5 ngày lễ thu hơn 3.200 tỉ đồng, du lịch TP.HCM sẽ bứt phá?

Từ những tín hiệu tích cực của thị trường dịp lễ 30-4 và 1-5, ngành du lịch TP.HCM kỳ vọng trong thời gian tới ngành công nghiệp không khói ở TP sẽ có nhiều bứt phá.

Trong năm ngày nghỉ lễ, TP.HCM nằm trong tốp các TP bội thu từ ngành du lịch với gần 1 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Đây là dấu chỉ cho sự bứt phá của ngành du lịch TP.HCM năm 2024. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM (ảnh), về những định hướng, giải pháp phát triển du lịch TP trong thời gian tới.

Hàng loạt chương trình hấp dẫn

. Phóng viên: Thưa ông, chỉ trong năm ngày nghỉ lễ, ngành du lịch TP.HCM đã thu về hơn 3.200 tỉ đồng. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

Ông Lê Trương Hiền Hòa.

+ Ông Lê Trương Hiền Hòa: Có thể thấy du lịch TP.HCM mùa lễ 30-4 và 1-5 khá sôi động khi lượng khách lẫn doanh thu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong năm ngày nghỉ lễ, TP.HCM đã phục vụ gần 1 triệu lượt khách nội địa và quốc tế với doanh thu đạt hơn 3.200 tỉ đồng (tăng 3,4% so với cùng kỳ).

Tổng thu du lịch bốn tháng đầu năm 2024 đạt 60.046 tỉ đồng, đạt 31,6% so với kế hoạch năm 2024. Đây chính là tín hiệu khởi động cho mục tiêu phục vụ 38 triệu lượt khách nội địa và đón 6 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu đạt 190.000 tỉ đồng trong năm 2024.

Trước đó, nhận định việc nghỉ dài ngày là cơ sở cho việc gia tăng khách du lịch mạnh mẽ nên công tác chuẩn bị đón khách du lịch của TP đã được thực hiện tích cực và chu đáo.

Khách du lịch quốc tế khám phá TP.HCM bằng xe buýt hai tầng. Ảnh: THU TRINH

Cụ thể, các chương trình kích cầu du lịch TP.HCM năm 2024 được triển khai từ đầu tháng 4 quy tụ gần 100 doanh nghiệp (DN) lữ hành, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí. Cùng với đó là 36 chương trình du lịch giảm sâu 10%-60%, 23 chương trình du lịch nội đô và 13 chương trình du lịch liên kết TP.HCM và các tỉnh, TP lân cận.

32,5% là tỉ lệ tăng của lượt khách quốc tế đến TP.HCM trong quý I-2024. Theo đó, khách quốc tế đến TP.HCM ước tính đạt hơn 1,8 triệu lượt khách (cùng kỳ năm 2023 khoảng 1,38 triệu lượt). Khách du lịch nội địa ước tính đạt 10,8 triệu lượt, tăng 3,1% (năm 2023 là 10,5 triệu lượt).

Các cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Trong đó có các chương trình giảm giá sâu với 200.000 voucher, tổng giá trị giảm giá lên đến 50 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các DN nhà hàng, khách sạn đã giới thiệu các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài nước như giảm giá phòng 10%-45% cho khách lưu trú.

Sở Du lịch cũng đã điều chỉnh và tái định hình các sản phẩm du lịch, cùng với các địa phương xây dựng hàng loạt tour độc đáo tại từng quận, huyện. Điều này đã mở ra thêm nhiều lựa chọn cho du khách. Nhiều sản phẩm du lịch mới đã thúc đẩy du khách chi tiêu vào các hoạt động vui chơi và khám phá.

Du lịch TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển

. Đáng chú ý là lượng khách quốc tế đến TP.HCM dịp lễ này tăng cao. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

+ Năm ngày nghỉ lễ, du khách quốc tế đến TP.HCM ước tính khoảng 54.000 lượt, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước tính khoảng 200.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt là khách tàu biển - dòng khách du lịch cao cấp đến từ châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản… và khách đi du lịch tự túc.

Nhờ áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; miễn thị thực cho công dân một số nước với thời hạn tạm trú 45 ngày đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến TP.HCM.

