4 lĩnh vực mũi nhọn trong làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản

Thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm...

sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trong các lĩnh vực mũi nhọn là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo "Đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức ngày 25/2.

Tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, 4 lĩnh vực là công nghiệp hỗ trợ, lao động, du lịch và nông nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn mới cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc

Ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh doanh Nhật Bản – MeKong, JCCI đánh giá cao sự hợp tác về thương mại, kinh tế giữa hai nước ngày càng tăng và thắt chặt. Hiện nay số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng nhanh, vượt con số 1.900 doanh nghiệp. Số vốn của Nhật tại Việt Nam đạt tới 8,6 tỷ USD và 2 năm liên tục là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn ít hơn so với con số 3.300 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Trung Quốc.

Song ông Yoichi cho biết, thời gian tới, không chỉ Nhật Bản mà còn rất nhiều quốc gia trong nhiều lĩnh vực khác sẽ chuyển dịch ngành sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam dường như rất ít. Ông Yoichi cho rằng, vấn đề chuyển giao công nghệ đang bắt đầu được thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên hiện tượng Trung Quốc +1 tăng lên. Việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khiến việc chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh hơn.

Một lĩnh vực khác được ông Kobayashi nhắc tới đó là thị trường tiêu thụ của Việt Nam rất hấp dẫn, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc cũng đang đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực nhà hàng ở Việt Nam, một quốc gia có dân số gần 100 triệu dân trong thời gian tới. Mặc dù vậy, để doanh nghiệp Nhật Bản hiểu hơn về lĩnh vực này, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này cần có tài liệu giới thiệu bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật cho đối tác Nhật.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hai nước cũng có triển vọng lớn trong việc hợp tác để tạo thành một vành đai sản xuất nông sản sạch, an toàn; đồng thời, xuất khẩu sang các thứ thứ 3, bởi hai nước đều có thế mạnh và điều kiện để phát triển lĩnh vực này.

Để đón làn sóng chuyển dịch, đại diện Mitsubishi Motors Việt Nam đề xuất, để phát triển kinh tế các địa phương nên có vài từ khóa phân tích các đặc điểm kinh tế ở các địa phương như về du lịch, kỹ thuật và công nghệ, nông nghiệp, thủy sản, năng lượng tái tạo, IT và công nghệ sinh học... Những từ khóa này nên lưu ý các địa phương có đặc điểm nào để phát triển lĩnh vực nào, chiến lược riêng của từng địa phương như thế nào. Khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản có cơ sở tham khảo thành lập dự án đầu tư mới tại các tỉnh của Việt Nam.

Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp hỗ trợ

Là một quốc gia đứng đầu trong đầu tư vào Việt Nam, vì vậy, lĩnh vực hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng cần được doanh nghiệp hai bên chú trọng. Chủ tịch VCCI đánh giá, Nhật Bản đã luôn tập trung giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Một trong các hoạt động nổi bật và diễn ra thường xuyên là việc hai bên tổ chức triển lãm "Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản" nhằm mục tiêu đẩy mạnh hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nước cũng như nâng cao năng lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Do đó, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực này cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Theo ông Lộc, giải quyết công nghiệp hỗ trợ có thể dùng biện pháp mời các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư. Đặc biệt là những kinh nghiệm và công nghệ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, cụ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng tỷ lệ nguyên liệu, linh kiện được sản xuất bởi doanh nghiệp thuần Việt trong chuỗi sản xuất.

Ông Lộc cho rằng, chúng ta đang có cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Thời gian vừa qua rất nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là từ Trung Quốc. Trung Quốc có lợi thế về quy mô, dây chuyền sản xuất lớn, rất nhiều công nghệ chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giờ đây, với làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch chuyển sản xuất chúng ta có thể đón nhận làn sóng dịch chuyển cả công nghiệp hỗ trợ. Đây chính là cơ hội, tất nhiên chúng ta phải lựa chọn công nghệ như thế nào cho phù hợp. "Tôi biết nhiều doanh nghiệp Nhật đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở Trung Quốc, đề nghị họ dịch chuyển sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần có các biện pháp tích cực hơn để thúc đẩy ngành này, chính sách các năm qua chưa thành công", ông Lộc nói.

Để hợp tác phát triển kinh tế hai nước một cách toàn diện, ông Lộc đề xuất, củng cố hơn nữa liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Điều này không chỉ có lợi cho năng lực của sản xuất của Việt Nam mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xây dựng hình ảnh cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.

Đồng thời, hợp tác theo cơ chế đa phương để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư bằng cách tham gia tích cực vào các tổ chức thương mại thế giới như WTO và các FTA nhiều bên như CPTPP, RCEP... Cần thường xuyên duy trì đối thoại thực chất về các vấn đề liên quan đến đầu tư, cải cách môi trường kinh doanh, nhu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng như phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, hợp tác công – tư là những lĩnh vực Việt Nam mong muốn hợp tác với Nhật Bản...

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/4-linh-vuc-mui-nhon-trong-lan-song-dau-tu-moi-tu-nhat-ban-2019022609574746.htm