5.000 vụ án được xét xử trực tuyến

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tòa án năm 2023 được Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức sáng nay, 22.12. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trung tâm tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao và các điểm cầu thành phần tại Tòa án Nhân dân và Tòa án Quân sự các cấp.

Tới dự Hội nghị có Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cùng với đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư và đại diện ban ngành Trung ương và Hà Nội.

Về phía Tòa án Nhân dân Tối cao có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, các Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, đại biểu Tòa án Nhân dân, Tòa án Quân sự đạt thành tích cao trong phong trào thi đua, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra (không quá 1,5%).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, mặc dù, năm 2022 tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều biến động khó lường, chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 nhưng hệ thống tòa án đã có những thành tích nổi bật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngành Tòa án đã đề ra các giải pháp hoàn thiện thể chế, làm cho Tòa án thực sự nghiêm minh, liêm chính, bảo vệ được công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong năm 2022, Tòa án đã hoàn thành tất cả các đề án Trung ương giao cho như Đề án Tòa án người chưa thành niên; Đề án Tòa án điện tử; Đề án cải cách tư pháp đã được Trung ương đưa vào Nghị quyết… Bên cạnh đó, xét xử các vụ án tham nhũng, các bản án nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn, thu hồi nhiều tài sản. Trong xây dựng pháp luật, Quốc hội nhiệm kỳ này đã ban hành 3 Pháp lệnh, đây là những Pháp lệnh do Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Dự thảo.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Hiện nay, án lệ đã trở thành xu thế, thói quen trong xét xử của các Thẩm phán với hơn 1.000 bản án viện dẫn án lệ. Về xét xử trực tuyến, mặc dù chưa được đầu tư nhiều nhưng đã được triển khai rất tốt, có hơn 5.000 vụ được xét xử trực tuyến. Đây được xem là điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý án tổng hợp và trợ lý ảo.

Đánh giá tổng quát năm 2022, ngành Tòa án đã đạt được cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tuy nhiên còn yếu về án hành chính và yếu về giải quyết đơn giám đốc thẩm dẫn đến tình trạng dồn đơn lên Tòa án Nhân dân Tối cao. Vì vậy, năm 2023, các chỉ tiêu cơ bản, chất lượng xét xử phải nâng lên, khắc phục những điểm còn yếu, nhất là án hành chính. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao. Xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhất là nội dung về cải cách tư pháp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu quy hoạch, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Nghiêm túc thực hiện tốt Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và vận hành hiệu quả Tòa án điện tử; phần mềm Trợ lý ảo; hệ thống giám sát điều hành.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tôi cao Lê Minh Trí cho rằng hiện, tình hình tội phạm tăng 10%/năm, các vụ án dân sự, kinh tế tăng và ngày càng phức tạp trong khi hệ thống pháp luật nước ta chưa có sự đồng bộ và thống nhất nên áp lực với mỗi ngành là rất lớn. Để không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi ngành, phải có sự phối hợp, trao đổi thẳng thắn trong ba ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án để đi đến thống nhất, bảo vệ được cái đúng. Kết quả đã đạt được năm 2022 của hệ thống Tòa án cũng có thể nói trong đó có thành tích chung của ba ngành.

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng những vụ án trọng điểm vừa qua, ba ngành đã có sự phối hợp rất tốt. Đã có vụ án điều tra viên tranh luận tại phiên tòa, đây là nét mới, tích cực. Điều đáng nói, mặc dù hiện nay tỷ lệ công việc càng ngày càng cao yêu cầu càng ngày càng phức tạp, song đã có sự thống nhất các mối quan hệ để đảm bảo thực hiện yêu cầu của pháp luật, nhiệm vụ chính trị được giao.

Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị đã nghe các tham luận của các đại biểu.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/5-000-vu-an-duoc-xet-xu-truc-tuyen-i312197/