5 bí quyết chinh phục rừng Tà Năng - Phan Dũng hiểm nguy nhưng hấp dẫn

Với kinh nghiệm 'chinh chiến' rừng Tà Năng (thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách TP HCM hơn 300 km) cả vào mùa mưa và mùa khô, một phượt thủ 'bật mí' 5 điều giúp bạn có 1 chuyến đi ý nghĩa!

1. Không nên đi vào những tháng mùa mưa lũ

Tôi “trót dại” nghe lời bạn đi vào mùa mưa với lý do mùa này ít người đi, tha hồ mà check in, ngắm cảnh. Ai ngờ… người tính không bằng trời tính. Đang đi trên đường thì cơn mưa rào ập xuống, nhiệt độ cũng giảm nhanh hơn nên dù vào mùa hè nhưng cả đoàn đều cảm thấy lạnh. Mọi người vội vàng tìm chỗ trú, ai cũng ướt như chuột lột.

Nhóm tôi chọn trekking theo Cung Thác Yavly nên thường phải băng qua suối trong suốt hành trình. Lũ từ trên cao đang đổ về nên nước suối chảy xiết, những phiến đá cũng trơn nhẵn, dễ bị vấp té, trượt chân. Nếu thấy nước suối trong vắt, bạn có thể cân nhắc để đi qua. Tuy nhiên, nếu thấy nước bắt đầu có vẩn đục, dù là rất nhỏ thôi, bạn cũng không nên mạo hiểm, bởi đây là dấu hiệu của lũ từ thượng nguồn. Mặc dù từng có kinh nghiệm trekking nhưng chúng ta không thể đảm bảo 100% độ an toàn khi đi vào thời tiết khắc nghiệt.

Tà Năng – Phan Dũng mùa mưa lũ nước chảy xiết, đục ngầu.

2. Không đi mà không có guide

Đợt khác, tôi có gặp đoàn 5 bạn cũng tham gia trekking không thuê guide vì sợ tốn kém. Về sau, đoàn có người bị lạc, lại không tìm được lối ra nên xin đi chung để nhờ guide đoàn mình tìm giúp bạn đi lạc. Bạn nên thuê ít nhất 3 porter với đoàn từ 8 - 10 người. Một porter đi đầu để dẫn đường, một porter đi cuối để kiểm đoàn và porter ở giữa để điều phối. Bạn có thể giảm số guide nếu đoàn ít thành viên.

3. Chỉ mang những vật dụng cần thiết

Khi đi Tà Năng – Phan Dũng, bạn chỉ cần mang theo những vật dụng cần thiết như: Nước uống, đồ ăn khô, quần áo, tư trang cá nhân, offline maps hoặc GPS, pin sạc dự phòng, đèn pin, bật lửa, dao, lều, túi ngủ, thuốc, giấy tờ tùy thân.

4. Tà Năng - Phan Dũng không dành cho người mới

Nếu đi Tà Năng lần đầu, bạn nên chọn cung đồi Lính để tham gia trekking. Đoạn đường này dù có nhiều lối mòn, phải leo cao nhưng chiều dài ngắn, không quá khó đi nếu có porter. Trekking theo cung thác Yavly dành cho những phượt thủ đã có kinh nghiệm với độ khó cao hơn. Tuyến đường này rất nguy hiểm nếu đi vào mùa mưa lũ.

Sức bền và sự dẻo dai là 2 yếu tố không thể thiếu khi tham gia trekking Tà Năng - Phan Dũng

Nếu đi vào mùa khô, sức nóng bốc lên có cảm giác như đang bước trong sa mạc. Những đám cỏ lau nhìn thì rất thơ mộng nhưng khi có luồng gió thổi lên là bụi cát bay mù mịt, thậm chí còn bị sặc do cát bay vào miệng. Vì thế, những lúc này bạn cần phải dùng khăn vải che mặt khi di chuyển.

