40 năm chiến thắng Pol Pot: Chiến công bên dòng Sêrêpốk

40 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí những người lính Cụ Hồ từng tham gia cuộc chiến đấu giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, ký ức về những năm tháng ấy chưa hề phai nhạt.

Đại tá Phạm Hồng Sơn (bên trái) nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk người từng tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Đại tá Phạm Hồng Sơn (bên trái) nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk người từng tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

40 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí những người lính Cụ Hồ từng tham gia cuộc chiến đấu giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, ký ức về những năm tháng ấy chưa hề phai nhạt.

Giữ vững tuyến biên giới

Năm 1975, tập đoàn phản động Pol Pot liên tục đưa quân đánh chiếm các đảo Thổ Chu, Phú Quốc rồi gây ra những vụ bắt bớ, tàn sát người Việt ở Gia Lai, Kon Tum, An Giang và Tây Ninh.

Tại Đắk Lắk, theo tài liệu Lịch sử Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk (1965-2000), thời điểm này tập đoàn Pol Pot liên tục cho quân xâm nhập tuyến biên giới, cấu kết với Fulro tăng cường phá hoại về chính trị, gây bạo loạn, làm cho tình hình tuyến biên giới của tỉnh trở nên phức tạp.

Từ tháng 2/1976 đến tháng 1/1977, được các thế lực phản động quốc tế hậu thuẫn, quân Pol Pot liên tục tổ chức tập kích bằng B40, M79 vào đồn Bu Prăng, Trương Tấn Bửu làm hệ thống thông tin của các đồn bị hỏng, nhiều nhà cửa bị thiêu rụi.

Đại tá Phạm Hồng Sơn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, người từng tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam và giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng nhớ lại tháng 4/1977, quân Pol Pot mở cuộc tiến công xâm lược biên giới Việt Nam trên toàn tuyến.

Xác định giữ vững tuyến biên giới Đắk Lắk có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với lực lượng Công an vũ trang các huyện biên giới, động viên nhân dân dựng làng chiến đấu trên các tuyến biên giới trọng yếu.

Đến tháng 7/1977, Đắk Lắk được Quân khu V tăng cường thêm lực lượng, Tiểu đoàn 83 thuộc Trung đoàn 94 nhận lệnh từ Quân khu V từ Gia Lai về Đắk Lắk phối hợp với các lực lượng trấn giữ Đồn 3 thuộc huyện Ea Súp, bảo vệ tuyến biên giới.

Ngày 8/2/1978, quân Pol Pot đưa 1 trung đoàn chia thành 4 mũi bao vây đồn Đắk Đam (nay là huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), chúng bắn 100 quả cối 100mm và cối 82mm, dùng mìn phá hàng rào, đánh vào đồn.

Các chiến sỹ của đồn Đắk Đam và Đại đội 5 được sự chi viện của Tiểu đoàn 29 và Đại đội 4 đã chiến đấu ngoan cường suốt 34 tiếng đồng hồ, bẻ gãy 16 đợt tiến công và tiêu diệt 31 tên địch.

Ngày 2/4/1978, quân Pol Pot tiếp tục tổ chức nhiều mũi đánh vào đồn Bu Prăng (này thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) và đánh úp vào thôn 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (nay thuộc tỉnh Đắk Nông), tàn sát, giết hại 34 người, làm bị thương 26 người, đốt cháy 100 ngôi nhà, 34 tấn lúa.

Trung đoàn 1 đã triển khai phản công diệt 100 tên, buộc chúng phải rút lui. Tuy nhiên, một ngày sau quân Pol Pot lại tràn lên bao vây đồn, cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra trong thế giằng co; đến ngày 17/5/1978 các đơn vị chủ lực của ta gồm Sư đoàn 2, Trung đoàn 812 Quân khu V phối hợp với Công an vũ trang các huyện biên giới đồng loạt tấn công truy quét quân địch tại các khu vực chiếm đóng, đẩy toàn bộ binh lính Pol Pot về phía bên kia biên giới, chấm dứt cuộc tiến công bao vây 47 ngày đêm của địch.

Hành trình vượt sông Sêrêpốk tiêu diệt Sư đoàn 920 của quân Pol Pot, giải phóng thị xã Cô Nhéck, tỉnh Mondulkiri của nước bạn Campuchia là một trong những chiến công vang dội của quân và dân tỉnh Đắk Lắk.

Cuối năm 1978, phong trào nổi dậy của nhân dân và lực lượng vũ trang Campuchia chống quân Pol Pot ngày càng lan rộng. Tháng 12/1978, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Campuchia được thành lập, giương cao lá cờ tập hợp lực lượng tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng Campuchia và nhân dân Campuchia đã đề nghị Đảng và Nhà nước ta giúp đỡ về lực lượng, phối hợp tiêu diệt quân Pol Pot, đưa đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Theo Đại tá Phạm Hồng Sơn, nhận thấy thời cơ phối hợp với tỉnh bạn Mondulkiri đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot đã đến, Quân khu V đã chỉ thị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk thành lập thêm Trung đoàn biên giới (Trung đoàn 142); đồng thời Quân khu tiếp tục cử Trung đoàn bộ binh 250 chi viện cho Đắk Lắk.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk củng cố thêm lực lượng cho các Tiểu đoàn 83, Tiểu đoàn 303 và Tiểu đoàn đặc công 407. Ngoài các lực lượng chính, Đắk Lắk còn huy động hàng trăm dân công, xe chuyển quân, công binh mở đường, tổ chức phương tiện vượt sông Sêrêpốk hành quân tiến sâu vào biên giới tỉnh Mondulkiri.

