5 ngả thương hồ

Năm 1991, khi tách tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, Ngã Năm vẫn còn là một thị tứ thuộc huyện Thạnh Trị. Câu thiệu 'Ai về Thạnh Trị ăn năn' cũng phát xuất từ đây. Tôi đã thật ngạc nhiên về cây năn bộp và cách các chị, các cô bơi xuồng ba lá đem năn ra 'bỏ sỉ' ở chợ Ngã Năm!? Chỉ 1 cây dằm mà chiếc xuồng ba lá đầy những lọn năn xanh mướt đi ào ào thẳng băng như chiếc tam bản gắn máy Kohler 4 (kô-le tư)! Khi đó những 'lung năn' ở vùng này còn nhiều mà Lâm trường tràm Thạnh Trị là rộng nhất nên ai vào đây nhổ năn cứ sáng sớm vô tới đầy xuồng thì ra sau khi đóng 200 đồng/xuồng.

MỘT THỜI XUỒNG BA LÁ VÀ CÂY BẸO…

Ông Hai Hòa nhà ngay đầu doi Xẻo Chích - kênh Xáng Chìm nay đã vô hàng U80 kể: “Xứ này trước năm 1945 có thể xem là “sung nhứt”?! Khi đó họp chợ thì ghe hàng, xuồng ba lá đậu nghẹt, sắp lớp kín cả một khúc sông. Muốn đi từ bờ này sang bờ bên kia đâu cần đò ngang, đò dọc gì? Cứ nhảy xuống chiếc xuồng này, chuyền qua chiếc kia là tới! Ngay từ thời đó, Ngã Năm đã là đầu mối cung hàng hóa đủ thứ về các vùng trong”. Nói là họp chợ chớ ở chợ nổi Ngã Năm làm gì có họp chợ!? Trong ngày chỉ có “đông hay không đông” thôi! Cữ / Cứ 2 giờ sáng là đã có người đi chợ để lựa hàng đem về. Cứ vậy cho tới tầm 8 - 9 giờ thì thưa bớt. Ghe hàng bông lớn đậu đó thì cứ bán lai rai, lai rai hoài cho tới tối, tới khuya, rồi tới sáng.

Ngay cả tới những năm 90 của thế kỷ XX thì việc bán, mua ở đây vẫn còn mang đậm chất “thương hồ cổ điển”?! Đó là “mua cái gì chở đi được thì bán được”. Mùa nước nổi đầu mùa miệt dưới thiếu rau xanh, bầu bí… xuống Ngã Bảy bổ hàng về bán. Mùa chôm chôm, măng cụt, mận… xuống Ngã Bảy, Ngã Năm lựa hàng chở đi. Đi một chuyến phải cho đáng nên phải lựa ghe cỡ nào đi cho có lời, đáng một chuyến! Đại khái về chợ nổi thời đó là như vậy!? Còn những ghe nhỏ chủ yếu là của tiểu thương thời vụ “bổ hàng sỉ đi bán lẻ ở trong ngọn”.

Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) trước năm 2000.

Cách đây tầm hơn 5 năm, khi “cách mạng bốn chấm” chưa rộng rãi như bây giờ…, tôi đã có dịp thức cùng những ghe hàng và cảm nhận cảnh sắc khi nắng sớm dần phủ lên 5 ngã “thương hồ”. Trên kênh Xáng Chìm, những hàng “bẹo” làm nên quang cảnh bán buôn sôi động nhất trong ngày ở chợ nổi. Bán gì - bẹo đó. Từ xa, bạn hàng đã nhận biết ngay món hàng mà mình cần mua để tìm đến. Trải qua bao thăng trầm của dòng thời gian... bẹo đã trở thành biểu tượng của chợ nổi.

Chú Tư Tới (Nguyễn Trầm Tới, 60 tuổi) đã gắn với việc bán buôn ở đây hơn 30 năm kể: “Ngay cả đến trước năm 2000 thì hầu như ở ngã kênh nào cũng có họp chợ. Vô mùa Tết ghe lớn nhỏ chen nhau ra cả gần giữa dòng… Tàu lớn, ghe tải lớn, xà lan muốn đổ về Bạc Liêu, Cà Mau lắm khi phải chờ đến 9 - 10 giờ mới trống đường để đi! Trái cây, rau củ thời đó còn ít vô bao, vô bọc mà chủ yếu đổ xá. Chốt giá xong là vô cần xé cây rồi đổ xá qua ghe, qua xuồng bên kia. Nhộn nhịp lắm!?”.

