5 điểm rút ra từ Nội các mới của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga

Ngày 16/9, ít giờ sau khi được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng, ông Yoshihide Suga đã công bố thành phần nội các mới, với sự xuất hiện của phần lớn các gương mặt thân quen trong đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền.

Hơn một nửa thành viên nội các có tuổi đời trên 60 và chỉ có hai gương mặt nữ và không có một gương mặt nào từ khu vực tư nhân có chân trong nội các. Dưới đây là năm điểm có thể rút ra về nội các mới của Thủ tướng Suga.

Chiều 16/9/2020, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã công bố thành phần Nội các mới, trong đó ông giữ lại 8 vị trí trong Nội các của người tiền nhiệm Shinzo Abe.

1. Tiếp tục duy trì Abenomics: Việc để Taro Aso tiếp tục nắm giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính cho thấy ông Suga sẽ bám sát chương trình cải cách kinh tế do ông Abe phát động (gọi là Abenomics), với đặc điểm nổi bật là chính sách tiền tệ lỏng, tài khóa linh hoạt. Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Kinh tế, người phụ trách chính sách đối phó đại dịch COVID-19 cũng tại vị, cùng với đó là bước giữ nguyên nhân sự tại Bộ thương mại với vị trí Bộ trưởng của ông Hiroshi Kajiyama.

2. Chính sách kinh tế “trọng nữ giới” (Womanomics) bế tắc: Việc chính phủ mới chỉ có hai gương mặt nữ, tương đương 10% trong nội các cho thấy ông Suga chưa thể đạt mục tiêu người tiền nhiệm Abe đề ra về “womennomics” với nữ giới chiếm 30% vị trí lãnh đạo vào cuối năm 2020. Khoảng cách về giới là điểm ông Suga ít đề cập tới trong chiến dịch công bố tranh cử vừa qua. Đây cũng là điểm yếu cốt tử của LDP, khi luôn phải vật lộn với việc tuyển mộ, phát triển nguồn nghị sĩ nữ giới, nhưng đến nay mới chỉ đạt 7% số đại biểu là nữ.

3. Cẩn trọng trong điều hành hành chính: Ông Suga nhiều lần khẳng định mong muốn phá bỏ các rào cản ngăn cách giữ các Bộ và các cơ quan trực thuộc chính phủ. Ông đã bổ nhiệm Taro Kono - một nhân vật được coi là mạnh mẽ, quyết đoán làm Bộ trưởng cải cách hành chính, với hy vọng tạo ra sự thay đổi trong nền hành chính. Khi còn đương chức Bộ trưởng Quốc phòng hồi giữa năm 2020, chính ông Kono đã hủy kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa vì lo ngại tốn kém tài chính - một việc làm được công chúng, dư luận đánh giá cao.

4. “Trao quyền” chính sách đối ngoại: Khác với ông Abe - người từng công du tới 80 nước trong thời gian nắm quyền Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga là người ít kinh nghiệm về ngoại giao. Sau tám năm thực thi đường lối ngoại giao kiểu nguyên thủ-nguyên thủ thời ông Abe, giờ đây Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi sẽ có trọng trách lớn hơn. Vai trò đó đã được thể hiện qua đàm phán hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay gần đây là Hiệp định thương mại Nhật Bản-Anh.

5. Kết nối với Đài Loan/Trung Quốc: Ông Suga đã bổ nhiệm ông Nobuo Kishi em trai ông Abe, làm Bộ trưởng Quốc phòng. Lựa chọn nhân sự này có thể khiến Trung Quốc phật ý, bởi ông Kishi được tiếng là người có quan hệ thân thiết với phía Đài Loan/Trung Quốc. Hồi tháng 8 vừa qua, ông Kishi đã có chuyến thăm tới Đài Bắc, có cuộc gặp với nhà lãnh đạo chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn, với tư cách thành viên một phái đoàn nghị sĩ Nhật Bản tới viếng cố lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/5-diem-rut-ra-tu-noi-cac-moi-cua-tan-thu-tuong-nhat-ban-yoshihide-suga-20200916204529704.htm