4 kỷ lục tại Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất

Ngày mai, Festival Trái Cây Việt Nam lần thứ nhất chính thức khai mạc tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Một trong những ấn tượng mà festival mang đến cho đông đảo người tham dự là những kỷ lục Việt Nam từ trái cây. Đất Việt giới thiệu 4 kỷ lục mà Ban Tổ chức đề nghị thiết lập kỷ lục Việt Nam tại Festival lần này.

Rồng vẽ bằng nghệ thuật Graffiti Đây là tác phẩm dựa theo chủ đề Festival Tiền Giang mở hội - Sông hóa Rồng, cho cây lành trái ngọt và là món quà hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Công ty Cổ phần CAT Bình Minh (CAT Event) đã huy động 40 họa sĩ đến từ Huế, TP HCM để thực hiện bức tranh vẽ rồng bằng nghệ thuật Graffiti trên đại lộ Hùng Vương, thành phố Mỹ Tho. Phần diện tích vải để các họa sĩ vẽ bức tranh rồng lên đến 2.000 m2 (dài 400 m, cao 5 m), riêng thời gian thi công phần khung (hơn 12 tấn thép các loại) từ ngày 20/3-2/4. Ông Phan Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CAT Bình Minh, cho biết, 40 họa sĩ phải mất gần 1 tháng để vẽ những họa tiết trên mình rồng. Ở các chân rồng (có các đám mây) sẽ là nơi tổ chức cho các em thiếu nhi Tiền Giang thi vẽ chủ đề “Em yêu quê hương”. Tổng kinh phí để thực hiện bức tranh rồng này gần 1 tỷ đồng. Cổng Rồng trái cây lớn và dài nhất Cổng Rồng được thiết kế chiều dài 28 m, cao 7 m. Sau khi hoàn thành con rồng cao 9 m, tổng chiều dài uốn lượn 35 m, làm toàn bằng trái cây. Để hoàn thành cổng rồng này, 15 thợ đã làm xuyên suốt từ ngày 19/3 đến 18/4. Có ngày cao điểm, 18 thợ làm từ 7h đến 23h. Nguyên liệu chính để làm cổng rồng là trái cây. Riêng bộ vảy rồng được ráp nối bằng 15.000 quả cau chẻ đôi rồi kết lại. Số cau này được gom từ các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Huế đưa vào. Kỳ, vi rồng được làm bằng lá ngãi hổ và ớt…Đây là Cổng Rồng bằng trái cây lớn nhất và dài nhất từ trước đến nay. Bản đồ trái cây lớn nhất Bản đồ được thiết kế trên nền có diện tích 6 x 8m. Trên đó, có hơn 20 chủng loại trái cây “đại diện” cho từng vùng, miền của Việt Nam như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, mơ Hòa Bình, dâu Đà Lạt, bơ miền Trung và hầu hết các loại trái cây ở ĐBSCL. Riêng tại Tiền Giang có các loại trái cây đặc sản là xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, thanh long…. Tất cả các loại trái cây được bố trí theo một kết cấu sinh động và ấn tượng. Đặc biệt, các biển đảo của Việt Nam như Trường sa, Hoàng Sa, Phú Quốc, Côn Đảo được thể hiện rõ nét, nổi bật trên bản đồ. Mâm trái cây Tứ linh Mâm trái cây này có chiều ngang 1m, cao 4m, dài 10 được bố trí theo cách Rồng và Phượng sẽ giao đầu vào nhau. Lân nhô cao và đứng ở giữa, ngay phía dưới là Logo của Festival Trái cây Việt Nam. Quy nằm ở dưới quay đầu phía trước biểu hiện cho sự trường tồn, vĩnh cửu. 15 loại trái cây quen thuộc như bưởi, thanh long, chôm chôm, xoài… nặng khoảng 2 tấn được 10 nghệ nhân tuyển lựa, sắp đặt một cách tương xứng hài hòa trong vòng gần 1 tuần. Riêng các loại trái cây hiếm có ngoài thị trường như khóm phụng (khóm đầu lân), trái cà ri … các nghệ nhân phải tự trồng từ vài năm trước. Nghệ nhân Trần Văn Làm, ở phường 11, quận 6, TP HCM, Tổng đạo diễn và thiết kế cho những kỷ lục trái cây, cho biết: Tổng kinh phí để thực hiện 3 kỷ lục Cổng Rồng trái cây lớn và dài nhất, Bản đồ trái cây lớn nhất, Mâm trái cây Tứ linh là 310 triệu đồng. Trong đó, Mâm trái cây Tứ Linh khoảng 130 triệu đồng, Cổng Rồng 150 triệu đồng, bản đồ Việt Nam 30 triệu đồng. Đến chiều nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc đã hoàn tất. Tham gia trình diễn tại lễ khai mạc có gần 500 diễn viên, quần chúng, 16 xe hoa và 15 linh vật tượng trưng cho các loại trái cây đặc sản Việt Nam. Điểm nhấn của buổi lễ là chương trình sân khấu hóa với chủ đề “Khai phá mở cõi đất phương Nam”. Trong khuôn khổ festival, liên tiếp trong các ngày từ 20 đến 22/4 sẽ diễn ra ba cuộc hội thảo “Trái cây Việt Nam - cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”, “Vườn cây ăn trái - gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn”, “Liên kết bốn nhà - Giải pháp cơ bản để nâng cao giá trị trái cây Việt Nam”. Châu Thành

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/congdongviet/4-ky-luc-tai-Festival-Trai-cay-Viet-Nam-lan-thu-nhat/20104/89022.datviet