5. Những chuyện khó hiểu tại Tà Năng

Trong quá trình trekking, mình lại được porter kể cho nghe những mẩu chuyện kì bí, đến giờ nhắc lại vẫn rùng mình. Chuyện về mỗi năm có 1 phượt thủ mất tích. Cụ thể, ngày 30/4/2016 (tức 28 âm lịch) có một nam phượt thủ mất tại dốc Long Bích thì tháng 10/2017 lại có một nữ phượt thủ mất tại thác Giao Ly. Gần đây nhất vào 20/5/2018, có thêm một nam phượt thủ mất tại thác Lao Phào, thuộc núi Công Chúa. Lúc này mình và lũ bạn của tôi muốn không tin cũng không được. “Cẩn tắc vô ưu”, vì thế bạn nên tránh đi Tà Năng vào những thời điểm này để hạn chế tai nạn xảy ra.

Người dân ở đây cho rằng, thần Rừng rất linh thiêng. Nếu xúc phạm, bạn sẽ bị trừng phạt, quở trách. Lần đó, đoàn mình có một chị vốn làm khoa học nên chẳng tin chuyện này. Đến tầm chiều muộn, mọi người phát hiện ra lạc mất chị ấy nên nháo nhác đi tìm. Cả đoàn theo lời porter đã kiểm tra một lượt các khu vực dễ đi lạc nhưng vẫn vô vọng. Tối hôm ấy, đoàn dừng chân tại nhà của người dân tộc thiểu số. Chúng tôi được họ bày cách là mời rượu để tạ lỗi với thần Rừng. Cả đoàn bán tín bán nghi nhưng cũng nghe theo già làng.Anh porter đi tìm chị lúc chiều cũng tìm được người.

Lúc về, chị kể lại rằng khi đi trong rừng chị thấy mắt như mờ đi, lúc định thần lại đã không thấy mọi người trong đoàn đâu nữa. Chị đi theo quán tính nhưng càng đi càng thấy cỏ cây ngập lối nên sợ quá ngồi lại một chỗ đợi mọi người tìm. Nghe thế, những người bản địa bảo chị bị thần Rừng “quở trách”, “trừng phạt” vì đã nói năng phạm húy.

Lần thứ 2, tôi đi Tà Năng thì trong đoàn có 1 bạn bị rơi điện thoại. Do không có sóng nên chúng mình chẳng thể gọi tìm được. Sau một hồi loay hoay mãi không tìm được, anh porter đã nói: “Anh linh cảm là phải khấn thần Rừng rồi”. Sau khi mời rượu khấn xin xong, bạn kia cũng tìm được điện thoại sau tảng đá gần đó. Chuyện chỉ phượt thủ kinh nghiệm mới biết. Có một anh trong đoàn kể rằng khi đi đường luôn có một giọng nói thủ thỉ bên tai thôi thúc anh tách đoàn ra. Anh đi theo tiếng nói vì thấy phía trước là hình ảnh người bạn đồng hành của mình. Lúc sực tỉnh thì thấy mình suýt nữa rơi xuống vực, bởi phía trước là dốc đứng, chỉ cách nhau có lùm cây.

Riêng tôi, có một kỷ niệm ở Tà Năng – Phan Dũng không bao giờ quên. Tối hôm ấy, trời trở gió, đoàn mình dựng lều nghỉ qua đêm tại bìa rừng. Vì buổi tối mùa hè thường có gió cát nên rất bụi, mọi người vào lều nghỉ sớm hơn. Tôi đang nằm ngủ thì có cảm giác mát mát như ai đó đang sờ mặt rồi có tiếng thủ thỉ bên tai như tâm tình. Giật mình tỉnh lại, chợt nhớ lều đơn thì bên trong làm gì có ai ngoài mình, cửa lều cũng được kéo khóa kín. Lúc đó, tôi thấy lạnh cả sống lưng, mất ngủ nguyên đêm.

Tà Năng - Phan Dũng đang được nhiều bạn trẻ muốn khám phá, đặc biệt trong thời điểm mùa cỏ xanh sắp tới. Với kinh nghiệm đi phượt Tà Năng, hy vọng tôi đem đến cho bạn những góc nhìn mới mẻ, tích cực về điểm trekking đẹp nhất Việt Nam này!

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/5-bi-quyet-chinh-phuc-rung-ta-nang-phan-dung-hiem-nguy-nhung-hap-dan-502873.html