Cá nuôi chết hàng loạt, thiệt hại hơn 6 tỉ đồng

Nhiều loại cá nuôi có giá trị kinh tế cao ở đầm Nha Phu thuộc xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị chết hàng loạt với số lượng gần 130 tấn, thiệt hại hơn 6 tỉ đồng.

Ngày 9-8, Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết thống kê ban đầu đã có gần 130 tấn cá bớp, cá chim nuôi bằng lồng bè của 43 hộ tại khu vực đảo Hòn Thị trên đầm Nha Phu thuộc xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa bị chết hàng loạt, ước thiệt hại hơn 6 tỉ đồng.

Người dân vớt cá chết hàng loạt ở đầm Nha Phu. Ảnh: ĐQ

Người dân vớt cá chết hàng loạt ở đầm Nha Phu. Ảnh: ĐQ

Theo Hội Nông dân xã Ninh Ích, hiện tượng cá nuôi bằng lồng bè trên đầm Nha Phu chết hàng loạt xuất hiện gần hai tháng nay. Ban đầu cá bỏ ăn, sau đó vài ngày chết nổi đầy trên mặt nước. Hầu hết cá chết đều bị nổ mắt, lở loét. Lúc đầu cá chết hàng loạt tại một số lồng bè, sau đó lan sang các khu vực nuôi lân cận.

Nhiều hộ nuôi hàng chục lồng với vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng đều bị chết sạch, lâm vào cảnh điêu đứng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (ngụ xã Ninh Ích) có hơn 7.000 con cá đang nuôi bị chết trắng lồng, thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Số cá còn sống trong lồng cũng đang mắc bệnh, bỏ ăn. Gia đình bà Hà chạy khắp nơi, tìm nhiều cách chữa trị nhưng vẫn không có kết quả.

Tương tự, gia đình bà Lê Thị Hiếu (ngụ xã Ninh Ích) có đến hơn 9.000 con cá bị chết, mất trắng gần 600 triệu đồng vốn đầu tư.

Người nuôi cá ở đầm Nha Phu bị thiệt hại nặng do cá chết hàng loạt. Ảnh: ĐQ

Nhiều người nuôi cá ở đầm Nha Phu cho rằng nguyên nhân cá chết hàng loạt là do các ghe cào sò gây ra. Theo phản ánh của người dân, mỗi đêm có hàng chục tàu thuyền cào sò ở khu vực này, xới tung đáy đầm, làm bùn non nổi lên. Từ đó, nguồn nước trong đầm bị đục, cá ăn phải bùn non hoặc thiếu ôxy dẫn đến chết hàng loạt. Tuy nhiên, theo ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cá chết hàng loạt ở đầm Nha Phu là do bị nhiễm khuẩn.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho thấy cá nuôi ở khu vực này bị nhiễm khuẩn Vibrio alginolyticus - một loại vi khuẩn kỵ khí. Mặt khác, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cũng cho rằng nguồn nước ở khu vực các lồng bè nuôi có hiện tượng nhiễm độc do sứa bi, độ nhớt cao do vệ sinh lồng bè kém.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cao độ kéo dài còn tạo cơ hội cho vi khuẩn Vibrio tấn công, khiến các lồng bè bị thiếu ôxy. Để hạn chế tình trạng cá chết, hiện Chi cục Thủy sản Khánh Hòa phối hợp chính quyền địa phương cấm các tàu khai thác ở gần các lồng bè nuôi cá trong đầm Nha Phu.

ĐẠI QUANG- TẤN LỘC

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/xa-hoi/ca-nuoi-chet-hang-loat-thiet-hai-hon-6-ti-dong-645712.html