40 năm canh giấc Bác Hồ

Đã tròn 40 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, qua những câu chuyện về cất giữ, bảo quản thi hài Hồ Chủ tịch cùng di nguyện cuối đời của Bác được những người trong cuộc kể lại, chợt thấy bóng dáng Bác hiện lên thật kỳ vĩ mà ấm áp, gần gũi lạ thường. Dẫu đã đi xa nhưng Người như vẫn quanh đây

40 năm đã qua từ ngày Bác về với thế giới người hiền, các thế hệ cán bộ, y-bác sĩ, kỹ thuật viên của Viện 69 trước đây cũng như hôm nay đều xem nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác là một vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao.

Viện 69 đã làm chủ được kỹ thuật và công nghệ bảo quản thi hài lãnh tụ (ảnh chụp lại từ tư liệu của Viện 69)

Đặc vụ cao cả

Công việc gìn giữ thi hài Bác được Bộ Chính trị bắt đầu tính tới từ năm 1967, sau sinh nhật lần thứ 77 của Người. Đó cũng là lúc sức khỏe của Bác có dấu hiệu xấu đi.
Một buổi sáng tháng 6-1967, ba chuyên gia y tế gồm bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu Bệnh viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Việt – Xô, được ông Lê Đức Thọ, lúc đó là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, triệu tập và giao mật lệnh: Sang Liên Xô học tập công nghệ bảo quản thi hài lãnh tụ.

Ngay sau đó, ba chuyên gia y tế hàng đầu của VN đã bay sang xứ sở Bạch Dương, nơi thành công trong việc giữ gìn thi hài Lê-nin. Họ đi mang theo nỗi lo canh cánh về tình hình sức khỏe của Bác. Hai trong ba bác sĩ của tổ y tế đặc biệt năm xưa nay cũng đã theo Bác về cõi vĩnh hằng, giờ chỉ còn bác sĩ Lê Điều còn khỏe và minh mẫn dù tuổi cũng đã ngoài 80. Bác sĩ Lê Điều cũng chính là viện trưởng đầu tiên của Viện 69.

Đại tá - bác sĩ Lại Văn Hòa, Viện trưởng Viện 69, nói: “Dù chưa từng được gặp Bác khi Người còn sống nhưng tôi luôn coi Bác như một người cha, người ông trong gia đình. Không vinh dự được gặp Người nhưng lại có tới 31 năm gắn bó cùng Viện 69, tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần mình được “gặp” Bác”.

Theo đại tá - bác sĩ Lại Văn Hòa, nhiệm vụ của các bác sĩ ở viện hôm nay không gian nan và khó khăn như những thế hệ đi trước vì hiện đã làm chủ được kỹ thuật bảo quản thi hài Bác Hồ, có thể tự lực chăm sóc giấc ngủ cho Người mà không cần dựa vào chuyên gia nước ngoài như trước nữa.

Đại tá - bác sĩ Lại Văn Hòa (giữa) cùng những cán bộ, y - bác sĩ của Viện 69, những người có vinh dự “gặp” Bác hằng ngày

Lần nào “gặp” Bác cũng thổn thức

Viện 69 là đơn vị có quân số ít nhất thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dù nhiệm vụ họ đảm đương chẳng nhẹ nhàng chút nào. Các bộ phận hình thái học, sinh hóa học, vi sinh vật, môi trường và thực nghiệm thuộc viện đều hướng tới một nhiệm vụ duy nhất là phải bảo đảm giữ gìn nguyên vẹn dung mạo, thần thái cho Bác phục vụ đồng bào cả nước và khách quốc tế thăm viếng.
Với khoảng 10.000 người vào lăng viếng Bác mỗi ngày và điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở VN, nấm mốc, vi khuẩn rất dễ phát sinh. Đại tá - bác sĩ Lại Văn Hòa cho biết: “Hai lần mỗi tuần, chúng tôi phải làm thuốc trên thi hài của Người để bảo đảm sự ổn định của các mô và những bộ phận nhỏ nhất”.

Việc làm thuốc cho Bác cũng là khởi nguồn của nhiều câu chuyện xúc động mà chỉ có y - bác sĩ của Viện 69 mới được trải nghiệm. Anh Nguyễn Văn Bắc thuộc tổ môi trường - bộ phận có nhiệm vụ bảo đảm vô khuẩn, vô trùng trước, trong và sau khi làm thuốc cho Bác - nói: “Đã 15 năm làm công việc này rồi nhưng lần nào được gặp Bác, cảm xúc trong tôi cũng đều rất đặc biệt. Lần đầu tiên tiến gần đến Người, tôi đã cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn trào ra. Vào những dịp 2-9 và 19-5, cảm giác đó lặp lại. Khi ấy, tất cả anh em có cảm giác như Bác chỉ vừa mới ra đi, nỗi đau lớn vì mất Bác vẫn còn đó”.

Để được chọn vào đội ngũ những người canh giấc cho Bác, ngoài tay nghề, những y - bác sĩ còn phải có tâm lý vững vàng, tình cảm sâu sắc bởi công việc này không chỉ được thực hiện bằng bàn tay và khối óc mà phải bằng cả con tim kính trọng, yêu thương vô bờ bến dành cho Bác.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Hưng, thuộc tổ lăng, tâm sự: “Nếu phải tiếp xúc với những thi thể khác, chúng tôi hẳn rất run sợ nhưng với Bác thì ngược lại, đó là cảm giác ấm áp lạ thường. Lúc mới nhận nhiệm vụ làm thuốc cho Bác, một buổi tôi khóc không biết bao nhiều lần vì quá xúc động”.

Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật bảo quản thi hài Bác Hồ

Ước nguyện của nhân dân ta hiện nay cũng như khi Bác mới mất là gìn giữ lâu dài thi hài của Người. Để làm được công việc đó, Viện 69 phải thường xuyên đánh giá, tổng kết công việc đã làm được. Theo đại tá - bác sĩ Lại Văn Hòa, trong điều kiện hiện nay, VN đủ điều kiện để gìn giữ thi hài Bác lâu dài. Một hội đồng khoa học có sự tham gia của những chuyên gia y tế, giải phẫu hàng đầu của VN cũng như Liên Xô cứ sau 5 năm lại đánh giá tình trạng thi hài Bác một lần.
Bác sĩ Lê Điều nói: “Tôi luôn biết ơn những người bạn Liên Xô đã giúp chúng ta tiếp cận được với công nghệ bảo quản thi hài mà Viện 69 đang áp dụng nhưng nếu không có sự nỗ lực, tự vươn lên tìm tòi của chính những người đang làm công việc này thì chúng ta cũng khó mà làm chủ được kỹ thuật như ngày nay”.

Kỳ tới: Chuyện cảm động về Bác ở K9

Bài và ảnh: Mạnh Duy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090902100144536p0c1002/40-nam-canh-giac-bac-ho.htm