5 nhân chứng quan trọng khiến Tổng thống Trump 'lao đao'

Quá trình điều trần luận tội Tổng thống Trump đã tiến hành được một nửa và dường như đảng Dâng chủ đang nắm phần thắng cao hơn khi chứng minh được lập luận của mình.

Trung tá Alexander Vindman

Trung tá Alexander Vindman. (Nguồn: Reuters)

Trung tá Alexander Vindman là chuyên gia hàng đầu về Ukraine trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông là người đã trực tiếp nghe cuộc gọi điện đàm giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và mô tả tại phiên điều trần là “không phù hợp” vì cuộc điện đàm không hề thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách đối ngoại mà ông Trump đã đưa ra mà thay vào đó lại yêu cầu ông Zelensky thực hiện cuộc điều tra có lợi cho mình về mặt chính trị nhằm vào đối thủ đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Cựu quan chức quân đội cũng tiết lộ về nỗ lực sau đó của Nhà Trắng nhằm che đậy các chi tiết của cuộc gọi. Trung tá Alexander Vindman cho biết, ông đã thông báo cho luật sư hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia John Eisenberg về những điều mình nghe được ngay sau đó nhưng vị luật sư này đã căn dặn Vindman không được hé lộ với bất kỳ ai khác.

Sau khi Nhà Trắng đưa ra một báo cáo sơ bộ về cuộc gọi, Vindman phát hiện báo cáo đã bỏ sót từ và một số đoạn quan trọng. Cụ thể, báo cáo đã không nhắc đến một trong những đề cập của ông Trump về cựu Phó Tổng thống Joe Biden và yêu cầu của ông Zelensky về Công ty khí đốt Burisma Holdings. Tại phiên điều trần, Alexander Vindman cho biết, ông đã cố gắng sửa bản báo cáo ban đầu để đưa vào những cụm từ đó nhưng không thực hiện được.

Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor

Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor. (Nguồn: Reuters)

Tại phiên điều trần công khai được Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ tiến hành, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor đã ra làm chứng về chuyện “Quid pro quo” (tạm dịch: có đi, có lại) – ám chỉ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi hỏi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải tiến hành điều tra về cha con ông Joe Biden để đổi lấy 391 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ.

Ông Bill Taylor tiết lộ, một trong những phụ tá của mình đã tình cờ nghe được cuộc điện thoại giữa Tổng thống Trump và Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland vào ngày 26/7 – một ngày sau cuộc điện đàm Trump-Zelensky. Khi đó, ông Trump đã hỏi ông Sondland về diễn tiến của “các cuộc điều tra”. Ông Sondland, theo Taylor kể lại, đã trả lời Tổng thống Trump rằng phía Ukraine đã “sẵn sàng tiến về phía trước”.

Sau cuộc điện thoại, người phụ tá này đã hỏi ông Sondland rằng Trump nghĩ gì về Ukraine và ông Sondland cho biết: “Ông Trump quan tâm nhiều hơn đến các cuộc điều tra của Biden”.

Phần tiết lộ của Đại sứ Mỹ tại Ukraine đã tạo bước ngoặt cho cuộc điều tra khi chỉ mới tuần trước khi được hỏi về mối quan hệ của mình với Đại sứ Sondland, ông Trump đã nói: “Tôi hầu như không biết ông ấy”.

Tuy nhiên, nếu Tổng thống thực sự nhận được các cuộc gọi trực tiếp từ vị đại sứ này sau các cuộc họp với Ukraine, thì lời khẳng định “tôi không biết” là không đáng tin. Bên cạnh đó, điều này cho thấy sự can thiệp từ cá nhân ông Trump vào việc gây áp lực đối với Ukraine.

Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland

Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland. (Nguồn: Reuters)

Trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, một nhân vật quan trọng ra điều trần hôm 20/11 là Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland, người từng trực tiếp liên hệ với ông Trump sau cuộc điện đàm.

Từng là một ông trùm chuỗi khách sạn giàu có, ông Gordon Sondland được phong hàm Đại sứ sau khi tài trợ khoảng 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của Tổng thống Trump.

Tại phiên điều trần, Đại sứ Sondland đã có những lời khai “gây sốc” khi thừa nhận, ông đã làm theo các chỉ đạo của Tổng thống Trump để gây áp lực cho Ukraine điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người dự kiến là đối thủ của ông Trump trong cuộc đua tái cử năm 2020.

