5 quy tắc dạy con viết chữ đẹp cha mẹ nhất định phải biết

Khi trẻ bước vào lớp 1 và bắt đầu học viết, bố mẹ hãy dành chút thời gian mỗi ngày để uốn nắn nét chữ cho trẻ.

Tạp chí Trẻ em Việt Nam phát động cuộc thi "Chữ đẹp tuổi thơ" lần thứ nhất năm 2023.

Xem thêm

Hiện nay, việc rèn luyện viết chữ đẹp chữ gắn liền với bậc tiểu học, thời kỳ này, các em nhỏ vừa học chữ vừa rèn chữ. Cha mẹ cần hiểu được các quy tắc chuẩn dạy con viết chữ đẹp ngay từ ban đầu, sẽ giúp tạo nền tảng tốt cho bé khi học chữ. Điều này cũng mang đến nhiều lợi ích cho quá trình học chữ trong tương lai.

Dạy bé cách cầm bút chuẩn. Ảnh: IT

Quy tắc 1: Cầm bút bằng 3 ngón

Dạy bé cầm bút đúng từ nhỏ rất quan trọng. Cầm bút đúng sẽ luyện cho bé viết chữ đẹp ngay từ đầu, biết được như thế nào là chuẩn.

Điều đầu tiên trong các quy tắc chuẩn dạy con viết chữ đẹp chính là phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ cầm bút đúng cách với những lưu ý sau:

- Dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa để cầm bút. Ngón cái và ngón trỏ giữ hai bên thân bút, ngón giữa đặt dưới để đỡ và điều khiển bút.

- Nghiêng bút về phía vai phải khoảng 60 độ, khoảng 30 - 45 độ so với mặt bàn, không cầm bút dựng đứng 90 độ so với mặt vở.

- Đặt lòng bàn tay và cánh tay trên một đường thẳng.

- Khoảng cách từ đầu ngón tay đến ngòi bút là 2.5cm.

Trong trường hợp thấy con cầm bút sai, bố mẹ hãy sửa chữa kịp thời, kiên nhẫn chỉ bảo bé cách cầm bút đúng.

Bố mẹ đừng trách mắng hay dọa đánh nếu bé chậm hiểu vì sẽ gây áp lực, sợ hãi khi bé cầm bút. Tạo thói quen cầm bút đúng khi bắt đầu học viết chữ sẽ giúp bé viết chữ rõ ràng, đạt chuẩn.

Tư thế ngồi viết đúng sẽ giúp ích cho sự phát triển bình thường của cột sống và bảo vệ mắt của trẻ. Ảnh: IT

Quy tắc 2: Tư thế ngồi viết đúng cách

Tư thế ngồi viết đúng sẽ giúp ích cho sự phát triển bình thường của cột sống và bảo vệ mắt của trẻ. Để có tư thế ngồi viết đúng, bé cần:

- Ngồi thẳng lưng.

- Ngực đặt ngang tầm bàn, không tì ngực vào bàn.

- Hai chân dang rộng bằng vai, đặt vuông góc với sàn, dồn trọng lượng cơ thể xuống hông và đùi.

- Mở rộng vòng tay thoải mái, đặt cổ tay và cánh tay lên bàn sao cho không bị vướng bởi bất cứ vật gì.

- Cố gắng không di chuyển cả cánh tay khi viết.

Quy tắc 3: Học từ nét cơ bản

Nắm vững nền tảng khi học viết chữ rất quan trọng. Bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ viết thành thạo các nét cơ bản như nét thẳng, nét móc, nét xiên, nét cong… rồi mới cho con ghép các nét lại thành chữ cái hoàn chỉnh. Việc luyện chữ theo nhóm sẽ giúp trẻ tiến bộ nhanh hơn. Các nhóm chữ bao gồm:

Nhóm chữ thường:

Nhóm 1: Nhóm có nét cong: o, ô, ơ, a, ă, â, d, đ, q.

Nhóm 2: Nhóm có nét khuyết trên và khuyết dưới: h k, l, b, g, y.

Nhóm 3: Nhóm có nét sổ và nét móc: i, t, u, ư, p, n, m.

Nhóm 4: Nhóm có nét cong khó, nét móc và nét vòng xoắn: r, s, v, c, e, ê, x.

Nhóm chữ hoa:

Nhóm 1: A, Ă, Â, N, M.

Nhóm 2: P, R, B, D, Đ.

Nhóm 3: C, G, S, L, E, Ê, T.

Nhóm 4: J, K, V, H.

Nhóm 5: O, Ô, Ơ, Q.

Nhóm 6: U, Ư, Y, X.

Nhiều phụ huynh thường lo lắng vì trẻ đã đi học chữ mấy ngày rồi mà mới chỉ viết được một số nét cơ bản, không thể viết thành chữ hoàn chỉnh. Bố mẹ đừng nên sốt ruột vì đây là giai đoạn ban đầu để bé làm quen với nền tảng này. Sau khi đã thành thạo, trẻ sẽ viết chữ dễ dàng, nhanh chóng và hiếm khi bị xấu.

Quy tắc 4: Luyện tập hàng ngày

Bố mẹ cần tạo cho bé thói quen luyện chữ bằng cách lặp đi lặp lại mỗi ngày để trẻ không bị quên. Vì thế, việc luyện viết chữ đúng - đủ - đều là vô cùng quan trọng để rèn chữ đẹp. Bạn nên xây dựng thời khóa biểu trong tuần, quy định thời gian bé cần luyện chữ trong ngày. Vào thời gian đầu, phụ huynh hãy đầu tư thời gian cùng con thực hành viết chữ. Mỗi ngày, bé có thể chỉ cần luyện viết 30 phút là đủ.

Quy tắc 5: Giữ tinh thần thoải mái

Một tinh thần thoải mái, không bị áp lực là tiền đề để bé viết chữ đẹp. Ở giai đoạn tiểu học, não bộ của trẻ chỉ mới phát triển đủ cho những hoạt động yêu cầu sự tập trung ngắn hạn. Do vậy, bé sẽ dễ bị xao nhãng nếu bị ép ngồi vào bàn viết chữ trong thời gian dài. Phụ huynh không nên ép buộc gò bó mà hãy để trẻ làm quen trong thời gian ngắn, sau đó tăng lên từ từ.

Ngoài ra, hãy kết hợp luyện viết và các phương thức học khác như đọc truyện, chơi trò chơi với các từ, câu tiếng Việt.

Tâm An (t/h)

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/5-quy-tac-day-con-viet-chu-dep-cha-me-nhat-dinh-phai-biet-d2751.html