5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp: Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD

Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, kết quả đạt được gần tiệm cận được đến mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp

Sáng nay, Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã diễn ra tại Hà Nội.

“Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 với mục tiêu đến năm 2020, các chỉ tiêu phải đạt ở cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Sau 5 thực hiện, kết quả đạt được theo đánh giá chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là gần tiệm cận được đến mục tiêu của năm 2020.

Cụ thể về mục tiêu kinh tế, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ đô USD, bình quân đạt 31,5% tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước. Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án.

Về mục tiêu xã hội, cùng với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017, gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với 2008. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới sau 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đã đạt 34,4% tính đến hết năm 2017 và dự kiến cuối năm 2018 đạt 40%. Đến năm 2020 sẽ đạt 50% số xã đạt chuẩn.

Về mục tiêu môi trường, tính đến hết năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%. Tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã từng bước được giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đánh giá về 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Điểm nổi bật nhất là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, của bà con nông dân, của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp. Trong 5 năm qua, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Theo kế hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2020, trên cơ sở những kết quả đạt được và theo mục tiêu đã đề ra trong Đề án, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh.

Cụ thể tốc độ tăng giá trị gia tăng đạt tối thiểu 3%/năm, năng suất lao động tăng từ 3,5%/năm, thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015 đồng thời có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

TÚ ANH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/5-nam-thuc-hien-tai-co-cau-nong-nghiep-kim-ngach-xuat-khau-dat-tren-157-ty-usd-17566.html