41 năm, kỳ tích Toán quốc tế của học sinh Việt Nam

Trong kỳ thi Olympic Toán (IMO) 2017 tại Brasil, đoàn học sinh Việt Nam lại lập thêm kỷ lục khi giành 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017 đứng thứ 3/112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự

Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017 đứng thứ 3/112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự

Trong đó, em Hoàng Hữu Quốc Huy (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giành huy chương vàng với số điểm cá nhân cao nhất IMO 2017 cùng với 2 thí sinh khác (của Iran và Nhật Bản). Chủ nhân 3 chiếc huy chương vàng còn lại là các em Lê Quang Dũng (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa - 28 điểm), Nguyễn Cảnh Hoàng (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An - 28 điểm) và Phan Nhật Duy (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - 25 điểm).

Đây là kết quả rất đỗi tự hào khi 41 lần tham dự cuộc thi toán quốc tế (từ năm 1974 đến nay), học sinh Việt Nam luôn được xướng tên trên bảng vàng học toán thế giới. Năm nay, đoàn học sinh Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 bảng tổng sắp, sau Hàn Quốc và Trung Quốc (và trên cả Mỹ và Nhật Bản).

Trong 41 lần ra biển lớn, học sinh Việt Nam luôn được thế giới dè chừng về khả năng tư duy, tính toán, sự thông minh, trí tuệ. Những thống kê, ghi chép lại từ kết quả các cuộc thi toán quốc tế, cho thấy sự nể phục của các nước đối với tư duy toán học của học sinh Việt Nam. Trong đó, thí sinh đầu tiên đạt điểm tối đa và cũng là người duy nhất của Việt Nam tính đến nay đoạt giải đặc biệt về lời giải đẹp là Lê Bá Khánh Trình. Năm 1979, Lê Bá Khánh Trình (Trường Quốc học Huế) đạt điểm tối đa 40/40 tại IMO diễn ra ở London (Anh) và được trao giải đặc biệt về lời giải bài toán hình học ngắn hơn đáp án chỉ bằng kiến thức lớp 9. Năm nay - 2017, thầy Lê Bá Khánh Trình lại là người dẫn đoàn học sinh Việt Nam đi thi toán quốc tế và giành thắng lợi vang dội.

Huy chương vàng IMO đầu tiên của Việt Nam (năm 1974) thuộc về Hoàng Lê Minh (học sinh lớp 10, khối chuyên toán A0 của Trường ĐH Tổng hợp). Hai huy chương vàng tiếp theo thuộc về Lê Bá Khánh Trình (Trường Quốc học Huế) và Lê Tự Quốc Thắng (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM). Điều thú vị là cả 3 thí sinh này đều là người gốc Huế.

Giáo sư Ngô Bảo Châu (từng là học sinh khối chuyên toán A0 của Trường ĐH Tổng hợp) trước đây cũng giành 2 huy chương vàng liên tiếp vào năm 1988 và 1989. Giáo sư trở thành nhà toán học với công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán”. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields. Tháng 6 vừa qua, giáo sư Ngô Bảo Châu trở thành viện sĩ liên kết của Viện Hàn lâm khoa học Pháp.

Phan Vũ Diễm Hằng là nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự IMO 1975 và đoạt huy chương đồng. Tính đến nay, Việt Nam có 11 nữ thí sinh tham dự IMO, giành được tổng cộng 11 huy chương; trong đó có 5 huy chương bạc, 6 huy chương đồng. Nguyễn Thị Thiều Hoa là nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt huy chương bạc IMO (năm 1976).
Nguyễn Tiến Dũng là thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất tham dự IMO. Tiến Dũng tham dự IMO 1985 khi chưa tròn 15 tuổi và đoạt huy chương vàng với số điểm 35/42. Trong khi đó, Hà Huy Minh (huy chương đồng IMO 1989) và Hà Huy Tài (huy chương bạc IMO 1991) là cặp anh em con chú con bác duy nhất từng tham dự IMO. Trong gia đình này còn có người chú Hà Huy Bảng từng tham dự IMO 1976 (nhưng không đoạt giải). Theo GS Hà Huy Khoái, chính vì cần dạy cho các con cháu nên giáo sư đã để tâm hơn đến toán sơ cấp để sau này trở thành chuyên gia có tiếng trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, từng làm Trưởng ban chọn đề thi và Trưởng ban giám khảo IMO 2007, tham gia IMO Advisory Board và nhiều lần dẫn đoàn Việt Nam đi thi toán quốc tế.

Có một trường hợp họ hàng ít được biết đến hơn là của Trần Nam Dũng (cậu), huy chương bạc IMO 1983 và Lê Nam Trường (cháu), huy chương bạc IMO 2006. Điều thú vị là chiếc huy chương bạc của Trần Nam Dũng là huy chương IMO đầu tiên của học sinh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (lúc chưa tách tỉnh); còn huy chương bạc của Lê Nam Trường là huy chương IMO đầu tiên của Hà Tĩnh (quê nội của Lê Nam Trường và quê ngoại của Trần Nam Dũng).

NGUYỄN PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/41-nam-ky-tich-toan-quoc-te-cua-hoc-sinh-viet-nam-458067.html