5 kịch bản cho tương lai Ukraina

Ukraina đang ngày càng bấp bênh giữa bạo lực và hòa bình sau quyết định gây chia rẽ sâu sắc nội bộ của chính quyền lâm thời ở Kiev.

Không lâu sau thỏa thuận hòa bình với lãnh đạo phe đối lập, Tổng thống Ukraina Viktor Yanokovych vội vã rời Kiev đến Nga. Quốc hội Ukraina cũng nhanh chóng phế truất ông Yanokovych và thành lập một chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, đạo luật công nhận các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở vùng tự trị Crimea mở ra những bất ổn ngoài khả năng kiểm soát của Ukraina. Nó đẩy Kiev tới mép vực bạo lực, thậm chí là chiến tranh.

Crimea ly khai và sự ủng hộ từ Nga

Đây là trường hợp dễ xảy ra nhất do phần lớn dân số Crimea là người dân tộc Nga. Ngay sau đạo luật gây tranh cãi của chính phủ lâm thời, người dân nước Cộng hòa tự trị này đã đổ xuống đường, phản đối tính hợp pháp của chính phủ mới, bỏ phiếu hạ bệ chính phủ đương nhiệm và đưa một chính trị gia thân Nga lên làm lãnh đạo.

Người dân và lực lượng tự vệ vũ trang Crimea. Ảnh: Getty.

Ngoài ra, Hội đồng tối cao Crimea nhất trí tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, quyết định tương lai của bán đảo này vào ngày 30/3. Theo đó, người dân sẽ quyết định Crimea trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền hay vẫn là một nước Cộng hòa tự trị nằm trong lãnh thổ Ukraina. Trưng cầu dân ý ở Crimea diễn ra gần 2 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina, dự kiến diễn ra vào ngày 25/5.

Ông Andy Kuchins, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, nhận định: “Tình cảnh ở Ukraina hiện nay bất ổn tới mức Crimea có thể tách ra thành một quốc gia độc lập. Nga sẽ hỗ trợ và đảm bảo cho một nước Crimea độc lập”.

Trong khi đó, Eugene Rumer, giám đốc chương trình Nga và Á – Âu của Quỹ vì hòa bình thế giới Carnegie, nhận định nếu phong trào ly khai hoặc bạo lực nổ ra ở Crimea, nó sẽ tạo ra hiệu ứng domino đối với các khu vực phía đông và phía nam trước khi lan ra cả đất nước Ukraina.

Ukraina động binh ở Crimea

Nếu Ukraina quyết định dùng quân đội để giải quyết tình hình bất ổn ở Crimea và khẳng định đây là một phần lãnh thổ của nước này, nó có thể phản tác dụng. Hành động triển khai quân đội đàn áp các hoạt động ở Crimea sẽ khiến Nga can thiệp quân sự vào quốc gia láng giềng phía tây này. So sánh tương quan lực lượng của 2 bên, dễ dàng nhận thấy Kiev thua thiệt đủ đường.

Ukraina sẽ thất bại nếu chiến tranh tổng lực với Nga

Với quân số thường trực gấp hơn 6 lần và khí tài hiện đại hơn hẳn, quân đội Nga sẽ đánh bại Ukraina nếu chiến tranh tổng lực xảy ra, CNN nhận định.

Binh sĩ nổ súng bắn chỉ thiên khi một tốp khoảng 300 lính Ukraina không vũ trang tiến về phía doanh trại quân đội ở Belbek, Crimea. Ảnh: Getty.

Các chuyên gia Andrew S. Weiss và Dmitri Trenin của Quỹ vì hòa bình thế giới Carnegie cho rằng: “Ông Putin có sử dụng quân đội (và xung đột có thể vô tình nổ ra ở khu vực) hay không tùy thuộc vào cách ứng xử của các nhà cầm quyền mới ở Kiev. Người ta dễ dàng hình dung cách phản ứng của Moscow nếu Ukraina can thiệp quân sự vào Crimea, nơi hơn 60% là người Nga sinh sống”.

Nga điều quân tới Crimea

Không lâu sau khi chính quyền của Tổng thống Yanokovych sụp đổ, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho Quân khu Tây tập trận quy mô lớn gần biên giới Ukraina. Dù Moscow đã yêu cầu quân đội trở về doanh trại sau khi kết thúc tập trận nhưng nó vẫn làm phương Tây quan ngại về khả năng Nga can thiệp quân sự vào quốc gia láng giềng.

Chính quyền lâm thời Ukraina và phương Tây liên tục cáo buộc quân đội Nga đứng sau bất ổn ở quốc gia láng giềng. Thậm chí, Mỹ và các lãnh đạo G8 đe dọa không tham gia hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Sochi, Nga trong tháng 6 tới để phản đối hành động mà Moscow luôn phủ nhận.

Nga phủ nhận cáo buộc điều quân tới Crimea và khẳng định lực lượng tự vệ địa phương đang phong tỏa bán đảo tự trị này. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Tổng thống Putin sẽ không vội vàng sử dụng quân đội dù quốc hội Nga cho phép ông toàn quyền điều động lực lượng vũ trang. Trong cuộc họp báo đầu tiên về những biến động ở Ukraina hôm 4/3, ông chủ Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc quân đội Nga đang hoạt động ở Crimea đồng thời tuyên bố, động binh đối với Kiev là lựa chọn cuối cùng của Moscow.

Quân đội Mỹ tới giúp Ukraina

Ở thời điểm hiện tại, căng thẳng giữa Mỹ và Nga vì vấn đề Ukraina đang không ngừng gia tăng. Mỹ liên tục gây sức ép với Nga trên chính trường quốc tế về vấn đề độc lập, chủ quyền của Ukraina. Mỹ cũng là quốc gia khởi xướng tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G8 sắp diễn ra tại Liên bang Nga. Phía Mỹ cũng tuyên bố đình chỉ mọi cuộc đàm phán thương mại và đầu tư song phương đối với chính phủ Nga.

Theo chuyên gia phân tích Eugene Rumer, Mỹ có nghĩa vụ liên minh các nước đồng minh nằm sát biên giới Ukraina ngay lập tức (bao gồm Romania, Hungary, Ba Lan và Slovenia). Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là Lầu Năm Góc sẽ can thiệp trực tiếp vào Ukraina. Quân đội Mỹ có thể hỗ trợ người tị nạn hoặc viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Kiev trong trường hợp cần thiết.

Nga hạ nhiệt những bất ổn của Ukraina

Trong bối cảnh phương Tây và chính phủ lâm thời Ukraina liên tục chỉ trích Nga thì giới phân tích lại đưa ra nhận định hoàn toàn trái ngược. Tuyên bố “không hứng thú kích động chủ nghĩa ly khai ở Crimea” của ông Putin ngày hôm nay mở ra một kịch bản khá tươi sáng cho tương lai Ukraina.

Nga rút toàn bộ binh sĩ về doanh trại sau khi hoàn tất cuộc tập trận bất thường gần biên giới Ukraina. Ảnh: RIA Novosti.

Ông Rumer nhận định: “Những gì tôi hy vọng xảy ra ở Ukraina là với sự giúp đỡ của một bên trung gian, tình hình ở Crimea sẽ hạ nhiệt. Kiev và chính quyền nước Cộng hòa tự trị Crimea cần giữ bình tĩnh trong một khoảng thời gian để tìm cách giải quyết vấn đề đồng thời đảm bảo không bên nào đơn phương đưa ra quyết định”.

Hồng Duy

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/5-kich-ban-cho-tuong-lai-ukraina-post396605.html