5 nhầm tưởng thường gặp trong kiểm soát cân nặng và dinh dưỡng

Phần lớn, lợi ích mà công nghệ mang lại là giúp chúng ta có một cuộc sống lành mạnh hơn. Nếu bạn đang tìm kiếm thông tin về chế độ ăn kiêng hỗ trợ kiểm soát cân nặng hoặc có nên tăng thêm việc tiêu thụ một nhóm thực phẩm cụ thể nào đó hay không, thì giải pháp tìm kiếm đơn giản trực tuyến sẽ trả lời những câu hỏi này. Tuy nhiên, việc dễ dàng truy xuất thông tin trên mạng cũng có thể là con dao hai lưỡi.

Một mặt, internet cung cấp một cách thuận tiện và nhanh chóng những thông tin phong phú về dinh dưỡng, nhưng mặt khác, nó cũng làm gia tăng sự phổ biến của những nhầm tưởng về dinh dưỡng và thông tin sai lệch trong cộng đồng.

Theo khảo sát nhầm tưởng về dinh dưỡng châu Á - Thái Bình Dương của Herbalife Nutrition năm 2020, mạng xã hội (68%) là kênh được sử dụng thường xuyên nhất để tìm thông tin liên quan đến dinh dưỡng của người tiêu dùng trong khu vực. Tuy nhiên, trong khi phương tiện truyền thông xã hội là kênh thông tin dinh dưỡng phổ biến đối với nhiều người, thì người tiêu dùng trên toàn khu vực dường như khá bối rối trong việc phân biệt sự thật về dinh dưỡng với những chuyện thiếu cơ sở khoa học, trong đó dưới 1/4 (23%) đạt điểm vượt qua bài kiểm tra kiến thức dinh dưỡng chung được thực hiện cùng với cuộc khảo sát.

Khắc phục những quan niệm không đúng thường gặp về kiểm soát cân nặng và dinh dưỡng

Dựa trên kết quả từ bài kiểm tra, chúng tôi đã khám phá ra danh sách những nhầm tưởng về dinh dưỡng và kiểm soát cân nặng thường được người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương tin tưởng, trong đó ít nhất 6/10 người gặp khó khăn trong việc xác định xem tuyên bố đó có đúng không.

Nhầm tưởng: Chế độ ăn keto (ketogenic) là một cách giảm cân lành mạnh

Chế độ ăn keto không phải là cách giảm cân bền vững nhất vì bạn sẽ thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết mà cơ thể cần. Một người theo chế độ ăn keto tiêu thụ rất ít carbohydrate, lượng protein vừa phải và lượng chất béo rất cao, do đó buộc cơ thể phải dựa vào chất béo trong cơ thể để làm năng lượng. Trong giai đoạn đốt cháy chất béo trong cơ thể, mức tiêu thụ carbohydrate thấp sẽ khiến cơ thể hấp thụ ít vitamin và khoáng chất, cũng như chất xơ.

Nhầm tưởng: Một chế độ ăn uống hoàn toàn từ nước trái cây là một chiến lược tốt để giảm cân

Chỉ uống nước trái cây có vẻ là một giải pháp thay thế thuận tiện nếu thiếu trái cây và rau quả trong chế độ ăn uống của bạn, nhưng nếu đó là chiến lược giảm cân, nó thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, giúp làm no và duy trì khối cơ bắp. Bất kỳ phần trọng lượng nào bị mất khi ăn kiêng sẽ được bù lại khi bạn bắt đầu chế độ ăn uống bình thường trở lại. Việc chọn cách ăn trái cây và rau quả như một phần của chế độ cân bằng ăn uống sẽ có lợi hơn về lâu dài cho sức khỏe của bạn.

Nhầm tưởng: Carbohydrate khiến bạn tăng cân

Carbohydrate không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bạn tăng cân: Nguyên nhân gây tăng cân chính là lượng calo dư thừa tích lũy, bất kể lượng calo đó đến từ đâu. Để bảo đảm một chế độ ăn uống cân bằng, triết lý dinh dưỡng toàn cầu của Herbalife Nutrition khuyến nghị, 40% lượng calo hằng ngày của bạn nên đến từ các nguồn carbohydrate lành mạnh, chẳng hạn như rau, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc. Nguồn carbs lành mạnh này còn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, sắt, chất xơ và vitamin B cho cơ thể.

Nhầm tưởng: Nhịn ăn luân phiên là cách hiệu quả để giảm cân và cải thiện sức khỏe

Điều quan trọng cần lưu ý là nhịn ăn để giảm cân không phải dành cho tất cả mọi người. Những người có bệnh như tiểu đường hoặc những người đang điều trị bệnh huyết áp hoặc bệnh tim nên tránh áp dụng chế độ nhịn ăn luân phiên mà không tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ, vì nó có thể làm cho mức đường huyết của họ xuống thấp một cách nguy hiểm hoặc làm tăng nguy cơ bất thường về chất điện giải.

Nhầm tưởng: Một chế độ ăn rất ít chất béo là cách tốt nhất để giảm cân

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, chất béo giúp cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh, vì nó giúp xây dựng màng tế bào và hormone, đồng thời hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong chất béo A, D, E và K. Nhiều chế độ ăn rất ít chất béo chỉ đơn giản là thay thế calo chất béo với carbohydrate và đường đã qua xử lý, không cải thiện được chất lượng chế độ ăn uống tổng thể. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, chỉ giảm được tối thiểu trọng lượng sau năm đầu tiên từ chế độ ăn rất ít chất béo, đây là một chiến lược giảm cân lâu dài không hiệu quả.

Học cách phân biệt giữa thông tin đúng và những nhầm tưởng về dinh dưỡng

Với sự phổ biến của các nhầm tưởng về dinh dưỡng trên mạng xã hội và internet ngày nay, điều quan trọng là có thể phân biệt giữa thông tin đúng và những hiểu lầm về dinh dưỡng. Đây là ba câu hỏi bạn nên quan tâm hỏi để giúp bạn tìm ra đâu là sự thật:

1. Kết quả quá dễ dàng có thật hay không?

Thông thường điều gì đó nghe có vẻ quá dễ dàng thì sẽ khó là sự thật. Hãy cảnh giác với những chế độ ăn kiêng hứa hẹn “khắc phục nhanh chóng”. Dinh dưỡng cân bằng, hợp lý là cách để giảm cân lành mạnh.

2. Thông tin có được dựa trên nền tảng khoa học không?

Đối với các tuyên bố về dinh dưỡng, điều quan trọng là phải xác minh xem thông tin đó có dựa trên nền tảng khoa học hay không. Khi nghi ngờ, hãy tham khảo với các nguồn đáng tin cậy khác như các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc các công ty dinh dưỡng.

3. Thông tin có bất thường không?

Khi bạn đọc một bài báo về dinh dưỡng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp hoặc thổi phồng sự thật, hãy chuyển sang các nguồn thông tin thay thế đáng tin cậy. Thường thì kỷ luật và tính nhất quán trong việc thực hành thói quen dinh dưỡng tốt là chìa khóa để cải thiện sức khỏe.

Kiến thức dinh dưỡng chính xác và bổ ích là chìa khóa để có thể kiểm soát cân nặng lành mạnh. Do đó, hãy cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin dinh dưỡng trực tuyến. Chúng ta phải đảm bảo sự an toàn và tránh những hối tiếc khi nói đến việc bảo vệ sức khỏe của mình.

Susan Bowerman

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/977537/5-nham-tuong-thuong-gap-trong-kiem-soat-can-nang-va-dinh-duong