4 xu hướng trong ngành bán lẻ

Các DN bán lẻ tại VN sẽ cần phải quan tâm tới những vấn đề gì khi triển khai chiến lược phát triển trong môi trường ngày càng có nhiều biến động? Chuyên gia Nguyễn Tiến Dũng đưa ra các lưu ý chính.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng phát triển cả về chất lượng và quy mô trên nền tảng thuận lợi: dân số trên 90 triệu người, thu nhập bình quân đang tăng lên và sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô. Bên cạnh các nhà bán lẻ theo kênh truyền thống và các kênh hiện đại như Saigon Co-op, Satra hay Hapro, thị trường đã và đang đón nhận những gương mặt như Vingroup, Thế giới Di động cùng các doanh nghiệp nước ngoài như Lazada, hay 7-eleven và Auchan.

Các nhà bán lẻ Việt Nam có nhiều lợi thế “truyền thống” như: hiểu người tiêu dùng, có hệ thống phân phối mạnh và nguồn lực con người. Tuy nhiên, con đường tăng trưởng và phát triển của họ sẽ không như trong quá khứ được nữa. Thị trường đang có rất nhiều thay đổi, buộc các doanh nghiệp phải quan tâm, thích ứng và triển khai chiến lược phù hợp. Tôi cho rằng có 4 xu hướng lớn tác động mạnh mẽ đến chiến lược của các doanh nghiệp bán lẻ.

Một số lưu ý khi triển khai mô hình kinh doanh mới

Thị trường đang thay đổi nhanh chóng, nhưng vẫn có những doanh nghiệp đáp ứng, đón đầu, thậm chí tạo nên những xu hướng mua sắm mới. Chính vì thế, cần có nhiều hơn nữa những sự sáng tạo và đổi mới.

1. Tập trung vào trải nghiệm khách hàng (cả online và ofline)
2. Kết nối và ứng dụng công nghệ thông tin
3. Tính tới khả năng thực thi của đội ngũ hiện tại
4. Chuẩn bị khả năng mở rộng nhanh và đồng bộ
5. Môi trường mua sắm, bao gồm các thiết kế cửa hàng
6. Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thay đổi trong tương lai

Ứng dụng công nghệ thông tin

Câu chuyện về robot hay trí tuệ nhân tạo (AI) hay học máy (machine learning) đang ngày càng tràn ngập các diễn đàn. Tuy nhiên, với góc độ doanh nghiệp bán lẻ, tôi cho rằng, các yếu tố đó chưa cấp thiết bằng việc nhận thức được các chuyển đổi cần thiết trong chính doanh nghiệp với những yếu tố như:

* Kết nối thông tin hiệu quả với không chỉ với khách hàng (B2C) mà còn giữa nhà bán lẻ với nhà cung cấp (B2B hoặc B2B2C).

* Khai thác dữ liệu hiệu quả: cần cụ thể theo hướng dự liệu tức thì (on time), dữ liệu trở thành thông tin cần thiết để đưa ra quyết định kinh doanh, dữ liệu bán hàng của nhà bán lẻ cần trở thành dữ liệu thị trường mà các nhãn hàng cần đến.

* Tập trung xây dựng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) có tính kết nối, an toàn và bảo mật cao.

Trên hết, để triển khai hệ thống ERP cho doanh nghiệp thành công, nhà bán lẻ cần có một tầm nhìn và chiến lược công nghệ thông tin đủ mạnh để thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Đối thủ mới, mô hình mới

Trước đây, các “tay chơi mới” thường sẽ nghiên cứu và học hỏi được từ các nhà kinh doanh hiện hữu. Tuy nhiên, điều đó đã không còn thường xuyên xảy ra. Các nhà bán lẻ mới tham gia thị trường bằng các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ và trải nghiệm mới đã khiến các doanh nghiệp bán lẻ nội đia “giật mình” và nghiên cứu đổi mới theo. Thậm chí, kẻ mới đến còn hiểu khách hàng hơn nhà bán lẻ hiện tại vì họ có kinh nghiệm quốc tế, đã quan sát thị trường đủ lâu và chuẩn bị mô hình kinh doanh và kế hoạch phù hợp để tham gia.

