5 nhà thám hiểm mất tích khi đi khám phá Titanic là ai?

5 người đàn ông giàu có theo đuổi cuộc phiêu lưu khám phá con tàu huyền thoại Titanic dưới biển sâu. Niềm đam mê thám hiểm đã đưa họ đến với nhau trên con tàu ngầm định mệnh Titan hiện vẫn còn mất tích một cách bí ẩn, với nguồn oxy kéo dài sự sống không còn nhiều.

Hiện tại, tàu lặn Titan mất tích đang là trọng tâm của cuộc tìm kiếm cứu nạn ở Bắc Đại Tây Dương do lực lượng bảo vệ bờ biển và cứu hộ Mỹ và Canada phối hợp tiến hành.

Con tàu Titanic huyền thoại từ lâu đã là cảm hứng và đam mê của nhiều nhà khảo cổ học, khoa học và tiểu thuyết gia. Không chỉ lên phim ảnh với mối tình bất hủ giữa Jack và Rose trong Titanic, con tàu này là nguồn cảm hứng cho những người ưa khám phá, phiêu lưu mạo hiểm đến nay vẫn còn muốn tham quan tàn tích dưới đáy Đại Tây Dương. Và 5 nhà thám hiểm trên tàu lặn Titan cũng nằm trong số đó.

Từ trái qua phải 5 nhà thám hiểm trên tàu lặn Titan gồm tỷ phú Hamish Harding, hai cha con Suleman và Shahzada Dawood, kỹ sư công nghệ vũ trụ Stockton Rush và chuyên gia tàu Titanic - Paul Henry Nargeolet.

Trên tàu lặn Titan mất tích là 5 nhân vật nổi tiếng.

Đầu tiên là kỹ sư công nghệ vũ trụ Stockon Rush - CEO của OceanGate Expedition, nơi tổ chức tour tham quan tàu Titanic. Ông là cư dân của thành phố Seattle đồng thời là người lái tàu lặn.

Nhân vật tiếp theo là tỷ phú Anh Hamish Harding sinh sống tại UAE.

Ông Shahzada Dawood cùng con trai Suleman sở hữu đế chế kinh doanh tiếng tăm ở Pakistan.

Cuối cùng là nhân vật có biệt danh "Mr. Titanic", thủy thủ Paul Henry Nargeolet là một chuyên gia đã dành nhiều năm nghiên cứu về con tàu Titanic.

5 người trên tàu lặn hiện đang là trung tâm của cuộc chạy đua giải cứu trước khi oxy cạn kiệt. Niềm đam mê khám phá đại dương và những nơi xa xôi của trái đất ít ai chạm chân tới đã đưa họ lại với nhau trên chuyến đi định mệnh. Những nhà thám hiểm đã lường trước những mối hiểm nguy trên hành trình của mình mà ít người có thể chạm tới.

Khởi nguồn chuyến phiêu lưu tham quan tàu Titanic dưới thềm Đại Tây Dương

Vào đầu năm 2019, kỹ sư hàng không vũ trụ Stockton Rush phát minh ra tàu lặn có thể đưa mọi người tham quan tàu Titanic dưới đáy biển.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy con tàu đắm Titanic đang dần bị phân hủy do vi khuẩn ăn kim loại. Vì thế, nhà công nghệ vũ trụ Stockton Rush quyết định, cần phải ghi hình lại con tàu huyền thoại trước khi nó hoàn toàn biến mất, đồng thời giúp người mê du lịch mạo hiểm có thể tận mắt chiêm ngưỡng Titanic.

Tàu lặn bằng sợi carbon mà nhóm của ông chế tạo mang tên Titan. "Đây là trải nghiệm thay đổi cuộc đời", kỹ sư Rush từng cho biết.

4 năm sau đó, Rush cùng 4 người chung niềm đam mê khám phá bước lên tàu ngầm Titan để bắt đầu chuyến phiêu lưu.

Khởi hành ở St. John's, Newfoundland, 5 nhà thám hiểm bắt đầu hành trình khảo sát tàn tích của chiếc du thuyền Titanic xa hoa đã chìm cách đây 111 năm.

Với giá vé 250.000 USD mỗi người, đây là chuyến đi thứ 3 của OceanGate tới tham quan tàu Titanic dưới đáy biển.

Tàu ngầm chở phi hành đoàn 5 người bắt đầu lặn xuống đáy biển vào sáng chủ nhật (18/6) từ tàu mẹ Polar Prince. Cho tới 1 giờ 45 phút sau đó, tàu Polar Prince mất liên lạc với tàu lặn Titan.

Từng bay vào vũ trụ, giờ muốn chinh phục đại dương

Tỷ phú Hamish Harding là người sáng lập công ty hàng không Action Aviation có trụ sở tại UAE. Ông là nhà thám hiểm khao khát được nhìn thấy thế giới ở mọi thái cực.

Năm ngoái, vị tỷ phú này là hành khách trên chuyến bay thương mại vào vũ trụ. Chuyến bay này do Blue Origin - công ty vũ trụ tư nhân do ông trùm Amazon - Jeff Bezos đứng ra tổ chức.

Sau khi đã thám hiểm vũ trụ, Harding lại khao khát được ngắm nhìn không gian bao la tối tăm trên thềm đại dương, để được nhìn ngắm thế giới từ một góc khác.

5 người có mặt trên tàu lặn Titan thám hiểm tàu Titanic đều là những người ưa mạo hiểm. Khi bước chân lên tàu lặn, họ đã lường trước những hiểm nguy có thể ập đến.

