5 quan điểm về 'chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới' của UNFPA tại Việt Nam

Trong Chương trình quốc gia lần thứ 9 từ nay đến 2021, những vấn đề liên quan đến vị thành niên và thanh niên; bình đẳng giới trao quyền cho phụ nữ - trẻ em gái; mối liên hệ giữa dân số trong phát triển bền vững, sức khỏe tình dục, sinh sản, quyền sinh sản, HIV… được cho là định hướng và ưu tiên hàng đầu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Theo TS Dương Văn Đạt từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Việt Nam: "Trong giai đoạn tới, UNFPA Việt Nam có các hoạt động ưu tiên cho vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên ở độ tuổi rất trẻ, trong các chính sách và chương trình phát triển quốc gia, đặc biệt là tăng sự sẵn có của các chương trình giáo dục sức khỏe tính dục toàn diện và các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục…

Dự tính đầu ra của hoạt động này sẽ là “cải thiện môi trường chính sách quốc gia để thực hiện sự tham gia và vận động luật pháp, chính sách, chương trình quốc gia dựa trên bằng chứng và dựa trên quyền về phát triển vị thành niên và thanh niên; Xây dựng được cơ sở dữ liệu thanh niên/chỉ số phát triển thành niên; báo cáo về thanh niên; giám sát chiến lược phát triển thanh niên quốc gia giai đoạn 2011-2020/Phát triển Chiến lược 2021-2030; Giáo dục tính dục toàn diện không chỉ tại các trường phổ thông mà còn mở rộng tới các trường dạy nghề; Hỗ trợ các chương trình hành động quốc gia cung cấp các dịch vụ SKSS/SKTD thân thiện với thanh niên: Rà soát chương trình hiện tại và xây dựng chương trình mới; Vận động, giám sát và đánh giá Luật thanh niên; Có những tiếng nói, sự tham gia liên quan đến sáng kiến thanh niên/sáng kiến nghị viện Thanh niên/Mạng lưới toàn cầu thanh thiếu niên…

Liên hợp quốc trong hoạt động phối hợp tổ chức tọa đàm Thanh niên về Dự thảo sửa đổi Luật Thanh niên 2018 (Ảnh: UNFPA)

Tạo lập không gian an toàn và thân thiện cho thanh niên...

..."đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau"

* Trong thúc đẩy “bình đẳng giới”, UNFPA sẽ hỗ trợ các hoạt động trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, các quyền sinh sản, gồm cả phụ nữ, vị thành niên và thanh niên dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất được đẩy mạnh thông qua tăng cường môi trường chính sách để phòng/chống bạo lực trên cơ sở giới, các thực hành có hại và cung cấp dịch vụ liên ngành thông qua đẩy mạnh quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ.

Xây dựng các chỉ số về bạo lực trên cơ sở giới và lồng ghép các chỉ số này vào hệ thống chỉ số thống kê quốc gia; Đưa ra các bằng chứng về các yếu tố liên quan tới bạo lực giới/dịch vụ/thực hành tích cực; Vận động chính sách liên quan đến luật Phòng chống bạo lực gia đình, luật Bình đẳng giới và luật Phòng chống mại dâm; Thực thi chính sách bằng gói can thiệp tối thiểu ban đầu về bạo lực gia đình; chuẩn hóa các dịch vụ; đáp ứng của ngành y tế; nhân quyền, truyền thông, quan hệ đối tác…;

Đưa ra các bằng chứng bằng việc nghiên cứu, những kinh nghiệm thành công, đánh giá chính sách liên quan đến mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh và tảo hôn; Vận động đưa chính sách liên quan đến mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh và tảo hôn vào Luật và các chính sách liên quan; Về thực thi chính sách, đưa ra hướng dẫn quốc gia giải quyết nạn tảo hôn, chương trình làm cha và làm mẹ, đối tác với chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, giới truyền thông, các đối tác phát triển…

Tiến sĩ Dương Văn Đạt (đứng) chia sẻ thông tin tại lễ khởi động dự án "Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực và các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của các tổ chức xã hội” do UNFPA tài trợ (9/2018)

* Về “động thái dân số”, UNFPA tại Việt Nam hướng các ưu tiên liên quan đến chính sách quốc gia và chương trình nghị sự phát triển quốc tế thông qua lồng ghép các phân tích dựa trên bằng chứng về động thái dân số và mối liên hệ với phát triển bền vững, sức khỏe tình dục và sinh sản, quyền sinh sản, HIV và bình đẳng giới…;

Tăng cường cung cấp các bằng chứng về bất bình đẳng trong vận động chính sách về dân số và phát triển, biến đổi khí hậu, SKSS/SKTD, quyền sinh sản (hỗ trợ tổng điều tra dân số, xây dựng các chỉ số mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức tập huấn cho các bộ, ngành về chỉ số các mục tiêu phát triển bền vững, thí điểm sử dụng hệ thống dữ liệu hành chính của ngành y tế…);

Hội thảo phổ biến báo cáo rà soát giáo dục SKSS và tình dục trong trường trung học ở Việt Nam (9/2018)

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trong Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm 2018. Ảnh: UNFPA

Hỗ trợ cải thiện môi trường chính sách để lồng ghép dữ liệu về động thái dân số, y tế và xã hội vào các chính sách và chương trình thúc đẩy quyền con người; Hỗ trợ giảm/chấm dứt bất bình đẳng về SKSS/SKTD, sức khỏe bà mẹ dân tộc thiểu số; chương trình kế hoạch hóa gia đình cho người di cư; sức khỏe sinh sản trong thảm họa; Đưa ra những vận động, thực thi chính sách liên quan đến hướng dẫn quốc gia về tư vấn, chương trình hành động quốc gia và địa phương về ung thư cổ tử cung; Tuyên truyền, xây dựng luật, vận động, đánh giá luật Dân số; Lồng ghép già hóa dân số vào các chính sách, chiến lược, chương trình liên quan đến già hóa dân số…".

Đề cập đến vấn đề chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đưa ra 5 quan điểm cụ thể:

Thứ nhất, trong thời gian tới, chúng ta cần thu thập thêm bằng chứng từ cộng đồng với sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) và các nhóm cộng đồng. Những bằng chứng này sẽ góp phần vào việc xây dựng chính sách cũng như hỗ trợ thiết kế và thực hiện các can thiệp của dự án để ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới và các hành vi có hại một cách hiệu quả và bền vững;

Thứ hai, cần phải tạo ra những thay đổi tích cực về thái độ và hành vi trong xã hội và cộng đồng về các chuẩn mực và định kiến xã hội liên quan đến giới và bạo lực giới. Ngày càng có nhiều nạn nhân của bạo lực giới mong muốn được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, và cần phải đảm bảo rằng những nhu cầu này của họ sẽ được đáp ứng với sự tham gia của các tổ chức XHDS, khu vực tư nhân và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương;

Thứ ba, cần tăng cường vai trò của các tổ chức XHDS trong việc hợp tác với hệ thống dịch vụ công trong quá trình phát triển và cải thiện chất lượng các dịch vụ đa ngành để ứng phó với bạo lực giới và các hành vi có hại;

Thứ tư, cần xây dựng và nâng cao năng lực truyền thông và vận động xã hội cho các tổ chức dựa vào cộng đồng về bạo lực giới và về việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội và y tế;

Thứ năm, xây dựng các mô hình có sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong tăng cường sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/5-quan-diem-ve-cham-dut-bao-luc-tren-co-so-gioi-cua-unfpa-tai-viet-nam-post48899.html