Khẳng định vị thế của ngành du lịch TP.HCM

. Từ tín hiệu vui trong năm ngày nghỉ lễ vừa qua, TP.HCM đã chuẩn bị những kế hoạch nào cho kỳ nghỉ hè sắp tới?

+ Hiện Sở Du lịch đang thực hiện chương trình kích cầu du lịch TP với sự đồng hành của DN du lịch, tạo cơ hội cho người dân đến tham quan, khám phá, du ngoạn tại TP.HCM với chi phí tốt nhất.

Tham gia chương trình kích cầu du lịch, các DN đã cam kết giữ vững chất lượng dịch vụ, số lượng sản phẩm đã công bố. Đồng thời mở rộng các chương trình tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ để khẳng định vị thế, thương hiệu của điểm đến, gia tăng sức cạnh tranh của du lịch TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều DN lữ hành và lưu trú đã tận dụng thời điểm lý tưởng này để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, phù hợp với từng đối tượng du khách.

Qua đây, mang đến cơ hội cho du khách được trải nghiệm và khám phá các điểm tham quan, vui chơi giải trí thú vị của TP.HCM với những sản phẩm truyền thống và mới lạ. Cụ thể là các tour trải nghiệm từ nửa ngày đến ba ngày hai đêm, khám phá những công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử - văn hóa ngay giữa lòng TP, trải nghiệm trồng cây và sản phẩm đường thủy. Đặc biệt sản phẩm du lịch về đêm mới lạ với ưu đãi giảm đến 60%.

Ngoài ra, du khách cũng được trải nghiệm những nét đẹp rất riêng với hơn 20 chương trình du lịch liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ.

TP cũng công bố hơn 50 sản phẩm du lịch với 20 sản phẩm du lịch mới dành cho nhiều phân khúc khách du lịch. Đặc biệt, chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TP.HCM tạo điểm nhấn với đông đảo người dân TP, du khách; tour du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng - Cần Giờ; tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn, du lịch ẩm thực...

Đặc biệt là sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ), đây là sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa đầu tiên của TP.HCM. Nỗ lực này đã và đang được đền đáp xứng đáng khi số lượng du khách đến huyện Cần Giờ tăng mạnh 20%-30% so với trước đây, hình thành 16 dịch vụ phục vụ du khách.

Tất cả sản phẩm du lịch của TP.HCM được nâng chất, làm mới để giới thiệu đến theo tiêu chí “quen mà lạ” .Vì vậy, TP.HCM thực hiện các đoàn công tác đi làm việc, kết nối với các địa phương quận, huyện ngoại thành để xây dựng thêm những tour tuyến, điểm đến mới, hấp dẫn hơn.

Mục tiêu của ngành du lịch TP là xây dựng những sản phẩm, tour du lịch độc đáo, khác biệt để thu hút du khách trong nước và cả khách quốc tế. Từ các chuyến khảo sát trên cho thấy du lịch TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, ngành du lịch TPHCM sẽ tập trung cho các thị trường đã kết nối hàng không; các thị trường đã được miễn thị thực; thị trường gần gồm Bắc Á và Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, thị trường châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ.

. Ngành du lịch TP.HCM sẽ có những chuẩn bị gì để phát huy những kết quả trước mắt, đảm bảo được vị thế của ngành công nghiệp không khói này trong thời gian tới?

+ Để thúc đẩy và phát triển du lịch theo hướng bền vững và có chiều sâu vào năm 2024, ngành du lịch TP.HCM đặt ra ba mục tiêu chính. Thứ nhất là tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch TP. Tiếp đến là tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch. Cuối cùng là thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch.

Ngành du lịch TP đưa ra các giải pháp trọng tâm như tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích DN và người dân tham gia đầu tư, phát triển du lịch; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN và cộng đồng phát triển du lịch.

TP triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với sáu vùng và 46 tỉnh, TP. Trọng tâm là xây dựng, phát triển các sản phẩm liên kết và xây dựng bản đồ 3D/360 độ quảng bá điểm đến của TP.HCM và tất cả tỉnh, TP.

