4 giải pháp, 3 kiến nghị để tự chủ đại học đi vào thực chất

Thực hiện tốt tự chủ đại học sẽ hỗ trợ, thúc đẩy hệ thống, mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững để thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực cho xã hội phù hợp với mục tiêu chiến lược quốc gia.

Sinh viên tham dự ngày hội việc làm tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Sinh viên tham dự ngày hội việc làm tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Bài toán nào tháo “điểm nghẽn” trong tự chủ đại học?
Tự chủ đại học: Xuất hiện nhiều thách thức
Tọa đàm trực tuyến “Giáo dục đại học: Thách thức và Cơ hội”
Những con số ấn tượng về Tự chủ đại học
Giáo dục đại học: Tìm cơ hội vượt thách thức

Vẫn còn quan niệm chưa đúng về bản chất tự chủ

Phân tích về tính tự chủ trong Quản trị đại học về những vấn đề lý luận và thực tiễn, TS. Nguyễn Thị Mai Lan và TS. Nguyễn Thị Thu Hương trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, tự chủ đại học không còn mới ở Việt Nam, nhưng vẫn còn quan niệm chưa đúng bản chất (vẫn thường được hiểu gắn với tự bảo đảm kinh phí). Do đó, để thực hiện tự chủ cần đổi mới nhận thức.

Tuy nhiên, đổi mới nhận thức là một quá trình, cần hành động để thay đổi nhận thức chứ không thể chờ thay đổi nhận thức rồi mới hành động. Đó là vấn đề tự quyết và chịu trách nhiệm của trường đại học về những hoạt động của mình.

Ngoài ra, trường đại học có hệ thống quản trị nội bộ để phân quyền và trách nhiệm, đảm bảo quá trình ra quyết định và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn…

Thực tế, quan điểm, tư duy về tự chủ đại học còn chưa có sự thống nhất. Có không ít cơ sở giáo dục đại học cho rằng tự chủ đại học là bản chất, là thuộc tính và là quyền đương nhiên mà cơ sở giáo dục đại học phải được hưởng. Theo đó, nhà trường cần phải được tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định sự vận hành của đơn vị và cần xóa bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản đối với các trường đại học.

Ngược lại, cũng không ít đơn vị thấy rằng tự chủ không có nghĩa là thoát khỏi chủ sở hữu, theo đó, tự chủ không phải là xóa bỏ “chủ quản”, buông lỏng quản lý mà quan trọng là thay đổi hình thức quản lý, thay đổi cách thực thi quyền sở hữu của cơ quan nhà nước thông qua đại diện chủ sở hữu là thiết chế Hội đồng trường cũng như tăng cường sự minh bạch thông qua chế độ báo cáo, thanh tra cũng như chịu sự giám sát của xã hội.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, vẫn còn nặng về cách tiếp cận từ góc độ tài chính thông qua mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa có căn cứ, nguyên tắc chung để trao quyền tự chủ cũng như trao tự chủ ở mức độ khác nhau phù hợp với năng lực của từng đơn vị liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như các điều kiện cần thiết khác.

Nhận thức về tự chủ khác nhau, đặc biệt nhận thức khác nhau về chủ sở hữu; mối quan hệ các thiết chế trong nhà trường... đã sinh ra những xung đột và rào cản hạn chế tự chủ. Nếu không làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp, nếu Hội đồng trường không được giao thực quyền, chế độ minh bạch thông tin chưa được thiết lập, thì hiệu quả quản trị nhà trường, chất lượng đại học và công bằng xã hội khó có thể được cải thiện.

Ở Việt Nam đã có chủ trương, quy định khá rõ về tự chủ nhưng thực thi, tổ chức thực hiện chưa thực sự thực chất, còn thực hiện một cách hình thức. “Tự chủ” được hiểu là một quyền đương nhiên, là đặc điểm vốn có, tự trong chính khả năng, “nội lực” của mỗi trường đại học, chỉ phụ thuộc vào năng lực tự chủ và các điều kiện thực hiện quyền tự chủ chứ không phải từ bất kỳ một cá nhân hay cơ quan, tổ chức bên ngoài trường và bên trên trường đại học “giao cho”.

