5 năm –gần 20.000 người đăng ký hiến tạng

'Chỉ 5 năm thành lập, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (ĐPGTQG) đã ghi được những dấu son trong ngành ghép tạng. Đặc biệt, Trung tâm đã vượt qua những điều kiện vô cùng khó khăn để có được những thành quả đáng tự hào: Số người được cứu sống nhờ ghép tạng tăng nhiều hơn trước với gần 4.000 người.' Đó là những ghi nhận của Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại buổi lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm ĐPGTQG tổ chức ngày 29-11 tại Hà Nội.

Trung tâm ĐPGTQG đi vào hoạt động năm 2013, trong bối cảnh y học nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu về ghép tạng, nhưng quan niệm về hiến tặng mô/ tạng tại Việt Nam còn rất hạn chế, thậm chí, nhiều người còn hồ nghi và sợ hãi. Nhưng chỉ sau 1 năm hoạt động, Trung tâm đã vận động được hơn 200 người đăng ký hiến tặng mô/ tạng sau khi chết/chết não. Nhưng bằng sự tận tụy đến từng vùng miền để truyền thông về hiến tạng, đặc biệt là những câu chuyện hiến mô/tạng hết sức cảm động của những con người giàu lòng nhân ái, năm 2017, đã có tới 12.000 người đăng ký hiến tặng khi chết/ chết não.

GS.TS. Trịnh Hồng Sơn và Ths. Nguyễn Hoàng Phúc nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Năm 2018, sự kiện bé Hải An hiến tặng giác mạc đã được báo chí và Trung tâm tăng cường truyền thông, đã gây xúc động cho toàn xã hội và tạo sức lan tỏa lớn. Từ tấm gương của cô bé, hàng ngàn người đã tự nguyện đến Trung tâm để ghi tên mình vào danh sách những người sẵn sàng hiến tặng mô/ tạng khi chết/ chết não. Đặc biệt, nhiều gia đình đã hiến tặng mô/tạng của người thân qua đời hoặc rơi vào tình trạng chết não.

Câu chuyện nhân ái của thiếu tá Lê Hải Ninh, bé Vân Nhi, anh Nguyễn Ngọc Khiêm hay kỹ sư Nguyễn Xuân Hải… được gia đình trao tặng lại một phần thân thể của họ khi ra đi cho những bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo, đã được truyền thông kịp thời, không chỉ làm rung động trái tim cộng đồng, mà còn động viên nhiều người đăng ký hiến mô/tạng.

Người được ghép tạng và gia đình người hiến lần đầu gặp nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào

Điểm nhấn tại buổi lễ không phải là những con số thành tựu, mà là những câu chuyện vô cùng cảm động về những thầy thuốc tận tụy chạy đua với thời gian để các ca ghép được tiến hành, chuyện về những người hiến tạng và gia đình họ. Đặc biệt, khán phòng rưng rưng xúc động khi người bệnh được ghép tim và gia đình người hiến tim – vợ anh Nguyễn Ngọc Khiêm, đã lần đầu gặp nhau tại buổi lễ trong những giọt nước mắt hạnh phúc.

Nghẹn ngào nhắc về chồng, vợ anh Khiêm cho biết, chị quyết định đồng ý hiến tạng của anh cho người bệnh không biết mặt, là bởi chị muốn có thêm một người được cứu sống sau sự ra đi của chồng, nhất là, để trái tim anh tiếp tục được đập trong lồng ngực một người khác, tiếp tục cuộc sống mà anh phải giã biệt.

Còn ông Tuấn, người may mắn được cứu sống từ trái tim của anh Khiêm cũng nghẹn ngào: Ân tình từ trái tim của anh Khiêm cho tôi được sống, tôi không bao giờ có thể quên. Giờ đây, tôi phải sống gấp đôi, vì một nửa là vì anh Khiêm nữa… Đôi bàn tay của những người không quen biết lần đầu gặp mặt nắm chặt nhau như những người thân gần từ lâu lắm, chính là bởi có một phần cơ thể của người thân họ ở trong nhau.

Những người được ghép tạng chia sẻ tình cảm

Tại buổi lễ, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn và Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm ĐPGTQG đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng vì những cống hiến cho sự nghiệp ghép tạng của Việt Nam. Ban Giám đốc Trung tâm cũng được Thủ tướng tặng Bằng khen.

Theo GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm ĐPGTQG: Sau 5 năm hoạt động, đến nay cả nước đã có 19.300 người đăng ký hiến tặng mô/ tạng sau khi chết/chết não. Đặc biệt, đã có 3.378 được ghép tạng trong cả nước. Trong đó 3.223 ca ghép thận; 125 ca ghép gan; 26 ca ghép tim; 1 ca ghép khối thận – tụy; 1 ca ghép khối ghép tim - phổi và 2 ca ghép phổi.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/5-nam-gan-20-000-nguoi-dang-ky-hien-tang-522324/