4 'mẹo' hay kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh ngay sau tiết học

Không gì vui hơn khi sau một tiết học, thầy nhìn thấy tất cả học trò đều hiểu bài. Vì vậy, việc kiểm tra mức độ tiếp thu kiến thức sau khi giáo viên dạy xong bài là vô cùng quan trọng.

Sơ đồ tư duy

Tuy nhiên, tâm lí của học sinh là hay xấu hổ nên sẽ không dám giơ tay hỏi trực tiếp hoặc thẳng thắn trả lời "Không hiểu" hay "Chưa hiểu" khi giáo viên hỏi "Các em có hiểu không?". Và mỗi khi thầy cô hỏi câu đó thì thông thường học sinh sẽ im lặng, gật đầu hay trả lời có theo phong trào. Để kiểm tra xem học sinh hiểu bài hay chưa, giáo viên không nên đặt những câu hỏi có hay không như vậy.

Dưới đây là một số cách đơn giản để xác định xem ai là người hiểu bài tốt, ai là người hiểu "sơ sơ", và ai là người chưa hiểu sau một tiết học.

1. Sơ đồ tư duy

Thầy cô sẽ yêu cầu học sinh vẽ sơ đồ tư duy để tóm tắt lại bài học hoặc một phần nội dung trọng tâm nào đó của bài học. Sau đó bốc thăm ngẫu nhiên vài học sinh thuyết trình trước lớp, số còn lại giáo viên sẽ thu bài và xem sau. Việc này giúp tạo được ý thức tự giác cho học sinh, bỏ được tư tưởng đối phó trong học tập.

2. Phiếu ra về

Giáo viên sẽ phát phiếu ra khỏi lớp cho học sinh nếu học sinh trả lời được các câu hỏi có trên phiếu.

3. Biểu đồ lật

Mỗi học sinh có 3 biểu đồ lật (dạng 1 cuốn lịch lò xo) với ba trang ba màu khác nhau. Màu xanh là "Con hiểu bài kỹ". Màu vàng là "Con cần giúp đỡ nhưng có thể tự giải quyết được". Màu đỏ là "Con cần giúp đỡ vì không tự giải quyết được".

Mỗi khi giáo viên dạy đến phần nào chỉ cần nhìn xem học sinh lật biểu đồ màu gì thì có thể dừng lại để giúp đỡ các em kịp thời, không cần chờ đến cuối giờ.

4. Bộ thẻ số

Mỗi học sinh có 1 bộ thẻ số từ 1 đến 4. Số 1 là hiểu bài và có thể dạy lại cho người khác. Số 2 là hiểu rõ. Số 3 là hiểu nhưng chưa chắc chắn. Số 4 là rất cần sự giúp đỡ.

Sau mỗi phần nội dung hoặc tiết học, giáo viên kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh bằng cách cho các em dơ số tương ứng có trong bộ thẻ. Sau đó giáo viên cho học sinh ghép đôi. Số 1 sẽ giúp đỡ số 4. Số 2 giúp đỡ số 3. Trong quá trình dơ thẻ số lên, giáo viên cần ra luật để học sinh không được nhìn sang số của người khác, tránh hiệu ứng dây truyền.

Để cả thầy và trò có thể kết thúc một tiết trong niềm vui và sự thỏa mãn, các thầy cô có thể tự điều chỉnh theo môn học của mình sao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh và để có những tiết dạy và học thực sự hiệu quả.

Theo Nguyễn Thị Thúy -Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/4-meo-hay-kiem-tra-muc-do-hieu-bai-cua-hoc-sinh-ngay-sau-tiet-hoc-3959838-c.html