Cũng phải thôi!? Những năm đó đường sá nào như bây giờ!? Chỉ có 24km từ Phú Lộc vô tới Ngã Năm nếu ngồi đò cũng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ!? Còn đường Quốc lộ 61B thì thời đó nhỏ hẹp và hư hỏng nhiều qua mỗi mùa nước nổi. Đi một cuốc xe ôm dưới hai chục ngàn thì không tài nào chạy! Nào phải như bây giờ!?

NGÀY NAY “LÚA + CÁ”, LÀM VƯỜN

Có lần trò chuyện cùng ông Phạm Văn Bé (55 tuổi, Phường 2) những chuyện hồi còn làm lúa mùa, tới nước giựt cá trên đồng thu tính bằng cần xé, chở bằng ghe thì ông nhấn cho tôi một điều thú vị: “Cái hồi thủy lợi xẻ kênh, đắp bơm nước để làm 3 vụ lúa cao sản, ngắn ngày thì tui ngồi tính cũng lời hổng bằng con cá đồng!? Miếng ruộng phải có cái đìa trữ cá bởi khi nước nổi thì cá tự nhiên vô ruộng ngập tràn. Mà chủ yếu là cá đen có giá như rô, lóc, lươn… Mấy loại cá này đâu chỉ bán tươi? Mấy nhà làm mắm đồng chuộng nhất mấy loại cá đồng tự nhiên này!?”.

Cánh đồng Phường 2, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) vào vụ lúa Đông - Xuân.

Anh Nguyễn Cao Đồi (ấp Mỹ Hiệp, xã Long Bình) có 6ha đất lúa nhưng chỉ một lần bơm tát chuẩn bị dọn đất cho vụ Đông - Xuân, tiền bán cá cũng đã tương đương 1 vụ lúa trong khi người thì có thêm thời gian làm chuyện khác, ruộng được bổ sung một lớp phù sa mới. Bình thường trung bình 1 vụ lúa thì 1 công cần 25kg phân bón nhưng canh tác kiểu này thì chỉ còn 12,5kg. Rồi chưa tính công lao động? Rõ ràng là khoản lãi ròng cao hơn chứ không chỉ tương đương!

Có thời gian để cá lên đồng rồi khi “nước giựt - nước kém”, chuẩn bị dọn đồng cho vụ lúa mới thì dọn đìa, bơm nước, bắt cá. Thành ra cũng không lạ khi hơn chục năm nay mỗi khi “trời trở chướng” thì chợ xã Vĩnh Biên mỗi đêm tầm từ 12 giờ cho tới sáng là một chợ cá đồng nhộn nhịp. “Lái cá” gom hàng từ những “mối ruột” rồi từ đây, cá đi lên thành phố, chạy ngược về Bạc Liêu… Những bờ bao được mở rộng hơn để giữ nước, giữ cá. Chỉ “nhẩm tính sơ sịa” cũng đã thấy con cá đồng cho thu nhập rất cao.

Theo chú Tư Tới, lộ, điện thoại giờ tiện thì cái ghe hàng chuyển lên xe tải; ghe nhỏ máy xăng chở qua xe Honda. Mối hàng, bạn hàng cũng còn nguyên đó. Chú nhắc tôi rằng: “Muốn ngắm chợ nổi Ngã Năm khi đẹp nhứt trong năm hãy xuống chơi kể từ ngày “đưa ông Táo về trời”!? Còn đặc sản xứ này thì chớ quên con mắm cá lóc, cá rô”?!

Địa danh Ngã Năm có từ khi nào? Chắc chắn là địa danh này chỉ hình thành sau khi quá trình đào kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp hoàn tất vào năm 1908, dài hơn 140Km khởi đầu từ Ngã Bảy và kết thúc tại rạch Quản Lộ - Cà Mau (Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam). 2 ngả kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp cắt tại nút giao Xẻo Chích, kênh Cái Trầu (đoạn bắt đầu từ rạch Cái Trầu), kênh Trà Ban (về Long Mỹ) hình thành nên địa danh Ngã Năm mà mãi đến năm 1945 vẫn còn thuộc tỉnh Rạch Giá. Khi đó thị trấn Phú Lộc dọc vào Ngã Năm cũng đã vào thời sung túc với những kho gạo, nhà máy xay xát với những địa danh đến nay còn lưu dấu “Ông Kho; Xóm Tro; Coóc-Xa-Nen…”. Kênh Phú Lộc nối với rạch Cái Trầu đóng vai trò thông thương lúa từ Rạch Giá về Phú Lộc, lên Bãi Xàu, Sóc Trăng.

MINH LY

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/5-nga-thuong-ho-69580.html