Hơn nữa, các cá nhân, cơ quan, tổ chức, thậm chí Nhà nước, tự mình, cũng không thể có “tự chủ” để mà “giao” cho các trường đại học như “giao nhiệm vụ” hay bằng mệnh lệnh hành chính nhà nước. Do đó, nhận thức việc quy định “giao quyền tự chủ” hay “chưa giao quyền tự chủ” là chưa phản ánh đúng bản chất khách quan của vấn đề “tự chủ đại học”.

Cơ quan chủ quản vẫn còn, trong khi tự chủ là tự trường quyết định, làm chủ và Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng trên thực tế lại chưa thực quyền, nhiều trường do cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng chi phối. Theo quy định, Hội đồng trường quyết định nhân sự Hiệu trưởng nhưng đôi khi ngược lại. Luật quy định việc chọn Hiệu trưởng hay cách chức, cho thôi chức Hiệu trưởng là việc của Hội đồng trường nhưng cơ quan chủ quản vẫn chi phối và quyết định.

Như vậy, vấn đề ở đây không phải là không có quy định hướng dẫn của các cơ quan nhà nước, hay sự chưa rõ ràng về hành lang pháp lý mà là vấn đề nhận thức, trách nhiệm và thực thi còn hạn chế.

Lớp học tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

4 giải pháp, 3 đề xuất

Với những vướng mắc và hạn chế trên, TS. Nguyễn Thị Mai Lan và TS. Nguyễn Thị Thu Hương trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đề xuất 4 giải pháp:

Thứ nhất, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu rõ bản chất của vấn đề tự chủ đại học từ cấp lãnh đạo đến khoa, phòng và quan trọng nhất và đông đảo nhất, quyết định lớn nhất đến sự phát triển của đại học đó là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trong Nhà trường.

Hiện nay việc phân cấp, phân quyền chỉ mới dừng lại phần lớn ở các vị trí lãnh đạo, đang mới bắt đầu dần dần chuyển từ tập quyền sang phân quyền rộng hơn và có giám sát, giải trình nhưng chưa tập trung các nội hàm tự chủ về giao quyền, trách nhiệm lớn hơn cho giảng viên, nhà khoa học trong trường đại học, nhất là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ để họ tham gia quyết định nhiều vấn đề về học thuật và chuyên môn mà không nặng về hành chính hóa.

Và đội ngũ này cũng phải ra được những quyết định và chịu trách nhiệm với các bên liên quan để có đánh giá cụ thể sự đóng góp vào sự phát triển của bộ môn, khoa, nhà trường thật cụ thể nhất là lĩnh vực đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu, kết quả chuyển giao, phục vụ cộng đồng.

Thứ hai, cần thực hiện tự chủ có lộ trình, có sơ kết, đánh giá từng nội dung tự chủ để có các quyết sách kịp thời và không bị vướng, hiệu ứng không tốt, nên ưu tiên bắt đầu mạnh hơn tại các cơ sở đào tạo ở vấn đề tự chủ về học thuật, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự, quản trị đại học, rồi mới thực thi về tự chủ tài chính trong điều kiện hiện nay, Nghị định 60/2021/NĐ-CP cũng có lộ trình cho tự chủ tài chính.

Quan trọng nhất là cần thực thi và triển khai nghiêm túc Luật 34/2018/QH14, Nghị định 99/2019/NĐ-CP, các Nghị quyết của Trung ương liên quan đến đào tạo đại học và tự chủ, đặc biệt Nghị Quyết 19-NQ/TW, nếu thực hiện tốt, đầy đủ các quy định hiện hành đã là một đột phá lớn trong tự chủ đại học, không nên bàn việc điều chỉnh, sửa đổi lúc này vì nhiều điểm rất tốt nhưng do nhiều vấn đề về nhận thức, cách hiểu mà chưa thực hiện được dẫn đến làm chậm những vấn đề tổng thể chung của tự chủ đại học.

Ví dụ về việc thực hiện Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường theo đúng quy định chỉ là một khâu trong tiến trình tự chủ đại học, là việc không quá khó, không mất nhiều thời gian và phải nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành có trường đại học nếu các cơ sở đào tạo chấp hành đúng Luật 34/2018/QH14, Nghị định 99/2019/NĐ-CP, các quy định của Đảng nhưng hiện vẫn còn nhiều cơ sở đào tạo chưa quyết tâm, rồi vấn đề thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường chưa thật tốt khiến cơ quan nhà nước chưa yên tâm giao nhiều quyền hơn và thực hiện quyền được đầy đủ đại diện sở hữu nhà nước và các bên liên quan.

