4 hiệu sách là chứng nhân lịch sử, tồn tại lâu đời nhất thế giới

Bertrand, Moravian, Morpu và Galignani là 4 hiệu sách cổ nhất thế giới. Có tuổi đời hàng trăm năm, những nơi này trở thành 'chứng nhân lịch sử', điểm hẹn cho người yêu sách.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhiều hiệu sách lớn trên thế giới đã trở thành "chứng nhân lịch sử", chứng kiến sự thay đổi và phát triển của xã hội.

Không chỉ là nơi lưu giữ kho tàng tri thức của nhân loại, Bertrand, Moravian, Morpu hay Galignani còn được biết đến như trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các sự kiện, gặp gỡ các câu lạc bộ, tín đồ yêu sách.

Livraria Bertrand - hiệu sách gần 300 tuổi

Hiệu sách Livraria Bertrand được xây dựng vào năm 1732, tính đến nay, đã 288 tuổi. Năm 1955, ngay trong lần cuốn Kỷ lục Guinness đầu tiên được xuất bản, nơi này đã được ghi nhận là "Hiệu sách lâu đời nhất thế giới".

Livraria Bertrand nằm trên khu phố cổ Chiado, Lisbon, Bồ Đào Nha. Đây là điểm đến ưa thích được nhiều thế hệ nhà văn và dân trí thức Bồ Đào Nha, đồng thời cũng là địa điểm lý tưởng cho những người yêu sách khi đến du lịch châu Âu.

Hiệu sách Livraria Bertrand xưa và nay. Ảnh: USKings.us

Hiệu sách Livraria Bertrand xưa và nay. Ảnh: USKings.us

Ban đầu hiệu sách này chỉ là một cửa hàng sách nhỏ. Năm 1755, một trận động đất lớn đã tàn phá kinh thành Lisbon và nội chiến kéo dài triền miên khiến nơi này bị phá hủy.

Người sáng lập, Peter Faure, đã phải bán cửa hàng lại cho Bertrand, người đã đổi tên hiệu sách theo tên mình. 18 năm sau, hiệu sách được xây dựng lại và tồn tại cho đến bây giờ.

Hiện Livraria Bertrand đã có hơn 50 cửa hàng lớn, nhỏ trải khắp Bồ Đào Nha.

Hiệu sách có tuổi đời lớn nhất châu Mỹ

Hiệu sách Moravian, tọa lạc tại thành phố Bethlehem (bang Pennsylvania (Mỹ), được thành lập bởi Giáo hội Moravian vào năm 1745. Nơi đây được xác nhận là cửa hàng sách có thời gian hoạt động lâu nhất châu Mỹ, đứng thứ 2 thế giới sau Bertrand.

Trong những năm đầu hoạt động, hiệu sách nhập và bán các tài liệu phục vụ theo nhu cầu của nhà thờ, nhà truyền giáo, người đến nhà thờ hành lễ và sinh viên.

Hiệu sách Moravian được cải tạo và mở rộng nhiều lần với nhiều quầy sách phục vụ độc giả. Ảnh: USKings.us

Năm 1871, hiệu sách chuyển đến một tòa nhà gần nhà thờ ở trung tâm Moravian tại phố Main ở Bethlehem và đặt địa điểm ở đó cho tới ngày hôm nay.

Các đầu sách ở đây rất da dạng, gồm các cuốn sách thương mại, lịch sử, sách giáo khoa, tham khảo... Ngoài ra Moravian còn có quầy bán văn phòng phẩm, đồ lưu niệm, thiệp chúc mừng, các sản phẩm làm đẹp. Hàng tháng, cửa hàng thường tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu với tác giả sách.

Hiệu sách tiếng Anh lâu đời nhất nước Pháp

Librari Galignani là cửa hàng sách được thành lập vào năm 1801 bởi gia đình Galignani, đặt tại phố Rue de Rivoli - một trong những con phố nổi tiếng nhất Paris, Pháp.

Hiệu sách Galignani cũng là một trong những hiệu sách cổ nhất châu Âu. Ảnh: galignani.fr

Không chỉ là cửa hàng chuyên sách tiếng Anh đầu tiên ở châu Âu, Galignani còn là hiệu sách nổi tiếng hàng đầu Paris vì được xây dựng với kiến trúc sang trọng.

Màu sơn ngoài của cửa hàng mô tả một phần cung điện nổi tiếng Tuileries. Nơi đây trang bị tủ sách hoàn toàn bằng gỗ gụ cao, trần kính.

Bên cạnh đội ngũ nhân viên tận tình, kiến trúc của nhà sách cũng được các chuyên gia nghệ thuật đánh giá rất cao.

Morpurgo - chứng nhân lịch sử

Hiệu sách Morpurgo ở Chia, Croatia được thành lập từ năm 1860. Nhà sáng lập và chủ cửa hàng đầu tiên là Vid Morpurgo - một nhà lãnh đạo tri thức.

Vào thời điểm khi Croatia vẫn chưa có thư viện quốc gia, cửa hàng sách của Vid Morpurgo được coi là điểm gặp gỡ của những người yêu nước, nơi giao lưu văn hóa, tinh thần châu Âu.

Morpurgon được biết đến như một trong những hiệu sách lâu đời nhất trên thế giới. Ảnh: Total Croatia News.

Không chỉ thu thập và bán các văn bản từ khắp châu Âu, ông còn tổ chức các cuộc họp hàng ngày, nơi các trí thức của thị trấn cùng đến để thảo luận về các vấn đề hiện tại của khu vực.

Trong thời gian hoạt động, hiệu sách Morpurgo đã xây dựng nên một mạng lưới các nhà cung cấp sách văn học, khoảng 70% trong số đó là nước ngoài. Đến năm 1918, Morpurgo có 406 nhà cung cấp nước ngoài, phần lớn đến từ Anh, Mỹ, Ý, Pháp, Đức.

Sau khi Vid Morpurgo mất, một số thành viên trong gia đình đã tiếp quản cửa hàng sách.

Hiệu sách bị Nhà nước Liên Xô chiếm giữ vào năm 1947. Sau khi Croatia độc lập, Morpurgo một lần nữa được tư nhân hóa, đứng dưới cái tên Luka Botic. Năm 2017, cửa hàng đã buộc phải đóng cửa, khi vừa tròn 157 tuổi.

Đây là một trong những tiệm sách hiếm hoi có hẳn một quyển sách viết về nó. Người chủ gần cuối đã cố gắng bảo tồn nhưng việc kinh doanh không thành công. Nhân chứng sống của thành phố châu Âu thời đế quốc Áo Hung bây giờ chỉ còn cái vỏ rỗng và đang được lên kế hoạch đổi chủ.

Ngọc Ánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-hieu-sach-la-chung-nhan-lich-su-ton-tai-lau-doi-nhat-the-gioi-post1090100.html