Ông Lê Công Tuấn - nguyên là chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 83, hiện ở thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tháng 9 năm 1978 sau khi nhập ngũ, tôi được điều động về Tiểu đoàn 83. Để đảm bảo cho các lực lượng của ta vượt sông Sêrêpốk an toàn, Tiểu đoàn 83 đã cử một Trung đội tiên phong vượt sông, chúng tôi phải dùng áo mưa bọc tư trang, vũ khí bơi qua sông. Sau khi qua bên kia sông, các chiến sỹ ai cũng thấm mệt, nhưng với tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đảm bảo việc hành quân nhanh, bí mật, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.”

Sáng 24/12/1978, đồng loạt các lực lượng của ta chia làm hai tốp từ hai bến sông dùng thuyền vận chuyển người và thiết bị tác chiến vượt sông Sêrêpốk.

Đến 23 giờ cùng ngày, toàn bộ lực lượng đã vượt qua hai bến sông an toàn và tiếp tục lội qua suối Đắk Đam (con suối chia đôi ranh giới giữa tỉnh Đắk Nông hiện nay và tỉnh Mondulkiri) vào vị trí tác chiến.

Theo tài liệu Lịch sử Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk (1965-2000), sáng 7/1/1979, Phnom Penh được giải phóng.

Tại tỉnh Mondulkiri, lực lượng Sư bộ 920 của quân Pol Pot co cụm tập trung chủ yếu tại tại khu vực Tây sông Prôsktrav và sân bay. Quân khu V và Bộ Chỉ huy Quân sự Đắk Lắk đã chỉ đạo đưa lực lượng bám sát biên giới, chờ thời cơ thuận lợi tấn công vào sân bay và Sư bộ 920 của quân Pol Pot.

Đúng 14 giờ ngày 11/1/1979, toàn bộ lực lượng của ta phối hợp với các lực lượng của tỉnh Mondulkiri đồng loạt tấn công vào thị xã Kônhék, tỉnh Mondulkiri, chiếm toàn bộ sân bay và Sư bộ 920 của quân Pol Pot, giành lại trụ sở các cơ quan hành chính cho tỉnh Mondulkiri.

Sau khi giải phóng tỉnh Mondulkiri, các đơn vị bộ đội của ta tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét tàn dư của quân Pol Pot trên khắp trận tuyến, giúp tỉnh bạn ổn định tình hình, đưa người dân trở về buôn, sóc ổn định đời sống

Ông Huỳnh Xuân Cư, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia của tỉnh Đắk Lắk sang giúp tỉnh Mondulkiri kiến thiết đất nước giai đoạn 1986-1989. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Nỗ lực hồi sinh vùng đất chết

Trong ngôi nhà nhỏ nằm ở góc đường Cù Chính Lan, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, ông Huỳnh Xuân Cư (83 tuổi), nguyên là Trưởng đoàn chuyên gia của Đắk Lắk sang giúp tỉnh Mondulkiri giai đoạn 1986-1989 bồi hồi nhớ lại những năm tháng không thể nào quên: "Sau chiến dịch mùa khô năm 1984-1985, các căn cứ chính của quân Pol Pot ở Campuchia đã bị phá hủy, quân Pol Pot rút lui về biên giới giáp Thái Lan. Lúc này tỉnh Mondlkiri như một vùng 'đất chết,' chính quyền, đoàn thể chưa được củng cố, đời sống của người dân gặp vô vàn khó khăn; thế lực Pol Pot mặc dù đã bị đánh tan rã nhưng vẫn chia thành tốp nhỏ, trà trộn vào nhân dân, phá hoại về an ninh, chính trị."

Tháng 1/1986, nhận nhiệm vụ từ Trung ương, đoàn chuyên gia của tỉnh Đắk Lắk gồm 20 người tiếp tục lên đường sang giúp tỉnh bạn kiến thiết, củng cố hệ thống chính quyền, khôi phục sản xuất.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn song các chuyên gia của tỉnh Đắk Lắk đã giúp đỡ tỉnh bạn củng cố bộ máy chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã; vận động người dân làm lại nhà cửa, làm đường giao thông, hệ thống thủy lợi, tích cực lao động sản xuất để ổn định lương thực.

Theo ông Hồ Quang Tám, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Đắk Lắk, trong 10 năm (1979-1989), thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, tỉnh Đắk Lắk đã cử 300 chuyên gia sang tỉnh Mondulkiri giúp bạn.

Năm 1989, quân tình nguyện và chuyên gia của Việt Nam trở về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri đã kết nghĩa, tiếp tục vận động nhân dân hai địa phương chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của hai Nhà nước, giúp nhân dân khu vực biên giới từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội.

Từ năm 2001 đến nay, Đội K51 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk và các lực lượng chức năng của tỉnh Mondulkiri cũng đã nỗ lực tìm kiếm, cất bốc 652 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh Mondulkiri. Hài cốt các liệt sỹ đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk./.

Phạm Cường (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/40-nam-chien-thang-pol-pot-chien-cong-ben-dong-serepok/545409.vnp