5 bài tập thể dục khi bị ốm giúp cơ thể nhanh khỏe

Tập thể dục khi cơ thể mệt mỏi có thể không phải là điều tốt nhất nên làm. Tuy nhiên, với các trường hợp ốm 'nhẹ', thì việc tập thể dục vừa sức lại giúp cơ thể nhanh hồi phục.

1. Tập thể dục và bệnh tật

Khi bạn không khỏe, cơ thể cần nghỉ ngơi để phục hồi. TS. BS.Tushar Tayal, chuyên gia nội khoa tại Bệnh viện CK Birla, Ấn Độ cho biết, tập thể dục trong giai đoạn này có thể làm chậm quá trình hồi phục.

Tuy nhiên trong một số trường hợp ốm nhẹ như: Nghẹt mũi, đau họng... bạn có thể tập các bài tập nhẹ. Nhưng nếu bạn ho có đờm, thở khò khè... thì nên tránh tập luyện.

Không nên tập thể dục khi bị sốt cao.

Không nên tập thể dục khi bị sốt cao.

2. Các bài tập bạn có thể thực hiện khi có các triệu chứng bệnh nhẹ

2.1. Đi bộ

Cảm lạnh có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng, vì vậy bạn có thể không muốn tập thể dục cường độ cao. Nhưng chỉ cần 20 phút đi bộ có thể giúp bạn nhận được những lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên. Hơn nữa, đi bộ có nhiều lợi ích và thậm chí còn có thể giúp cải thiện các triệu chứng cảm lạnh.

Đi bộ, tập luyện nhẹ nhàng giúp người bệnh ốm nhẹ nhanh khỏi hơn.

2.2.Yoga

Các bài tập yoga và tập thở có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Chọn một phong cách luyện tập chậm hơn như Hatha yoga hoặc tập trung vào các tư thế phục hồi như tư thế em bé và gác chân lên tường.

2.3. Bài tập kéo giãn

Trước khi thực hiện, bạn nên tìm một cây cột, hàng rào hoặc bức tường thẳng đứng mà bạn có vịn hay dựa vào, để hỗ trợ trong khi thực hiện một số động tác kéo giãn và vận động như xoay khớp cổ tay, khớp vai, xoay hông, tư thế mở ngực, mở vai...

2.4. Căng cổ

Kéo căng cơ cổ bằng cách cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, quay đầu sang trái, sang phải có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và giảm căng thẳng quanh cổ và ngực.

2.5. Đứng gập người về phía trước

Tư thế đứng gập người về phía trước giúp cải thiện lưu lượng máu, bảo vệ xoang và giảm tắc nghẽn một cách dễ dàng.

Lưu ý: Khi bạn bị sốt, cảm lạnh, ho dữ dội... khả năng miễn dịch bị ảnh hưởng. Nếu vận động nặng có thể tạm thời làm suy giảm khả năng miễn dịch và làm bệnh trầm trọng hơn.

Do đó, khi cảm thấy mệt mỏi, bạn nên lắng nghe cơ thể mình và chỉ nên tập thể dục khi các triệu chứng không trầm trọng và không tập quá sức.

Mời bạn xem tiếp video:

Rung nhĩ: Triệu chứng và lưu ý khi điều trị bệnh | SKĐS

Lê Thu Lương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-bai-tap-the-duc-khi-bi-om-giup-co-the-nhanh-khoe-169230410101624382.htm