Đặc biệt, với các sản phẩm du lịch có tính đặc thù của từng quận, huyện, ngành du lịch TP.HCM sẽ tập trung rà soát và xem tính hiệu quả, sức hút của từng quận, huyện để sớm có đề án tổng thể. Qua đó để phát huy, giữ gìn và hỗ trợ để các địa phương có sản phẩm du lịch đặc trưng của mình. Từ đó nhằm gia tăng sức hút với du khách, sớm thay đổi ý niệm TP.HCM chỉ là điểm trung chuyển khách du lịch cho các địa phương khác.

Trong quý II-2024, TP.HCM tập trung triển khai bộ tiêu chí ẩm thực áp dụng tại TP.HCM sau khi được phê duyệt; tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch tập trung triển khai Lễ hội sông nước lần thứ hai…

. Xin cảm ơn ông.

5 ngày nghỉ lễ, cả nước đón 8 triệu lượt khách

Theo thống kê từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong năm ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú.

Hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Dẫn đầu cả nước là Thanh Hóa phục vụ khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 3.800 tỉ đồng. TP.HCM đón 969.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 3.200 tỉ đồng. Quảng Ninh khoảng 1,017 triệu lượt khách, thu về khoảng 2.210 tỉ đồng.

Tour tham quan trụ sở UBND-HĐND TP.HCM thu hút nhiều du khách. Ảnh: THU TRINH

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hầu hết các điểm đến đã đón lượng khách nhiều hơn, thời gian lưu trú dài hơn, doanh thu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, số lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo.

Ngoài ra, tại các địa phương là trung tâm du lịch đã tự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao… Đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Hoạt động du lịch tại các địa phương cũng đã được chuẩn bị chu đáo ngay từ trước nghỉ lễ. Nhiều hoạt động kích cầu du lịch, giảm giá, khuyến mãi sản phẩm đã được triển khai, tiêu biểu là Ngày hội du lịch TP.HCM, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, chương trình kích cầu thu hút khách du lịch 2024 “Quảng Nam - Miền xanh di sản”…

Việc di chuyển của du khách cũng được thay đổi để đáp ứng nhu cầu đi lại lớn. Các hãng hàng không đã tăng thêm các chuyến bay đêm, đưa máy bay thân rộng vào khai thác nội địa để góp phần bổ sung/tăng tải cung ứng.

Ngành đường sắt tăng thêm các chuyến tàu từ Hà Nội đi Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, TP.HCM và ngược lại; từ TP.HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn và giảm giá vé dành cho khách đi tàu. Các bến cảng thủy nội địa đã tăng thêm các chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đa dạng hóa loại hình tour theo hướng tăng tour đi ô tô chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp các loại tàu hỏa, ô tô, đường thủy ở những chặng xa, vừa giảm giá thành tour vừa tăng trải nghiệm cho du khách.

PHẠM PHƯƠNG ANH, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt:

Những trải nghiệm du lịch độc đáo

Dịp lễ 30-4, các tour nội đô tại TP.HCM tăng 3,4 lần so với cùng kỳ. Các sản phẩm du lịch nội đô được thiết kế lồng ghép vào các chương trình liên địa phương hoặc tách ra thành các sản phẩm riêng tiện lợi cho du khách.

Một yếu tố quan trọng làm tăng mạnh mẽ về doanh thu du lịch là chiến lược phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, TP.HCM đã chú trọng vào việc phát triển các hình thức du lịch độc đáo như du lịch đường sông đô thị, du thuyền, du lịch golf, mua sắm... Nhờ vào sự đa dạng này, TP đã tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và hấp dẫn, đồng thời thu hút đối tượng khách hàng rộng lớn.

Tuy nhiên để thu hút được đa dạng các thị trường, TP.HCM cần nghiên cứu lại thị trường nguồn khách để đánh giá nhu cầu theo từng khu vực, quốc gia để đầu tư và kêu gọi đầu tư sản phẩm có trọng điểm.

Bên cạnh đầu tư sản phẩm trọng điểm thì TP.HCM cần có đủ nguồn lực tài chính mới xây dựng được sản phẩm thường xuyên để phục vụ du khách. Mặt khác, TP chú trọng tăng khả năng liên kết với các địa phương để đón những luồng khách mới, tạo sự dịch chuyển, tránh tắc nghẽn nguồn khách. Vì vậy, TP phải có cơ chế, chính sách, minh bạch, quy hoạch bài bản từng khu vực và mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ tiềm lực.

