'5 cái thiếu' trong thu hút trí thức kiều bào

GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ, kiều bào Nga, hiện là Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, thẳng thắn chỉ ra 5 khó khăn, thiếu sót cơ bản cần phải sớm khắc phục trong việc thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ.

Phát biểu tại Hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW và phát triển đất nước trong tình hình mới" chiều 26-11, tại Hà Nội, GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ, kiều bào Nga, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, thẳng thắn chỉ ra 5 khó khăn, thiếu sót cơ bản cần phải sớm khắc phục trong việc thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ thời gian qua.

GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ, kiều bào Nga, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Dương Ngọc

Hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 500.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên trên khắp các vùng lãnh thổ và châu lục, trong đó có những nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn… Sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng.

Mặc dù vậy, theo GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ, thực tế thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ thời gian qua cho thấy một số khó khăn, thiếu sót cơ bản cần phải sớm khắc phục.

Thứ nhất, thiếu cơ chế chính sách cụ thể để trí thức kiều bào có thể tham gia triển khai các dự án khoa học công nghệ. Việt Nam có chiến lược đúng đắn ở tầm vĩ mô về thu hút, sử dụng trí thức kiều bào nhưng thiếu các nghị định, quy chế cụ thể cho thu hút hiệu quả trí thức kiều bào về làm việc trong từng ngành, từng dự án khoa học công nghệ, từng đơn vị, phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu, triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ hai, thiếu bộ máy tổ chức triển khai hiệu quả tại chỗ để thu hút sự tham gia của trí thức kiều bào trong các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các địa phương, trong các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm. "Về hình thức, chúng ta có bộ máy nhưng lại hoạt động kém hiệu quả do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có hạn chế về năng lực tổ chức triển khai các dự án khoa học công nghệ của các cấp cán bộ quản lý, thiếu đồng bộ và không phù hợp cho môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức kiều bào"- ông nhấn mạnh

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu tham quan gian hàng công nghệ được trưng bày tại Hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam" diễn ra ngày 30-10 tại TP HCM - Ảnh: Baoquocte

Bên cạnh đó, còn thiếu kinh phí đầu tư, điều kiện sinh hoạt và làm việc, trang thiết bị và mô hình tổ chức quản lý hiệu quả cho triển khai các hoạt động khoa học công nghệ của trí thức kiều bào, dẫn tới những khó khăn không đáng có mà cá nhân trí thức kiều bào rất khó vượt qua trong các điều kiện khác biệt tại Việt Nam.

Thứ tư, thiếu sự trân trọng, tôn vinh và cầu thị đầy đủ trên thực tế đối với các trí thức kiều bào trong triển khai các dự án khoa học công nghệ trong nước dẫn tới không thu hút được lực lượng trí thức, chuyên gia cao cấp kiều bào về làm việc trong nước.

Thứ năm, ông cũng nhấn mạnh còn thiếu việc xác định nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể để kiều bào có thể tham gia phát huy hiệu quả. Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính hình thức, hàn lâm, ít thực tiễn, tính ứng dụng thấp, khó thu hút sự tham gia đóng góp của kiều bào.

Trên cơ sở đó, GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ kiến nghị một số giải pháp trước mắt nhằm tháo gỡ một phần những khó khăn trên.

Đó là cần xây dựng hệ thống văn bản, nghị định, quy chế, hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hiệu quả và sự tham gia rộng rãi của lực lượng trí thức kiều bào, phối hợp với đội ngũ tri thức trong nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương;

Cho phép và hỗ trợ xây dựng các tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân mạnh với mô hình tổ chức mới hiệu quả, chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tạo điều kiện làm việc và phát huy khả năng sáng tạo của lực lượng tri thức kiều bào cho đất nước, làm đầu tàu cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Xác định rõ các nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng như năng lực, vị trí tham gia của các trí thức kiều bào trong từng chuyên ngành, dự án khoa học công nghệ cụ thể.

Cho phép các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp là trí thức kiều bào làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm dưới sự chủ trì của nhà nước và các bộ ban ngành. Giao nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp cho các trí thức kiều bào có tâm huyết và năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam. Thậm chí, trao toàn quyền tổ chức, triển khai các dự án khoa học công nghệ cho các cá nhân trí thức kiều bào cụ thể với sự trân trọng và cầu thị từ các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương;

Đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm, tiến tới xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, trường đại học công nghệ và khu công nghiệp công nghệ cao với sự tham gia trực tiếp điều hành và triển khai các dự án khoa học công nghệ của trí thức kiều bào tại Việt Nam.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/5-cai-thieu-trong-thu-hut-tri-thuc-kieu-bao-20201127065348475.htm