5 lý do khiến Mỹ và Trung Quốc khó tiến đến Chiến tranh Lạnh

Những yếu tố ngăn cản một sự bùng nổ Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều so với trong quan hệ Mỹ-Liên Xô trước đây.

Có nhiều yếu tố ngăn cản quan hệ Mỹ-Trung Quốc tiến đến một cuộc Chiến tranh Lạnh. (Nguồn: Alamy)

Nhiều nhà quan sát đang tỏ ra bi quan về sự xuống cấp trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc, đồng thời tin rằng, hai quốc gia này đang dần tiến tới một cuộc Chiến tranh Lạnh. Tồi tệ hơn, một số còn lập luận rằng, tình hình có thể còn nguy hiểm hơn cả cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, lập luận này không mấy thuyết phục.

Trước hết, những yếu tố ngăn cản một sự bùng nổ Chiến tranh Lạnh trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều so với trong quan hệ Mỹ-Liên Xô trước đây. Mặc dù các mối quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và Mỹ đang suy giảm, song nếu so với quan hệ Mỹ-Liên Xô vẫn khăng khít hơn nhiều. Thật khó để chia tách hai nền kinh tế và xã hội đã gắn kết chặt chẽ với nhau đến như vậy. Có thể lấy những ví dụ như sau:

Thứ nhất, Trung Quốc được cho là sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới - một sự cám dỗ thật khó để cưỡng lại đối với các nhà xuất khẩu, kể cả các nhà xuất khẩu Mỹ.

Trong lĩnh vực giáo dục, có hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ, mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho ngành công nghiệp giáo dục Mỹ. Nhiều trường đại học vẫn đang nỗ lực hết sức để thu hút các sinh viên quốc tế. Mới đây, Đại học Havard và Viện Công nghệ Massachusetts thậm chí còn kiện Chính phủ Mỹ vì có ý định áp đặt những hạn chế mới về việc cấp thị thực đối với các sinh viên quốc tế (ý đồ này đã bị chết yểu).

Thứ hai, ngay cả khi có một sự chia tách giữa hai nước thì những tổn hại cũng không hẳn quá lớn và có thể được giới hạn để không lan sang lĩnh vực an ninh quốc gia nếu được xử lý một cách hợp lý. Trên thực tế, vì các lý do an ninh quốc gia, một mức độ cô lập khiêm tốn sẽ khiến cả hai bên an toàn và thoải mái hơn.

Chẳng hạn, nếu trang thiết bị công nghệ thông tin của Trung Quốc không thể vươn ra các thị trường phương Tây, Mỹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Nếu Trung Quốc không có được các công nghệ tiên tiến từ Mỹ và những tiến bộ về công nghệ của họ chậm lại, thì Mỹ sẽ bớt lo lắng hơn.

Tương tự, Trung Quốc cảm thấy an tâm khi biết rằng, nếu chính quyền Trump không áp đặt một lệnh cấm nhập cảnh với các quan chức nước này thì họ cũng sẽ từ bỏ một số công cụ sẵn có với Mỹ để thúc đẩy “sự phát triển hòa bình” tại Trung Quốc.

Không thể phủ nhận là sự chia tách về kinh tế thì gây tổn hại cho Trung Quốc nhiều hơn là cho Mỹ. Tuy nhiên, khác với Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II - nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ do thiếu các nguồn tài nguyên thiên thiên, Trung Quốc không gặp phải các vấn đề tương tự như vậy.

Sở hữu một thị trường nội địa khổng lồ, việc để mất một khách hàng lớn như Mỹ không phải là một thảm họa với Trung Quốc và điều này có thể được bù đắp thông qua các hoạt động kinh tế năng động ở trong nước. Trung Quốc cũng có thể đối phó với việc bị loại ra khỏi các trao đổi công nghệ với nước ngoài bằng cách quay trở lại với những sáng kiến ở bản địa.

Còn đối với Mỹ, nước này có thể nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia đang phát triển khác, dù không rẻ bằng Trung Quốc. Thiệt hại tương đối là có thể chấp nhận được nếu so với nhận thức ngày càng gia tăng về sự độc lập kinh tế và an ninh.

Thứ ba, sự xung đột về hệ tư tưởng giữa Trung Quốc và Mỹ không mạnh bằng thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Kinh tế thị trường hiện được cả thế giới công nhận là phương thức tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và về mặt chính trị, nhiều quốc gia cũng đã đi theo đường lối dân chủ.

Sự đối lập về hệ tư tưởng trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc có thể dễ dàng được xoa dịu bởi những tính toán về những lợi ích thực tế, vốn tạo ra những điều kiện cho sự thỏa hiệp và hợp tác.

Thứ tư, cả Trung Quốc và Mỹ đều có nhiều lựa chọn hơn là chiến tranh để đạt được những mục tiêu chính trị của mình. Mặc dù không có các đồng minh để làm vùng đệm, thì với bản chất của một cuộc xung đột tiềm tàng tại Biển Đông hay eo biển Đài Loan (Trung Quốc), cả hai nước đều thông thạo trong hoạt động tại các vùng xám và những đòn tâm lý, dư luận, chiến tranh ngoại giao vẫn ở dưới ngưỡng cửa của chiến tranh.

Vụ Chính phủ Mỹ ra lệnh cho lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đóng cửa chỉ là một động thái mới nhất của chính sách "bên miệng hố chiến tranh". Thêm vào đó, với thực tế về những lợi ích kinh tế to lớn của Trung Quốc tại Mỹ, Mỹ có thể sử dụng các đòn trừng phạt nếu như sử dụng vũ lực có rủi ro cao và lại không xứng đáng. Khi cả hai bên có nhiều công cụ và lựa chọn, thì lý do gì họ lại phải sa vào chiến tranh để đạt được những mục tiêu của mình?

Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, sự bất cân xứng về sức mạnh cũng sẽ là một công cụ ngăn cản. Một số ý kiến cho rằng, Mỹ và Liên Xô đã không tiến tới chiến tranh nóng vì họ ngang bằng nhau. Tuy nhiên thực tế không phải vậy.

Ngay từ đầu cuộc Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã tương đối thua kém về mặt quân sự. Thêm vào đó, một quốc gia cần phải có ý chí chiến đấu trước khi bước vào một cuộc chiến tranh, ngay cả khi sức mạnh quân sự của họ cao hơn đối thủ. Mỹ thì đã quá mệt mỏi vì chiến tranh sau nhiều năm lún sâu trong những cuộc chiến vô nghĩa.

Tóm lại, khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc và Mỹ là rất nhỏ. Mối nguy hiểm lớn nhất với Trung Quốc không phải là một cuộc đối đầu lạnh hay nóng với Mỹ, mà là sự diễn giải sai lầm của giới hoạch định chính sách về tư tưởng thù địch ngắn hạn với Bắc Kinh trong một bộ phận người dân Mỹ cũng như thế giới. Nhận thức sai lệch như vậy có thể khiến Trung Quốc ngày càng trở nên cô lập và đi ngược lại với xu hướng mở cửa với thế giới.

(theo SCMP)

Vũ Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/5-ly-do-khien-my-va-trung-quoc-kho-tien-den-chien-tranh-lanh-120235.html