5 bệnh trẻ thường mắc vào mùa Thu

Mùa thu được coi là thời điểm giao mùa, độ ẩm thấp làm sức đề kháng của trẻ bị yếu đi. Chính vì vậy, chúng ta cần biết cách chăm sóc tốt để phòng bệnh cho trẻ.

Cảm cúm: Trẻ khi mắc cảm cúm có thể sốt, nghẹt mũi, đau họng, ho, hắt hơi, nhức mỏi toàn thân. Trẻ còn khó chịu khi triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi kéo dài...

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết giao mùa, bạn cần giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay nực, cồ và đầu. Hạn chế cho bé tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm. Với bé trên 6 tháng tuổi, có thể tiêm phòng cúm cho bé mỗi năm một lần.

Bệnh đau mắt đỏ: Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu. Bệnh đau mắt đỏ thường có biểu hiện rõ nhất là mắt đỏ và có dử mắt. Dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt.

Để phòng bệnh, bạn cần chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khi ra ngoài phải có biện pháp bảo vệ mắt và tránh tiếp xúc với người bị bệnh...Nếu không may bị bệnh, tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám.

Viêm đường hô hấp: Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các loại virus hợp bào rất phát triển. Đây là một loại virus nguy hiểm có khả năng làm cho bé bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Dấu hiệu: Bé có thể đột ngột sốt cao, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở, tiêu chảy nhẹ.

Cách phòng tránh: Thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho bé bằng xà phòng. Giữ ấm cơ thể cho bé và hạn chế đưa bé đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang cho bé khi đi ra đường. Tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé.

Sốt xuất huyết: Bệnh do muỗi truyền, có thể xuất hiện quanh năm, nhưng phát triển mạnh vào mùa cuối hè, đầu thu, hoặc khi không khí ẩm thấp. Bệnh hay gặp ở bé, đặc biệt là dưới 10 tuổi. Dấu hiệu: Bé sốt cao đột ngột và liên tục (39-40°C) trong vòng 2-4 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da mọc thành từng đám rải rác, có thể xuất huyết ở niêm mạc miệng, đi tiêu ra máu…

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho bé, các mẹ nên cho bé mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày; không để bé ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt; thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ bé; đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước...

Tiêu chảy: Tiêu chảy cấp do rotavirus là bệnh thường gặp ở bé vào mùa thu đông, đặc biệt là bé từ 3 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi. Virus gây tiêu chảy có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường phân – miệng. Dấu hiệu: Thông thường bé sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Bé có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.

Cách phòng bệnh: Để phòng bệnh, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đi tiêm văc-xin. Mẹ cần đảm bảo vệ sinh cho bé trong ăn uống. Thường xuyên khuyến khích bé rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Ảnh: Internet.

Video "Tiêm vắc xin để chủ động phòng bệnh". Nguồn: VTC.

Thảo Nguyên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/5-benh-tre-thuong-mac-vao-mua-thu-1121151.html