793.html