5 quy tắc ứng xử khi cần sự giúp đỡ

Nếu bạn muốn người khác đáp ứng yêu cầu của mình thì bạn phải nắm rõ các quy tắc ứng xử cơ bản này.

Hoạt động độc lập là phẩm chất tốt của những người thành công nhưng không phải lúc nào bạn cũng đơn độc “chiến đấu”. Đôi khi bạn phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Kêu gọi tài trợ từ các nhà đầu tư, kêu gọi bỏ phiếu cho cuộc tranh cử sắp tới, kêu gọi mọi người tham gia một cuộc khảo sát nhỏ... dù bạn muốn bất cứ điều gì mà bạn không thể làm một mình thì đừng ngại nhờ vả người khác.

Nhờ cái gì không quan trọng mà nhờ thế nào mới quan trọng. Nắm vững 5 quy tắc ứng xử này thì bạn có thể “bách chiến bách thắng”.

1. Thông điệp rõ ràng

Bạn phải trình bày thông điệp một cách rõ ràng. Hãy cho đối phương biết được bạn là ai, bạn muốn gì và vì sao bạn lại cần họ. Tùy vào tình huống và tùy vào đối tượng mà có chiến thuật hợp lý.

Trong trường hợp đối tượng bạn hướng đến là bạn bè và gia đình thì bạn không cần phải vồn vã quá. Nhưng khi bạn bắt đầu một công việc kinh doanh và cần trợ giúp tài chính, những nhà đầu tư tiềm năng sẽ muốn hiểu rõ hơn về bạn. đó là lúc bạn không thể xử sự tự nhiên như khi ở nhà hay bên cạnh bạn bè được.

2. Tìm cách khẳng định bản thân

Mọi điêu trong cuộc sống đều là cho và nhận. Nếu bạn yêu cầu ai đó “cho” bạn thì bạn phải chứng minh bạn có thể “cho” họ một thứ tương đương.

Bạn khao khát làm việc cho một công ty danh tiếng, bạn đi xin việc là điều rất bình thường. Từ lúc bạn nộp đơn xin việc cho đến lúc bạn được phỏng vấn, bạn phải để người ta biết: Bạn được thuê không phải chỉ để ngồi không và hưởng lương, bạn được thuê để bổ sung những gì công ty thiếu. Thỉnh thoảng bạn sẽ bị từ chối nhưng hãy đến với những ai biết trân trọng bạn và khiến những người từ chối bạn hối hận.

3. Hiểu rõ đối tượng

Khi bạn yêu cầu người khác giúp đỡ, đặc biệt là qua các phương tiện trung gian nhưn email thì bạn phải xem xét kĩ tin nhắn xem có phù hợp với những quan điểm và tiêu chuẩn của đối phương hay không. Bạn phải tìm hiểu thật kĩ người mà bạn sẽ tiếp chuyện. Một số người rất khắt khe, thậm chí trong từng chi tiết nhỏ nhất.

Ví dụ, bạn cần một cuộc hẹn với nhà tuyển dụng nhưng bạn lại quên ký tên cuối bài. Họ sẽ cho là bạn thiếu kỹ năng giao tiếp cơ bản và quên luôn cuộc hẹn của bạn.

Nội dung tin nhắn cần thể hiện sự quan tâm đối với người nhận. Nếu họ có cảm giác bạn cũng gửi tin nhắn như vậy với những người khác, họ sẽ không màng tới việc hồi âm đâu.

4. Thành thật

Kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra, không thành thật sớm muộn rồi mọi người cũng sẽ phát giác. Đặc biệt là những người từng trải, họ thừa sức nhận ra sự khác biệt giữa một người thành thực và một người giả dối để qua mặt.

Bên cạnh đó, giấu diếm chỉ mang lại lợi ích tức thời, đến một ngày nó sẽ phản bội bạn bằng cách này hay cách khác. Hơn nữa, bạn không chịu nói ra sự thật thì những người xung quanh cũng chả biết giúp đỡ bạn như thế nào.

5. Một câu thòng

Đây là một kỹ năng giao tiếp tối quan trọng giúp việc nhờ cậy trở nên dễ dàng hơn. Hiểu nôm na đó là lời nhắc khéo để đối phương không lơ là với yêu cầu của bạn. Khi kết thúc lá thư xin việc, hãy nói rằng bạn rất mong nhận được sự hồi âm từ các nhà quản lý, đó là dấu hiệu cho thấy bạn thực sự cần công việc đó.

Chìa khóa để thành công là bạn không được dồn dập. Không thể nói “làm ơn cho tôi...” trừ khi đối phương là bạn thân hay gia đình, nếu không bạn sẽ thất bại ngay. Thay vào đó hãy nói: “Tôi mong mỏi được biết liệu mình có thể đồng hành cùng bạn không”, còn lại cứ để mọi sự xảy ra tự nhiên.

Những quy tắc trên có thể áp dụng trong bất cứ trường hợp nào. Mọi người sợ hỏi vì sợ bị từ chối nhưng những cánh cửa bạn có thể mở ra sẽ khiến bạn bất ngờ đấy.

An Chi (s/t)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/5-quy-tac-ung-xu-khi-can-su-giup-do-520878.html