Cùng với đó, TP.HCM cần cải tiến, nâng cấp chất lượng những sản phẩm đặc trưng được du khách tín nhiệm, ưa chuộng trong những năm qua như “mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”; du lịch y tế; kinh tế đêm…

TS DƯƠNG ĐỨC MINH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu
phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM:

Định hướng TP.HCM là tâm điểm của sự kiện lớn mang tầm quốc tế

Kết quả thu về của dịp lễ đã chứng minh được nguồn lực phát triển du lịch TP.HCM đang trên đà khởi sắc. Các quận, huyện đã tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của mình. Như vậy có thể thấy hệ thống sản phẩm du lịch tiềm năng của TP.HCM được “cày xới” và phát triển.

Thời gian qua, các địa phương có nỗ lực xây dựng sản phẩm, tuy nhiên việc “đấu nối” vào sản phẩm chung của TP.HCM vẫn còn mờ nhạt. Mỗi quận, huyện lại là một câu chuyện riêng chưa hòa vào bản sắc chung của du lịch TP.HCM - TP năng động, sáng tạo. Sản phẩm du lịch TP.HCM muốn phát triển bền vững, cần có sự liên kết, tạo sức mạnh hệ thống chung.

Tiếp đến, ngành du lịch TP cần tạo sự đối trọng trong việc nhận và gửi khách khi đến TP.HCM. TP.HCM là thị trường gửi khách rất lớn cũng là thị trường thu hút khách du lịch đến tham quan và lưu trú. Thực tế, chúng ta đang thiên về gửi khách đến tỉnh, TP. Để “cán cân” nhận khách về lại TP.HCM góp phần tăng thời gian lưu trú và chi tiêu thì hệ thống sản phẩm, chất lượng dịch vụ cần được đầu tư đồng bộ hơn.

Ngành du lịch TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển và vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024. TP.HCM đang nỗ lực khai thác xu hướng du lịch từ yếu tố lịch sử, văn hóa như ở hai huyện Hóc Môn, Củ Chi. Bên cạnh đó, TP.HCM có lợi thế phát triển du lịch lễ hội và đang làm khá tốt, vì vậy TP nên định hướng TP.HCM là tâm điểm của sự kiện lớn mang tầm quốc tế.

Ông TRẦN QUANG DUY, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt:

Cần tăng tính liên kết trong các hoạt động du lịch

Từ tín hiệu tích cực trong nguồn thu của dịp lễ 30-4, TP.HCM cần nhanh chóng để liên kết giữa doanh nghiệp (DN) du lịch và khu, điểm du lịch trên địa bàn TP đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao. Theo đó, TP.HCM cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị giao thông, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá, vui chơi giải trí của du khách, đồng thời vẫn đảm bảo bảo tồn, gìn giữ nét riêng biệt vốn có.

Các khu, điểm du lịch cần có chính sách hỗ trợ DN lữ hành trong quá trình xây dựng cũng như quảng bá khu, điểm du lịch.

Về phía các DN du lịch cần phát triển các ứng dụng, giải pháp công nghệ du lịch thông minh để tiết kiệm chi phí, đem đến nhiều trải nghiệm mới cho du khách trong và ngoài nước. Các đơn vị nên xem đây là công cụ đắc lực bổ trợ cho liên kết đôi bên thuận lợi hơn.

Để phục vụ tốt nhu cầu của du khách, đội ngũ nhân sự tại khu, điểm du lịch phải được đào tạo, nâng cao hơn nữa trình độ kỹ năng, nghiệp vụ, phối hợp làm việc với DN du lịch một cách chuyên nghiệp.

Ngành du lịch TP cần bổ sung nhanh nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ để có thể truyền tải được ý nghĩa liên quan đến yếu tố văn hóa bản địa, đáp ứng phục vụ nguồn khách trong và ngoài nước.

THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-ngay-le-thu-hon-3200-ti-dong-du-lich-tphcm-se-but-pha-post788541.html