5 cổng chào không phép ở Kon Tum: Sai luật

Cổng chào là một công trình dân dụng, phải có giấy phép xây dựng; theo chuyên gia, chế tài đối với hành vi xây cổng chào trái phép còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Dù chưa được chấp thuận và cấp phép thi công công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ nhưng năm cổng chào trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã được xây dựng và sắp hoàn thành.

Xây dựng cổng chào không phép

Các cấu kiện gắn trên cổng tiềm ẩn nguy cơ rơi, gãy và làm người đi đường giảm sự quan sát, dễ gia tăng nguy cơ tai nạn. Do đó, cơ quan chức năng nhiều lần xử phạt và yêu cầu tháo dỡ. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện.

Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị chỉ đạo xử lý vi phạm.

Một trong năm cổng chào bị đề nghị tháo dỡ. Ảnh: ĐX

Một trong năm cổng chào bị đề nghị tháo dỡ. Ảnh: ĐX

Ngày 18-1, Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (thuộc Cục Quản lý đường bộ III) cũng có văn bản đề nghị UBND TP Kon Tum chỉ đạo Ban quản lý dự án TP Kon Tum tháo dỡ các cổng chào ở năm vị trí Km1550+140, Km1551+300, Km1552+505, Km1542+395, Km1562+730 (đường Hồ Chí Minh) trước ngày 25-1-2022.

Sau thời điểm trên, nếu đơn vị vẫn không tháo dỡ, Chi cục Quản lý đường bộ III.4 sẽ hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan trình Cục Quản lý đường bộ III để lập phương án cưỡng chế các cổng chào theo quy định.

Cổng chào có phải công trình xây dựng bắt buộc phải có giấy phép xây dựng? Việc xây dựng cổng chào khi chưa được chấp thuận và cấp phép thi công công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ vi phạm pháp luật như thế nào?

Về vấn đề này, ThS Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, cho biết: Trước hết, cần xác định cổng chào là một công trình xây dựng, phân loại theo công năng sử dụng tại Phụ lục 1 Nghị định 06/2021, công trình này thuộc công trình dân dụng.

Theo khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì tất cả công trình xây dựng đều phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp được miễn giấy phép.

“Đối chiếu với các căn cứ trên thì cổng chào là công trình xây dựng phải có giấy phép, nếu không có là sai luật” - ThS Ngọc Sơn nói.

Chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe

Hiện có nhiều quy phạm điều chỉnh đối với hành vi xây dựng cổng chào trái phép. Theo điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 100/2019, xử phạt vi phạm hành chính hành vi “dựng cổng chào trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ” chỉ 1-2 triệu đồng (đối với tổ chức).

ThS Ngọc Sơn đánh giá chế tài này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; cơ quan có thẩm quyền xử phạt cần áp dụng thêm điểm d khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017 để xử phạt vi phạm hành chính với mức 50-60 triệu đồng (đối với tổ chức) do có hành vi “xây dựng công trình không có giấy phép lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông”.

Cũng theo ThS Ngọc Sơn, đây chưa phải là hành vi cấu thành các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ vì chưa có hậu quả. Tuy nhiên, có thể xem xét về hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 224 BLHS 2015.

để xác định có hành vi phạm tội hay không cần xem xét một số yếu tố cơ bản như: Quyết định đầu tư xây dựng cổng chào có đúng quy định về đầu tư công hay không? Thiệt hại do hành vi ra quyết định đầu tư xây dựng không đúng Luật Xây dựng cụ thể là như thế nào? Người ra quyết định đầu tư xây dựng trái pháp luật có bị xử lý kỷ luật chưa?…

Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng chưa thể xác định chính xác đã có thiệt hại hay chưa, nếu có thì thiệt hại là bao nhiêu, thiệt hại này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.

“Căn cứ khoản 2 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) thì Ban quản lý dự án TP Kon Tum phải chịu mọi chi phí tổ chức thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ năm cổng chào” - luật sư Hồng nói.

Hợp tình nhưng không hợp lý

Dưới góc độ pháp luật, cổng chào được xem là loại công trình văn hóa thuộc công trình dân dụng. Khi xây dựng những cổng chào này, tôi tin rằng UBND TP Kon Tum mong muốn hình ảnh của TP được thể hiện rõ nét hơn với du khách.

Cổng chào này có thể chứa đựng những thông tin, thông điệp mang tính hướng dẫn, tuyên truyền, cổ vũ hoặc có thể là biểu trưng các giá trị văn hóa, nghệ thuật của TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum…

Tuy nhiên, khi thực hiện bất cứ quyết định, hành vi nào liên quan đến hoạt động xây dựng đều phải tuân thủ quy định của pháp luật để bảo đảm sự an toàn cho người tham gia giao thông. Không thể lấy lý do vì một lợi ích nào đó mà làm trái các quy định pháp luật.

ThS CAO NGỌC SƠN, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang

MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/5-cong-chao-khong-phep-o-kon-tum-sai-luat-1040618.html