5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất châu Á - Thái Bình Dương

Bảng xếp hạng dưới đây được xây dựng dựa trên hai tiêu chí đó là vị trí địa lý của quốc gia và sự hiện diện quân sự thực tế trong khu vực.

Ấn Độ hiện là cường quốc hải quân số 1 tại khu vực Nam Á với tổng số 58.350 quân thường trực, 181 tàu chiến và 250 máy bay.

Trang bị của hải quân Ấn Độ cũng cực kỳ đa dạng như các quân binh chủng khác, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là các loại vũ khí do Nga sản xuất như tàu ngầm hạt nhân Chakra (Akula II), tàu sân bay Vikramaditya cùng máy bay MiG-29K, khinh hạm lớp Talwar hay các tàu ngầm Kilo 877EKM.

Ấn Độ còn hợp tác, triển khai nhiều dự án đóng tàu nội địa để cho ra đời tàu ngầm hạt nhân Arihant, khu trục hạm lớp Shivalik, Kolkata hay khinh hạm lớp Kamotar bên cạnh việc nhập khẩu máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon hay nhận chuyển giao công nghệ tàu ngầm Scorpene của Pháp.

Tuy có lực lượng rất lớn nhưng nhìn chung hải quân Ấn Độ chưa vượt được khỏi tầm khu vực, đặc biệt tình trạng lão hóa của nhiều tàu chiến cũ trong khi tốc độ đóng mới diễn ra rất chậm chạp đang làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh hải quân quốc gia Nam Á này.

Hải quân Hàn Quốc có trong biên chế 68.000 quân nhân, 160 tàu chiến và 70 máy bay, nhiệm vụ chính là bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trước mối nguy cơ lớn nhất từ Triều Tiên cũng như trước 2 người láng giềng hùng mạnh là Trung Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù quy mô không thực sự lớn nhưng Hải quân Hàn Quốc là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, tinh thần chiến rất đấu cao, được trang bị rất tốt với gần như 100% vũ khí, khí tài là sản phẩm nội địa, gồm cả tự nghiên cứu sản xuất trong nước hoặc hợp tác với nước ngoài.

Có thể kể ra đây một vài ví dụ tiêu biểu như tàu đổ bộ mang trực thăng cỡ lớn lớp Dokdo, khu trục hạm Aegis lớn nhất thế giới lớp Sejong Đại Đế, tàu ngầm lớp Chang Bogo (Type-209/1500)…

Có thể xuất hiện một số băn khoăn về việc tại sao Hải quân Nga lại có mặt trong bản danh sách này. Tuy nhiên nếu nhìn vào bản đồ thì có thể thấy phần lớn diện tích nước Nga là nằm trong khu vực châu Á.

Hạm đội Thái Bình Dương là lực lượng chính của Hải quân Nga được triển khai tại khu vực châu Á.

Trong biên chế hạm đội này có 49 chiến hạm cỡ lớn và 22 tàu ngầm, đáng kể nhất là tuần dương hạm Varyag lớp Slava, tàu ngầm hạt nhân các lớp Borei, Delta III, Oscar II và Akula cùng các khu trục hạm lớp Sovremenny, Udaloy I và tàu ngầm thông thường lớp Kilo.

Sức mạnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trung chủ yếu ở lực lượng răn đe hạt nhân, các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm thông thường có tuổi thọ rất cao, phần lớn đều đã trên 30 năm sử dụng, được đánh giá không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tác chiến hải quân hiện đại.

Trong một thời gian dài mặc dù chỉ mang danh là Lực lượng tự vệ biển nhưng quy mô cũng như sức mạnh của Hải quân Nhật Bản luôn đứng đầu khu vực cũng như thế giới với 50.800 quân nhân, 124 chiến hạm và 339 máy bay.

Các chiến hạm của Hải quân Nhật Bản được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như năng lực tác chiến, đặc biệt lực lượng săn ngầm của họ được chính Hải quân Mỹ nhận xét là số 1 thế giới.

Trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã có những động thái gia tăng sức mạnh hải quân với quy mô chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới II bằng việc trang bị hàng loạt tàu chiến mặt nước cỡ lớn cũng như mở rộng hạm đội tàu ngầm.

Tuy nhiên chất lượng không bù đắp nổi thiếu hụt về số lượng, tốc độ gia tăng sức mạnh của Hải quân Nhật Bản đã bị người láng giềng hùng mạnh bên kia eo biển bỏ lại rất xa, khiến vị trí của họ bị đánh tụt trong bảng xếp hạng các cường quốc hải quân khu vực.

Hải quân là lực lượng nhận được nhiều ưu tiên trong chương trình hiện đại hóa quân đội nhằm hiện thực hóa yêu sách bành trướng lãnh thổ và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc được tổ chức thành 3 hạm đội, có trong biên chế 255.000 quân nhân, 1 tàu sân nay, 24 khu trục hạm, 61 khinh hạm, 105 tàu tên lửa tấn công nhanh...

Bên cạnh đó là 6 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 51 tàu ngầm tấn công thông thường, 3 tàu dock đổ bộ cỡ lớn, 7 tàu tiếp vận biển xa cùng hàng loạt tàu pháo, tàu quét mìn và tàu tuần tra các loại.

Các chiến hạm của Trung Quốc có lượng giãn nước ngày càng lớn và công nghệ được áp dụng trên đó cũng ngày càng hiện đại.

Mặc dù mức độ hiện đại so với Hải quân Mỹ hay Hải quân Nhật Bản còn có khoảng cách nhưng theo nhận xét của nhiều chuyên gia thì cự ly không còn mênh mông như trước và có thể được bù đắp bởi chiến thuật “biển người”.

Trong tương lai gần, Hải quân Trung Quốc đang nuôi tham vọng vươn lên trở thành lực lượng số 1 thế giới. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng mặc dù quy mô cực lớn nhưng vũ khí Trung Quốc vẫn tồn tại thiếu sót, khuyết điểm mà đối phương hoàn toàn có thể tận dụng.

Đặc biệt hơn, một số chuyên gia còn cho rằng nếu không có lực lượng pháo binh số 2 hỗ trợ thì tàu chiến của Hải quân Trung Quốc chỉ đơn thuần là những chiếc bia nổi không hơn không kém.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/5-luc-luong-hai-quan-hung-manh-nhat-chau-a-thai-binh-duong/761769.antd