46/63 tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại từ hôm nay 22-2

Hôm nay, 22-2, đã có 46 tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại. Học sinh của 17 tỉnh thành còn lại dự kiến quay trở lại trường từ 1-3.

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, 46 địa phương đã điều chỉnh lịch nghỉ học của học sinh, cho học sinh đi học trở lại từ ngày hôm nay 22-2.

Cả nước còn 17 tỉnh, thành sẽ cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 28-2 là Hà Nam, Bình Phước, Tây Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Phú Yên, TP HCM, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc và Bình Định.

Các trường học ở Quảng Nam được yêu cầu đảm bảo công tác phòng chống dịch khi học sinh đi học trở lại - Ảnh: Trần Thường

Các trường học ở Quảng Nam được yêu cầu đảm bảo công tác phòng chống dịch khi học sinh đi học trở lại - Ảnh: Trần Thường

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp.

Theo Bộ trưởng, mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước, vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến việc chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay.

Nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đơn vị tích cực hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư Quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Đồng thời, làm việc với các đối tác doanh nghiệp, nhà mạng đã ký kết hợp tác với Bộ GD-ĐT để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền, băng thông… phục vụ cho hoạt động dạy và học. Có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, học sinh các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

Trên cơ sở kế thừa tối đa hệ thống bài giảng điện tử hiện có, Bộ trưởng chỉ đạo, các vụ bậc học tiếp tục bổ sung bằng cách huy động giáo viên từ các địa phương thực hiện các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số với đầy đủ các môn học ở bậc phổ thông. Việc xây dựng những bài giảng mẫu tốt và đăng tải qua kênh youtube, theo Bộ trưởng, còn rất phù hợp với những bậc học, lớp học "khó" triển khai dạy học trực tuyến như mầm non hay lớp 1.

Để giúp giáo viên có được các kỹ năng cần thiết, hiểu được quy trình, trình tự giảng dạy trong môi trường số, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn xây dựng cẩm nang hướng dẫn những nội dung này cung cấp cho giáo viên.

Đối với học sinh, vấn đề Bộ trưởng đề nghị lưu tâm là đảm bảo an toàn cho các em trong môi trường mạng, trong đó bao gồm an toàn sức khỏe và an toàn tâm lý.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết Bộ GD-ĐT sẽ có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời, xứng đáng cho những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện khó khăn, chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 trong suốt thời gian vừa qua.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/46-63-tinh-thanh-cho-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-tu-hom-nay-22-2-20210222133855191.htm