5 chính sách có hiệu lực từ giữa tháng 3.2019

Môi giới hôn nhân với người nước ngoài nếu vi phạm một số hành vi như đe dọa, lừa gạt, ... sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những chính sách sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 3.2019.

1. Đe dọa để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài có thể bị truy cứu hình sự

Đó là nội dụng của Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo Điều 150 Bộ luật Hình sự khi có một trong các hành vi dưới đây:

Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài (NNN) và chuyển giao người đó cho NNN để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác;

Ảnh minh họa. I.T

Ảnh minh họa. I.T

Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với NNN và chuyển giao người đó cho NNN bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

Lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với NNN để tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho NNN bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực từ ngày 15.3.2019.

2. Hướng dẫn tính lãi, lãi suất, phạt vi phạm

Từ ngày 15.3.2019, Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành chính thức có hiệu lực. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng vay tài sản; lãi suất trung bình trên thị trường; quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án. Cụ thể:

Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng;

Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 1995; Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015;

Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả;

Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng;...

3. Xin cấp phép KD karaoke, vũ trường phải nộp bản sao có chứng thực

Đó là một trong những nội dung của Nghị định 11/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ảnh minh họa. I.T

Cụ thể, yêu cầu nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (nếu nộp hồ sơ qua bưu điện) đối với:

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vũ trường;

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaoke;

Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi làm hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.

Nghị định 11/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15.3.2019.

4. Ghi rõ án tích trong hồ sơ cấp phép TCTD phi ngân hàng

Đây là điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 01/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 20.3.2019.

Theo đó, khi làm Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng thì trong nội dung Phiếu lý lịch Tư pháp phải nêu rõ:

Thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa);

Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đối với người không có quốc tịch Việt Nam thì Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 tháng.

5. Hướng dẫn tổ chức các kỳ họp HĐND

Từ ngày 15.3.2019, Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 đưa ra quy định hướng dẫn tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) của UBTVQH chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc tổ chức các kỳ họp HĐND được hướng dẫn như sau:

Trong năm, HĐND tổ chức ít nhất 2 kỳ họp thường lệ hoặc nhiều hơn tùy vào tình hình, yêu cầu thực tế của địa phương để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của HĐND;

Ảnh minh họa. I.T

HĐND quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp. Trong kế hoạch cần nêu rõ số lượng các kỳ họp thường lệ, dự kiến thời gian tổ chức, nội dung của từng kỳ họp và các vấn đề khác có liên quan.

Trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ, khi có ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND yêu cầu thì Thường trực HĐND triệu tập kỳ họp HĐND bất thường.

Tại kỳ họp bất thường, HĐND có thể xem xét, quyết định 1 hoặc nhiều nội dung theo thẩm quyền. Việc xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo trình tự, thủ tục như kỳ họp thường lệ.

Bảo Linh (tổng hợp)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/5-chinh-sach-co-hieu-luc-tu-giua-thang-32019-964474.html