Để thỏa mãn niềm khao khát đó, tỷ phú Harding đã mạo hiểm thám hiểm rãnh Mariana ở phía tây Thái Bình Dương, ở độ sâu hơn 10.000m dưới biển. Ông cùng nhà thám hiểm người Mỹ Victor Vescovo đã phá kỷ lục Guinness thế giới về “thời gian dài nhất đi qua phần sâu nhất của đại dương trong một lần lặn” (trong vòng 4 giờ 15 phút).

Trong chuyến thám hiểm này, ông cùng Victor Vescovo trên hành trình tìm kiếm các loài sinh vật biển mới cũng như thu thập bằng chứng về tình trạng ô nhiễm đại dương do con người gây ra. Ông từng trả lời phỏng vấn tờ thời báo Khaleej Times ở Dubai rằng "Tôi muốn chuyến thám hiểm này đóng góp vào kiến thức và hiểu biết chung của chúng ta về hành tinh trái đất".

Trong chuyến thám hiểm vực sâu Mariana dưới lòng đại dương này, ông đã lường trước những hiểm nguy của chuyến đi có thể "một đi không trở về". Hành trình dài 10km tới điểm sâu nhất của đại dương mang tên Challenger Deep. Ông từng tâm sự với tạp chí The Week của Ấn Độ rằng, "nếu có gì không ổn, bạn sẽ không quay trở về nữa".

Còn lần này, cựu phi hành gia NASA Terry Virts, bạn của Harding đã nhắn tin với ông ngay trước khi ông lên đường. Cựu phi hành gia Virts nhớ lại rằng Harding không có vẻ lo lắng về chuyến thám hiểm tàu Titanic.

Hai cha con tình cờ lên tàu Titan nhân dịp "Ngày của Cha"

Doanh nhân người Pakistan 48 tuổi Shahzada Dawood và cậu con trai Suleman 19 tuổi tình cờ lên tàu Titan vào cuối tuần khi nhiều nơi trên thế giới tổ chức Ngày của Cha (Father's Day). Trong một bức ảnh, hai cha con đang cười rất tươi trong ánh hoàng hôn.

Shahzada Dawood xuất thân từ một trong những gia đình giàu có nhất Pakistan. Đế chế kinh doanh gia đình Dawood Hercules Corp. đã đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực y tế và các ngành công nghiệp khác ở Pakistan.

Ông Shahzada làm cố vấn cho Prince's Trust International- tổ chức từ thiện do Vua Charles III thành lập. (Ông Hussain - cha ruột của ông chính là là một trong những người bảo trợ sáng lập quỹ).

Ông Will Straw, giám đốc điều hành của quỹ trong một tuyên bố về sự cố tàu lặn Titan cho biết: "Chúng tôi bị sốc trước tin tức khủng khiếp này" đồng thời cầu mong phi hành đoàn sớm được giải cứu.

Một người bạn thân của ông Shahzada từ thời trung học chia sẻ, ông là người dè dặt và hướng nội, thích tham gia những chuyến du ngoạn đầy tham vọng. Ông từng tham gia chuyến thám hiểm Nam cực vào năm 2018 và vượt qua sa mạc Kalahari (Châu Phi) vào tháng 12 năm ngoái.

Sở thích của ông Shahzada Dawood là chụp ảnh động vật hoang dã, làm vườn và khám phá thiên nhiên. Trong khi đó, cậu con trai 19 tuổi của ông say mê tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

"Mr. Titanic" - chuyên gia đã nhiều lần lặn và phục hồi cổ vật trên tàu Titanic

Không ai trên tàu lặn OceanGate biết nhiều về Titanic hơn Paul Henry Nargeolet- cựu sĩ quan Hải quân Pháp và chuyên gia hàng hải. Ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và khảo sát tàn tích của con tàu nổi tiếng thế giới tới mức được gán biệt danh là "Quý Ngài Titanic" (Mr. Titanic).

Nargeolet phụ trách chỉ đạo nghiên cứu dưới nước cho Tập đoàn E/M và RMC Titanic Inc., - công ty của Hoa Kỳ sở hữu quyền trục vớt xác tàu và mang kho báu từ tàu Titanic đến các triển lãm bảo tàng trên khắp thế giới.

Nargeolet đã hoàn thành 37 lần lặn xuống tàu Titanic và giám sát việc phục hồi khoảng 5.000 hiện vật trên tàu.

Ông cũng không xa lạ gì với tàu Titan của OceanGate. Nargeolet và một giám đốc điều hành dầu mỏ người Ireland tên là Oisín Fanning đã đưa tàu lặn Titan xuống độ sâu hơn 2.700m dưới biển vào năm 2022. Ông đã phát hiện ra “hệ sinh thái vực thẳm đa dạng sinh học phi thường trên một thành tạo đá bazan chưa từng được biết đến gần con tàu Titanic.

Hệ sinh thái này đã được OceanGate tạm gọi là Nargeolet-Fanning Ridge, theo tên nhà thám hiểm.

Những tuyên bố trước đây của Nargeolet cho thấy ông đồng tình với đánh giá của CEO Rush rằng các cuộc thám hiểm xác tàu Titanic là vấn đề cấp bách mang tính lịch sử.

Nargeolet từng nói với Associated Press vào năm 2010 rằng: “Trong 20 năm nữa, phần lớn boong tàu Titanic sẽ bị sụp đổ và vẫn nằm nguyên ở đó, nhưng mọi thứ khác sẽ bị mục nát nặng nề.”

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-nha-tham-hiem-mat-tich-khi-di-kham-pha-titanic-la-ai-169230622111137554.htm