Việc này hoàn toàn do các cơ sở đào tạo quyết định nhất là quy chế tổ chức, hoạt động và quy chế tài chính phải đầy đủ, tường minh, phủ được hết các hoạt động Nhà trường.

Thứ ba, hiện nay vẫn còn sự chồng chéo của một số văn bản và cách hiểu khác nhau giữa một số Bộ, ngành liên quan đến các cơ sở đào tạo đại học dẫn tới khó khăn cho việc thực hiện tại các cơ sở đào tạo đại học nhưng theo lộ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành liên quan nhất như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính có thể thống nhất để điều chỉnh cho phù hợp với Luật 34/2018/QH14 và đặc thù viên chức của ngành giáo dục đại học, việc này sẽ tháo gỡ được nếu có sự quyết tâm cao của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo để dần dần đồng bộ hóa được hệ thống văn bản để thực hiện thống nhất.

Thứ tư, cần nâng cao năng lực quản trị, quản lý, lựa chọn được đội ngũ quản lý năng động, có quyết tâm cao trong đổi mới, tự chủ tại các cơ sở đào tạo đại học sau khi thực hiện Luật 34/2018/QH14 là rất quan trọng hiện nay, vì thực chất vẫn đang giai đoạn đầu của quá trình thực hiện tự chủ đại học, đâu đó tư duy quản trị, quản lý vẫn theo nếp cũ nên chưa phát huy hết nội lực, tận dụng hết vai trò của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, phát triển Nhà trường.

TS. Nguyễn Thị Mai Lan và TS. Nguyễn Thị Thu Hương đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật lao động, Luật đấu thầu và các luật có liên quan để hình thành khung pháp lý thực hiện tự chủ đại học đồng bộ, nhất quán và có tính khả thi; đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện tự chủ đại học dựa trên khung pháp lý đã được hoàn chỉnh, phù hợp với các điều kiện của các trường đại học công lập Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ...) rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách về tự chủ đại học đặc biệt là chính sách tài chính, đầu tư và tổ chức bộ máy, nhân sự.

Chính sách đầu tư cần gắn với chỉ số đo lường hiệu quả của các cơ sở Giáo dục đại học. Trong một số lĩnh vực đặc thù, Chính phủ cần ban hành danh mục các dịch vụ giáo dục đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; đơn giản hóa thủ tục đối với hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là thủ tục cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.

Thứ hai, thực hiện quyền tự chủ đại học đúng nghĩa và thực chất; mạnh dạn xóa bỏ cơ chế bộ, cơ quan chủ quản và cơ chế xin cấp phép, loại bỏ sự can thiệp có tính hành chính từ phía cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường đại học tự chủ.

Tinh thần của chính phủ kiến tạo cần được thể hiện ở việc các trường được tự quyết định chuyên môn, học thuật, nhân sự, cơ sở vật chất, tự khẳng định vị thế của mình trong thị trường đào tạo, khoa học và công nghệ.

Tùy thuộc vào các đặc điểm điều kiện kinh tế xã hội, đặc điểm đặc thù về đào tạo, nghiên cứu khoa học, từng cơ sở giáo dục đại học có thể phát triển thành đại học tự chủ từng phần hay tự chủ toàn diện.

Các trường đại học công lập thuộc các nhóm trường khác nhau không thể ở cùng một mức độ tự chủ chung. Như vậy, việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học là việc cần được thực hiện. Và việc tự chủ theo từng đơn vị ra sao, cần được thực hiện và giám sát bởi Hội đồng trường thay vì cơ chế bộ chủ quản.

Cùng với đó là xác lập chế độ trách nhiệm minh bạch, đầy đủ của cơ sở giáo dục đại học trước Nhà nước, xã hội, người học.

Thứ ba, Chính phủ cần sớm có quy định, hướng dẫn giải quyết các vấn đề về tài sản, tài chính và nhân sự khi không còn chế độ cơ quan chủ quản để các trường vận hành thông suốt.

Bình An (ghi)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/4-giai-phap-3-kien-nghi-de-tu-chu-dai-hoc-di-vao-thuc-chat-i304634/