45% người chuyển giới là nữ sinh bị từ chối việc làm

Ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới. Sự hiện diện của người chuyển giới tại Việt Nam ngày càng rõ rệt, tuy nhiên các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt họ trở thành nhóm bị tổn thương.

Đây là những thông tin tại Hội thảo về Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới" diễn ra ngày 26/9 tại Hà Nội, do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI), tổ chức.

Còn nhiều rào cản

Theo nghiên cứu của SCDI, tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy 45% người chuyển giới là nữ sinh bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có việc làm ở khu vực chính (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động), và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức báo động. 23% cho biết đã buộc phải quan hệ tình dục, và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới.

Tuy nhiên, những con số kể trên chưa thể phản ánh đầy đủ về bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam, do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến tuổi thành niên.

Đại diện các cơ quan, tổ chức, và người chuyển giới trao đổi tại hội thảo

Đại diện các cơ quan, tổ chức, và người chuyển giới trao đổi tại hội thảo

Cũng theo nghiên cứu của SCDI, trong những năm gần đây, người chuyển giới ở Việt Nam đang ngày càng rõ rệt. Ước tính có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử ở chính gia đình và cộng đồng. Cơ hội tiếp cận việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn. Trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người dân nói chung đang ngày càng cải thiện, nhưng dịch vụ cho người chuyển giới hầu như không có,

Chị Mai Châu, một người chuyển giới chia sẻ, hiện nay nhiều người chuyển giới phải tự điều trị nội tố hormone ở chợ đen. Một số rất ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế mới có thể ra nước ngoài, hoặc tìm đến các cơ sở không hợp pháp để thực hiện phẩu thuật chuyển đổi giới tính. Nhiều người đã tử vong hoặc gặp các vấn đề sức khỏe do phải tự điều trị nội tố hay tự tiêm silicone.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính: Nhiều điểm tiến bộ nhưng vẫn còn bất cập

Ths. Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, pháp luật Việt Nam chỉ công nhận 2 giới tính là nam và nữ, không công nhận giới tính thứ 3. Luật Hôn nhân và gia đình không thừa nhận hôn nhân giữa những ngƣời cùng giới tính (Khoản 2 Điều 8). Luật hộ tịch, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam, Luật thi hành án hình sự…chưa có quy định đối với người chuyển đổi giới tính

Cũng theo Ths. Đinh Thị Thu Thủy, hiện nay cả nước có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đượ̣c Bộ Y tế cho phép thực hiện xác định lại giới tính, bao gồm: BV Nhi Trung Ương, BV Hữu Nghị Việt Đức và BV Nhi đồng 2 TPHCM. Trong quá trình thực hiện xác định lại giới tính, các Bệnh viện này đã thực hiện điều trị nội tiết và phẫu thuật ngực từ nam sang nữ, từ nữ sang nam, phẫu thuật bộ phận sinh dục: cắt bỏ hoặc tạo bộ phận sinh dục… Về kỹ thuật: Nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong nước đủ điều kiện thực hiện.

Chị Mai Châu chia sẻ hiện nay vẫn còn nhiều rào cản đối với người chuyển giới

Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI ) nhận định, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã mở ra cơ hội cho những người chuyển giới. Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã đặt một mốc quan trọng đối với phong trào của người chuyển giới bằng việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính. Hiện nay Dự thảo Luật Chuyển đổi Giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng còn nhiều ý kiến trao đổi chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới. Cụ thể tại điểm 5 Điều 2 dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”. Như vậy theo điểm này trong dự thảo, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.

Trong khi đó cộng đồng người chuyển giới không phải ai cũng có nhu cầu chuyển đổi giới tính thông qua can thiệp y học vì các lý do khác nhau như chí phí rất cao, tỷ lệ thành công ở mức thấp hơn từ nam sang nữ. Mặt khác, phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn đồng nghĩa với việc phải hy sinh đi nhiều năm tháng tuổi thọ nên nhiều người không muốn làm vì rủi ro quá lớn.

Quy định như khoản 5 Điều 2 của dự thảo sẽ dẫn đến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo Luật này vì một số điều kiện như về kinh tế, họ không có đủ tiền để chi trả; về sức khỏe một số người không đáp ứng với hormone, bị shock khi tiêm hormone dẫn tới tử vong, hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật.

Theo lộ trình xây dựng và ban hành của Luật Chuyển đối giới tính, dự thảo dự kiến được trình Quốc Hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2018, song có nhiều lý do đến nay Luật chuyển đổi giới tính vẫn chưa được trình Quốc hội. Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện nay hàng trăm ngàn người chuyển giới vẫn tiếp tục phải chờ đợi.

CHU LƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/viet-nam-co-khoang-nua-trieu-nguoi-chuyen-gioi-can-ho-tro-phap-ly-d81957.html