5 phương án cho BOT Cai Lậy: Chưa đụng vào mấu chốt?

Cả 5 phương án Bộ GTVT đưa ra đều chưa có tính khả thi nếu triển khai, chưa đụng được vào đúng điểm mấu chốt cần xử lý của dự án.

Giữ nguyên vị trí trạm thì dân còn phản đối

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ về phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT quốc lộ 1. Với BOT Cai Lậy (Tiền Giang) Bộ GTVT đưa ra 5 phương án cụ thể với ưu, khuyết điểm.

Trao đổi với Đất Việt về 5 phương án trên, TS Phạm Sanh cho rằng, cả 5 phương án này vẫn còn chung chung, có phương án này đạt được điểm này thì thiếu minh bạch ở điểm khác.

Chính vì thế, nếu có áp dụng hay triển khai một trong 5 phương án đều sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đầu tiên, phương án 1 được Bộ GTVT thiên về đó là đề nghị giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm, tức khoảng 30% so với ban đầu, không thu phí một số địa bàn lân cận.

Dân phản đối ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang)

Ông Sanh phân tích: "Phương án trên không có sự khác biệt so với việc giảm giá thu phí trước đây Bộ GTVT đã từng làm, nguyên nhân người dân phản đối là do đặt sai vị trí, chứ không phải là mức thu phí cao. Chính vì thế, nên dù có giảm giá thu phí và miễn giảm một số thành phần nhưng người dân vẫn phản đối.

Cho nên, nếu thực hiện theo phương án 1 tôi nghĩ cũng khó có thể thành công, vì vấn đề giá thu phí rất vô cùng, nhất là khi Bộ GTVT vẫn chưa nói rõ quyết toán công trình này bao nhiêu tiền, nên không biết cụ thể mức tiền cần thu về bao nhiêu, để biết mức thu phí có thấp thật hay không?".

Phương án 2 là lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Lúc đó trạm trên QL1 sẽ thu giá 15.000 đồng/lượt, trạm trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện nhóm 1.

Vị chuyên gia trên cho rằng đây là phương án không thể thực hiện, nếu mà lập thành 2 trạm thu phí BOT thì càng sai phạm hơn, dân đang thắc mắc vì sao chỉ sửa chữa đường vài trăm tỷ đồng không dùng phí bảo trì đường bộ mà lại đi thu phí BOT. Hơn nữa trong một phạm vi rất ngắn lại thu 2 trạm thì dân càng hiểu sai thêm là tận thu.

Đặc biệt, với trạm thu phí hiện tại đã bị phản đối, huống chí lập thêm một trạm BOT khác, người dân vốn dĩ phải được lựa chọn quyền đi đường có thu phí tốt hơn, nhanh hơn hoặc đi đường bình thường mà không mất phí.

Đây là phương án rất khó khả thi và không nên áp dụng.

Với phương án 2 có thể làm được với 2 điều kiện: Một là, nếu đặt trên Quốc lộ 1 thì chỉ thu đủ 300 tỷ đồng tiền sữa chữa rồi dừng lại; Hai là, Bộ GTVT phải trả lời tại sao một năm thu được 12000 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì đường bộ mà không bỏ ra được 300 tỷ đồng để sửa chữa.

"Còn phương án 3, giữ nguyên vị trí trạm mức giá 25.000 đồng/lượt phương tiện nhóm 1, thu giá hoàn vốn khoảng 7 năm 7 tháng, không khác gì phương án 1, nên tôi thấy không có gì phải bàn luận. Bởi vì nếu giữ nguyên mức giá không giảm thì người dân sẽ không chấp nhận, bản chất trạm thu phí vẫn ở đó, điểm mấu chốt không xử lý được.

Phương án này chỉ khác phương án 1 là không giảm phí với phương tiện nhóm 1, nhưng bản chất không khác nhau", ông Sanh phân tích thêm.

Dù phương án nào cũng cần con số quyết toán cụ thể

Bàn về phương án 4, là đặt trạm thu giá trên tuyến tránh, vị chuyên gia trên cho rằng, có thể động vào được điểm nóng là di dời về đúng vị trí, nhưng lại chưa rõ phương án mức thu phí ra sao.

Phương án 5 là đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng tương tự như hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (hợp đồng BLT), xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy hiện nay, không thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và dùng vốn Nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hợp đồng BOT đã ký.

Ông Sanh cho rằng, BLT là dạng không thu phí, nhà nước đứng ra trả toàn bộ, nhưng phải nói rõ, nhà nước có đứng ra thu phí hay không. Đây là phương án đổi lợi tức cho nhà đầu tư, nhưng phải xác định tổng mức đầu tư, nếu không sẽ dẫn tới tư lợi nếu không rõ ràng.

Phương án này Bộ đưa ra như vậy nhưng rất ít khi dùng, chỉ dùng cho các công trình sản xuất, còn thực tế nó là BOT không có trạm thu phí, nhà nước trả tiền hàng năm.

"Dù là phương án nào thì cũng phải xem lại tổng mức đầu tư con số cụ thể là bao nhiêu, phải làm rõ, có phải chính xác hơn 1000 tỷ đồng hay sao, phải có đơn vị kiểm toán độc lập, thanh tra vào cuộc.

5 phương án Bộ GTVT đưa ra cũng nhiều nhưng bản thân tôi không thấy khả thi, tôi nghĩ nên đưa trạm BOT về đúng vị trí, còn tiền quỹ bảo trì đường bộ bỏ ra vài trăm tỷ đồng trả cho chủ đầu tư là xong", ông Sanh nhấn mạnh.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/5-phuong-an-cho-bot-cai-lay-chua-dung-vao-mau-chot-3356356/