Mô hình cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7-ELEVEN, Guardian, hay thậm chí Con Cưng, Mẹ và bé, Bách hóa Xanh, Điện máy Xanh, đã khiến cho cuộc đua mở rộng mô hình kinh doanh và mạng lưới trở nên hấp dẫn nhưng đầy quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh online của cả doanh nghiệp và người bán hàng online độc lập, hay thậm chí người nổi tiếng cũng tạo thêm sức ép. Những tác nhân như vậy đã khiến thị phần và tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ lâu năm bị ảnh hưởng, thậm chí suy giảm.

Khách hàng đang thay đổi nhanh hơn

Khách hàng đang thay đổi nhanh hơn sự hiểu biết và khả năng ứng phó của doanh nghiệp theo nhiều khía cạnh khác nhau như: thói quen, hành vi mua sắm tại cửa hàng. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các giao dịch qua điện thoại thông minh, rổ hàng mua sắm đã thay đổi, thậm chí dấu ấn thương hiệu cũng khác.

Ví dụ: Trước đây khách hàng mua sắm tại siêu thị còn có thể kết hợp với giải trí, thì tới nay thói quen này đã gần như đã chấm dứt. Thay vào đó, khách hàng có xu hướng giải trí tại rạp chiếu phim, quán cà phê, hay shopping mall. Rổ hàng mua sắm của khách hàng đã thay đổi theo xu hướng tự nhiên (family life cycle) hoặc theo nhu cầu mới dựa trên hàng mới, thu nhập và xu hướng chung của thị trường. Doanh nghiệp bán lẻ nên chủ động xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng và hệ thống quản trị riêng để tổng hợp, phân tích, đánh giá những thông tin độc lập, qua đó, những thay đổi của thị trường được ghi nhận và thúc đẩy các yếu tố bên trong doanh nghiệp chuyển động theo để phục vụ khách hàng của mình, chứ không chỉ là tìm cách đối đầu trực tiếp với các đối thủ.

Nâng cao năng lực và chuyên nghiệp hóa nguồn lực

Các nhà bán lẻ thường có xu hướng đưa ra quyết định dựa trên tình hình thực tế và thay đổi từ thị trường bên ngoài. Vì vây, có khả năng phần lớn nguồn lực nội bộ bị “bỏ quên” trong quá trình đổi mới của doanh nghiệp. Ví dụ: đa số nhân viên mới thiếu cơ hội được đào tạo kỹ năng mới, nhưng có thể được giao nhiều nhiệm vụ hơn so với trước đây vì sức ép cạnh tranh. Theo tôi, các doanh nghiệp bán lẻ nên thực hiện một số cải tiến trong mô hình quản trị, như:

* Quản trị tập trung: các công việc và nghiệp vụ quan trọng, rắc rối được tập trung giải quyết theo đầu mối thống nhất.

* Đơn giản hóa quy trình công việc để các nhân viên tập trung phục vụ khách hàng và bán hàng thay vì phải giải quyết rất nhiều công phía sau.

* Áp dụng các quy trình online: nhà bán lẻ nên nhớ nhân viên của chính họ cũng hiện đại như khách hàng. Vì vậy, họ sẽ cảm thấy hứng thú và hiệu quả hơn khi được áp dụng các quy trình công việc hiện đại.

Bài viết được thực hiện với sự tham gia của Nguyễn Tiến Dũng, Ông Dũng có bằng thạc sỹ về marketing, bán hàng và dịch vụ của IAE Paris Sorbonne và ESCP châu Âu. Ông có đam mê, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực bán lẻ; kinh nghiệm quản lý và phát triển nhân viên, phát triển mô hình kinh doanh. Ông từng là giám đốc cửa hàng (siêu thị, đại siêu thị và cửa hàng bách hóa), giám đốc cửa hàng khu vực, giám đốc phát triển kinh doanh, giám đốc định dạng và khái niệm mới (New Concept & Format Director) tại Saigon Co.op.

Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/4-xu-huong-trong-nganh-ban-le-130164.html