40 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Những tháng ngày không thể lãng quên

40 năm trôi qua, nhưng trong lòng những người lính năm ấy vẫn nhớ như in hình ảnh đồng đội của mình đã ngã xuống để đất nước có được hòa bình.

Bài 2: Họ đã ngã xuống cho đất nước trường tồn

Ông Hoàng Như Lý- người lính già luôn đau đáu tìm đồng đội của mình.

Ông Hoàng Như Lý- người lính già luôn đau đáu tìm đồng đội của mình.

Bài 1: Một cuộc chiến bắt buộc

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Ông Lê Khắc Xuân, nguyên là Bí thư Đoàn Thanh niên của Đồn biên phòng Pha Long thời điểm năm 1979, kể lại: Sáng sớm 17/2/1979, phía Trung Quốc dùng 2 trung đoàn bộ binh bất ngờ tấn công sang Pha Long, nhằm triển khai ý đồ chiến thuật cắt rời mảnh đất hình tam giác này ra khỏi thế trận liên hoàn toàn tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khoảng 5h 15 phút sáng ngày 17/2/1979, Đồn Pha Long rơi vào thế cô lập. Quân ta bị bao vây nhưng vẫn chiến đấu phòng ngự suốt 4 ngày đêm (từ ngày 17 – 20/2).

Hồi tưởng lại ký ức, ông Lê Khắc Xuân cho biết: Quân đội đối phương được huấn luyện rất kỹ về đánh bộc phá, nhưng suốt 4 ngày đêm tấn công, đối phương không đặt được 1 quả bộc phá nào vào chân lô cốt chỉ vì không tiếp cận được mục tiêu!. “Tôi còn nhớ như in lời nói, hành động của đồng chí Phương (một đồng đội của ông Xuân), lúc Phương bị thương nặng, biết mình không qua khỏi được: “ Em trao khẩu súng này cho anh, anh cùng đồng đội chắc tay súng giữ Pha Long, em xin từ biệt anh và mọi người”…

Hy sinh quên mình vì đất nước để bảo vệ cho được căn cứ trọng yếu là tinh thần chiến đấu bất khuất của chiến sỹ Đồn Pha Long cách đây tròn 40 năm. Thời điểm ấy, Đồn trưởng Pha Long đi công tác xa, việc chỉ huy do Thượng úy Trần Ngọc - Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ Đồn thực hiện. Mặc dù trước đó đã được tăng cường 3 đại đội cơ động của tỉnh, nhưng do bị vây đánh suốt mấy ngày liền, lương thực - đạn dược cạn dần, thương vong ngày càng cao... nhưng những người lính Pha Long vẫn chiến đấu không rời trận địa.

Đến giờ, các nhân viên thông tin - cơ yếu trong toàn quân lúc đó vẫn không quên nội dung 2 bức điện phát lên từ Pha Long: Bức điện gửi trưa ngày 18/2/1979 ghi: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều. Nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn 1 người cũng chiến đấu”; và bức điện lúc 11 giờ ngày 19/2/1979: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí!”.

Họ đã nằm lại mảnh đất biên cương

Nhiều năm nay, những người dân sinh sống gần khu Đài tưởng niệm các chiến sĩ Đồn Pò Hèn hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979 ở xã Hải Sơn (thị xã Móng Cái) đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông cứ mùng 1 hàng tháng là lặng lẽ đến thắp hương và ngồi lại rất lâu bên những tấm bia khắc tên những liệt sĩ. Ông là Hoàng Văn Lý, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn hay còn gọi Đồn 209, một trong số ít những nhân chứng còn sống sót sau trận chiến ngày 17/2/1979.

Ông Lý kể, tháng 2/1972 ông được điều động từ Công an vũ trang tỉnh về Đồn biên phòng Pò Hèn (khi ấy là Đồn 209) với cấp bậc Chuẩn úy. Lúc này Đồn trưởng là ông Vũ Ngọc Mai, Đồn phó phụ trách quân sự là ông Đỗ Sĩ Họa và cả đồn có hơn 60 cán bộ, chiến sĩ. Các chiến sĩ trong đồn đều rất trẻ, chủ yếu là lớp tân binh (SN 1959 và 1960) vừa mới ra trường là được điều động lên đây.

“Tôi vẫn nhớ như in tối ngày 16/2/1979, một ngày trước khi xảy ra trận chiến và cũng là ngày thứ 2 anh Phạm Xuân Tảo (SN 1936) được điều động từ Bộ Tư lệnh Công an vũ trang về Đồn Pò Hèn rủ tôi cùng 2 người khác cũng ở tổ trinh sát lên phòng chỉ huy uống trà trò chuyện và trao đổi công việc. Hình ảnh những cậu lính trẻ hay cười, hay hát, hay khôi hài đến những người lính già như Hoàng Văn Cừ hay Nguyễn Văn Mật thuộc đội Cơ yếu, Bảo vệ… như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của tôi.

Rồi giọng ông Hoàng Như Lý như nghẹn lại, “ngay từ sáng sớm khi cấp dưỡng của đồn dậy nấu cơm để các chốt lên lấy về đã phát hiện có dấu hiệu bất thường. Đến khoảng gần 5h thì có một tiếng súng và sau đó là pháo dập vào đồn liên tục. Đến 6h30’ thì quân địch ào lên áp sát đồn và do cuộc chiến không cân sức nên cầm cự đến khoảng 11h trưa thì phần lớn anh em trong đồn đã hy sinh anh dũng”.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ông Lý chia sẻ, không chỉ mùng một hàng tháng mà cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán ông lại cùng đồng đội sửa soạn mâm cơm mang đến mời đồng đội về ăn Tết. Ông kể, sau khi hy sinh, 40 liệt sĩ đã được di chuyển hài cốt về quê nhà trọn vẹn hiện còn 1 liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy hài cốt đó là đồng chí Nguyễn Văn Hiện. Chỉ 1 đồng đội chưa tìm được tro cốt cũng khiến ông thấy day dứt không yên.

Hàng năm cứ vào dịp 17/2, Đồn Pò Hèn đều làm lễ giỗ chung. Cũng dịp này các cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc lại tìm đến thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội. Nói về tâm nguyện của mình ông Lý cho biết, trong suốt thời gian qua, ông đã cố gắng cùng anh em bạn bè tìm tro cốt của các đồng đội đã ngã xuống, đưa họ trở về quê nhà. Nhưng điều ông mong mỏi hơn cả là các cấp, các ngành sẽ xây một khu du lịch tâm linh ở Đồn Pò Hèn, nơi các đồng đội của ông đã ngã xuống.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/bai-2-ho-da-nga-xuong-cho-dat-nuoc-truong-ton-tintuc429635