5,5 triệu USD trùng tu dự án điện Kiến Trung

Ngày 7/9 Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã giới thiệu phục hồi dự án trùng tu điện Kiến Trung ở Đại Nội Huế với mức kinh phí 123 tỷ đồng (tương đương 5,5 triệu USD); trong đó, có 23 tỷ đồng dành cho dự phòng. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới

 TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế giới thiệu dự án trùng tu điện Kiến Trung

TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế giới thiệu dự án trùng tu điện Kiến Trung

Dưới triều Khải Định (1916-1925), tháng 2/1921, điện Kiến Trung được khởi công xây dựng, đến năm 1923 hoàn tất. Ngôi điện trở thành nơi làm việc của vua Khải Định và là nơi sinh hoạt của gia đình nhà vua. Điện Kiến Trung là công trình tiêu biểu nhất, quan trọng nhất đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc cung đình Huế.

Về giá trị nghệ thuật, điện Kiến Trung mang phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt Nam sáng tạo ra và lại những giá trị văn hóa lịch sử đáng trân trọng.

Vua Khải Định từng làm việc tại điện Kiến Trung, ảnh tư liệu

Năm 1932, vua Bảo Đại đã cho cải tạo lại nội thất, lắp đặt thêm các tiện nghi Tây Phương, còn ngoại thất vẫn giữ nguyên. Từ đó, điện Kiến Trung trở thành nơi ở của cả gia đình nhà vua. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đây là nơi vua Bảo Đại thỏa thuận với đại biểu Chính phủ Việt Minh về thủ tục thoái vị, là nơi vua ra “Chiếu thoái vị” với tuyên bố nổi tiếng: “Thà làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”.

Điện Kiến Trung trước khi bị triệt hạ do chiến tranh

Do điện Kiến Trung bị triệt hạ hoàn toàn và gần như không có công trình tương tự theo kiểu “kiến trúc châu Âu, trang trí truyền thống”, nên từ 5 năm trước các nhà khoa học đã phải thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu nhằm xác định rõ giá trị của di tích, không gian sử dụng, kích thước công trình, phong cách kiến trúc – mỹ thuật, kết cấu, vật liệu.

Sau 5 năm, công trình sẽ được hoàn thiện tổng thể từ kiến trúc đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh.

Ảnh Điện Kiến Trung dự kiến 5 năm phục hồi trùng tu nguyên trạng

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, đặt trong thế so sánh với các khu di sản trên thế giới, nếu Hàn Quốc đầu tư phục hồi cổng Nam Đại Môn (cổng chính của cung Hán Thành, bị đốt cháy 2008) gần 30 triệu USD, Nhật Bản đầu tư phục hồi cửa Chu Tước Môn (cổng phía nam của thành Nara) hết hơn 20 triệu USD, thì mức kinh phí khoảng 5,5 triệu USD để trùng tu phục hồi điện Kiến Trung đồ sộ và phức tạp từ một phế tích hoàn toàn không phải lớn. Việc trùng tu khôi phục điện Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn trong việc phục hồi các giá trị của di sản kiến trúc cung đình Huế.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/55-trieu-usd-trung-tu-du-an-dien-kien-trung-3949056-c.html