4 sai lầm chị em hay mắc khi chăm sóc 'cô bé'

Chăm sóc phụ khoa là việc hầng ngày và đặc biệt quan trọng mỗi khi 'cô bé' ốm. Tuy nhiên, không ít chị em đã vô tình lặp đi lặp lại những sai lầm làm ảnh hưởng tới sức khỏe của 'cô bé'.

BS.CKII Trần Thị Hường - Nguyên bác sĩ công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cho biết, vệ sinh phần phụ đúng cách cũng là một trong những nhân tố giúp chị em phòng tránh nguy cơ ung thư cổ tử cung. Thống kê cho thấy, mỗi năm trung bình có 10-20 người trong 100.000 phụ nữ ở độ tuổi 30 được phát hiện có ung thư cổ tử cung.

Dưới đây là lời khuyên của BS.CKII Trần Thị Hường về một số sai lầm trong chăm sóc phần phụ chị em nên tránh

1. Tự mua thuốc đặt âm đạo

Nhiều chị em khi thấy ngứa, rát, ra khí hư vùng kín, cho rằng bị viêm phụ khoa và tự mua thuốc không theo chỉ định của bác sĩ dẫn tới phải chịu những tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn và thậm chí cả phản ứng thuốc…. khiến thời gian điều trị bệnh kéo dài.

2. Có thai không được điều trị nấm âm đạo

Một số chị em có thai cho rằng nhiễm nấm trong giai đoạn này không được điều trị là không đúng. Không những nên mà rất cần phải điều trị phụ khoa thời điểm này. Kể cả trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ, vẫn cần thiết phải điều trị nấm

Viêm nhiễm phụ khoa khi mang bầu có thể dẫn đến 2 nguy cơ. Một là em bé nếu sinh thường qua đường âm đạo có thể bị nấm mắt, hai là trong quá trình viêm âm đạo nó có thể ngược dòng đi lên dẫn đến vỡ ối, sinh non hoặc sảy thai.

Nhiều người quá lo sợ con bị nấm mắt khi sinh thường và quyết định sinh mổ. Điều đó là không nhất thiết bởi nấm âm đạo triệu chứng rất rầm rộ nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi trong vòng khoảng một tuần. Khi phát hiện nhiễm nấm âm đạo mà đang mang thai, hãy hỏi ngay ý kiến bác sĩ để có cách điều trị tốt.

3. Thụt rửa âm đạo quá sâu

Trong vệ sinh hàng ngày, không nên phụt rửa âm đạo quá sâu hoặc rửa những thuốc sát khuẩn mạnh sẽ vô tình làm mất đi những vi khuẩn có ích trong môi trường âm đạo. Hơn nữa, nước vệ sinh sát khuẩn mạnh khi bị thụt rửa sâu có thể gây những tác dụng không tốt.

Vệ sinh âm đạo cần xả nước từ trên xuống dưới, tránh rửa từ đằng sau lên vì đằng sau là đường hậu môn. Nếu rửa từ phía hậu môn về trước, những chất bẩn như phân có thể bắn ngược vào âm đạo, gây viêm nhiễm.

4. Quan hệ tình dục sớm khi ở tuổi vị thành niên

Quan hệ tình dục ở tuổi thiếu niên (Dưới 18 tuổi) sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và cả khả năng sinh sản sau này.

Ở thời điểm này, các cơ quan sinh sản chưa phát triển một cách hoàn thiện, hệ thống thần kinh ở trục dưới đồi tuyến yên buồng trứng chưa thể phát triển một cách hoàn thiện như ở tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) sẽ dẫn tới hiện tượng ra kinh thất thường, không đều hằng tháng ở nữ giới.

Hơn nữa, khả năng xảy ra việc có thai ngoài ý muốn khó kiểm soát, phải nạo phá thai và nguy cơ biến chứng sau nạo phá thai sẽ dẫn tới vô sinh.

Chăm sóc đúng cách cho “cô bé”

Chị em cần rửa vùng kín mỗi ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh, bằng sản phẩm vệ sinh phụ nữ chuyên dụng.

Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, hậu sản, những ngày ra nhiều huyết trắng (thay băng vệ sinh hàng ngày sau 4 giờ, với băng vệ sinh đặt trong âm đạo cần thay sau mỗi 2 giờ). Không nên để quá lâu dễ gây khô âm đạo, kích ứng niêm mạc, vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Vệ sinh sạch sẽ cho cả hai người trước và sau khi quan hệ tình dục.

Giữ cho vùng kín càng khô ráo càng tốt. Tránh mặc quần áo chật, quần ẩm ướt, không nên mặc đồ lót bó sát ngăn da tiếp xúc với không khí gây rối loạn tuần hoàn máu, thay quần lót thường xuyên.

Không thụt rửa âm đạo khi không có chỉ dẫn của thầy thuốc, vì việc thụt rửa dễ ảnh hưởng tới pH, cân bằng sinh lý âm đạo.

Không nên dùng xà phòng hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.

Không dùng nước bẩn có nhiều vi sinh vật như: nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa vệ sinh.

Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/4-sai-lam-chi-em-hay-mac-khi-cham-soc-co-be-20171020154712394.htm