Ông Sondland nhấn mạnh, mặc dù là Đ!ại sứ Mỹ tại EU và Ukraine không phải thành viên của Liên minh châu Âu nhưng công việc của ông bao gồm cả giải quyết các vấn đề về Ukraine cùng với các đồng nghiệp khác. Ông Sondland tiết lộ đã nhận các chỉ đạo về Ukraine từ Rudy Giuliani, luật sư riêng của lãnh đạo Nhà Trắng.

Nhà ngoại giao của Mỹ tại EU sau đó xác nhận chuyện “có đi, có lại” khi Tổng thống Trump tìm kiếm một cuộc điều tra như điều kiện cho chuyến công du Nhà Trắng của người đồng cấp Ukraine Zelensky.

Tuy nhiên, ông Sondland tuyên bố chưa bao giờ trực tiếp nghe thấy Tổng thống nói viện trợ quân sự sẽ được cấp phát cho Ukraine để đổi lấy cuộc điều tra như vậy của Kiev.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Laura Cooper

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Laura Cooper. (Nguồn: AP)

Lời khai của bà Laura Cooper - Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng gây chấn động dư luận tuần này khi phủ nhận việc từng thảo luận với Tổng thống Trump về việc sử dụng khoản viện trợ an ninh để gây sức ép buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông trong cuộc bầu cử vào năm sau.

Bà Cooper kể lại, ngày 25/7, nhân viên của mình đã nhận được email hỏi về khoản viện trợ quân sự của của Mỹ dành cho Ukraine từ phía Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ và Đại sứ quán Ukraine.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định chưa từng thảo luận với Tổng thống Trump về việc trì hoãn khoản viện trợ an ninh trị giá gần 400 triệu USD đối với Ukraine cũng như chưa từng trực tiếp nghe ông Trump đề cập vấn đề này. Bà cũng cho hay chỉ biết đến kế hoạch Mỹ hoãn viện trợ từ giới chức Ukraine.

Lời khai của bà Cooper như một cú đánh mạnh vào chính quyền Trump khi trước đó ông Trump cho biết ông Zelensky không “cảm thấy bị áp lực” vì cuộc điện đàm và không hề có sự “có đi, có lại” giữa hai bên và Tổng thống Ukraine thậm chí không biết khoản viện trợ an ninh đã bị trì hoãn.

Việc Washington trì hoãn viện trợ quân sự mà không chính thức thông báo lý do trong lúc các trợ lý của ông Trump thúc giục giới chức Ukraine tiến hành các cuộc điều tra theo yêu cầu của Tổng thống Trump rõ ràng là hành vi gây sức ép. Hơn thế nữa, viện trợ quân sự chỉ bắt đầu được chuyển cho Ukraine vào ngày 11/9, khi Hạ viện đang rục rịch tiến hành cuộc điều tra luận tội Tổng thống theo đơn tố cáo.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch. (Nguồn: AP)

Bà Marie Yovanovitch là Đại sứ của Mỹ tại Ukraine cho đến khi bị chính quyền Trump sa thải vào tháng 5 vừa qua. Giới quan sát đặt câu hỏi: Liệu ông Trump có cố ý đẩy người phụ nữ 61 tuổi và 33 năm kinh nghiệm ngoại giao này ra khỏi cương vị Đại sứ ở Ukraine để tiện bề thực hiện một kế hoạch móc nối nào đó với chính quyền Ukraine hay không?

Tại phiên điều trần, bà cho biết mình đã bị bôi nhọ danh tiếng vô căn cứ vì đã từ chối giúp luật sư Rudy Giuliani gây áp lực cho Ukraine nhằm tạo điều kiện cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.

Bà Yovanovitch cho thay, bà đã thực sự “sốc” và “bị tổn thương sâu sắc” bởi những gì Tổng thống Trump nói về mình trong cuộc điện đàm với ông Zelensky. Trong cuộc điện đàm, Trump đã gọi bà cựu Đại sứ là “rắc rối”.

Khi bà Yovanovitch ra làm chứng, ông Trump cũng công khai công kích bà trên Twitter: “Marie Yovanovitch đi đến đâu, mọi thứ trở nên tồi tệ đến đó”.

(theo Business Insider)

Hoàng Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/5-nhan-chung-quan-trong-khien-tong-thong-trump-lao-dao-105031.html