'5 sẵn sàng' đón dòng vốn lớn

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có tính chất dẫn dắt, kết nối với doanh nghiệp (DN) khác theo hướng bền vững với quan điểm '5 sẵn sàng': Sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả. Bằng chủ trương đúng, 3 năm qua, tỉnh đã thu hút hàng chục dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn kỷ lục.

Tạo quỹ đất công nghiệp

Xác định công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Cùng đó, tỉnh xây dựng và triển khai Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030; quy định các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào KCN Việt Hàn và KCN Yên Lư, tháng 5/2023.

Dựa trên quan điểm “5 sẵn sàng”, tỉnh đã rà soát đưa vào quy hoạch thêm nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) mới, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án hoạt động bền vững; hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN, nhất là ở khâu đào tạo nghề, cung ứng nhân lực, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Từ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết, đề án đề ra.

Thực tế cho thấy, tạo quỹ đất công nghiệp, thu hút đầu tư luôn được coi là khâu quan trọng nhất. Do đó, các huyện có nhiều khu, CCN như: Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cấp huyện, xã tổ chức đối thoại, xuống từng hộ dân để tuyên truyền.

Ngay từ khi có chủ trương tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, các địa phương chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân; áp dụng đúng quy định trong bồi thường khi thu hồi đất. Nhờ đó, ngoài các KCN đang hoạt động, Bắc Giang đang hoàn thiện hạ tầng các KCN như: Yên Lư, Tân Hưng, Việt Hàn, Quang Châu mở rộng, Hòa Phú mở rộng... để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Điều đáng mừng là có đất sạch đến đâu, DN đăng ký đầu tư đến đó. Các KCN dù chưa hoàn thiện hạ tầng đã có DN ký biên bản ghi nhớ với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng vào triển khai dự án trong thời gian tới.

Hỗ trợ kịp thời

Bên cạnh chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt bằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với DN, doanh nhân nhằm động viên tinh thần, lắng nghe, chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng DN trong bối cảnh bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Nhiều nhà máy trong KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa) đã hoàn thiện và đi vào sản xuất.

Trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư, tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết và công bố công khai để DN nắm được, thuận tiện trong việc áp dụng như: Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND ngày 3/8/2021 của UBND tỉnh quy định một số nội dung về đầu tư bên ngoài các KCN; Quyết định số 1659/QĐ-UBND ngày 4/8/2021 của UBND tỉnh công bố danh mục TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ công khai thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Hằng năm, cơ quan đăng ký đầu tư xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC nhằm cắt giảm thời gian, thành phần hồ sơ giải quyết thuộc lĩnh vực đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt. Đại diện Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 2020 trở về trước, thời gian chấp thuận chủ trương đầu tư kéo dài từ 35-45 ngày. Thực hiện cải cách TTHC, từ năm 2021 trở lại đây, thời gian giải quyết các TTHC này còn từ 30-35 ngày. Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 đạt 72,8 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh, TP, tăng 29 bậc so với năm 2021.

Với chủ trương hỗ trợ tất cả các dự án khi gặp khó khăn, tỉnh thành lập các tổ xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư; thành lập Tổ công tác đặc biệt tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của DN, nhà đầu tư về khó khăn, vướng mắc. Qua đó kịp thời hỗ trợ các DN, giúp các nhà đầu tư thực hiện dự án thành công tại Bắc Giang.

Dự án nhà máy sản xuất Hana Micron Vina, KCN Vân Trung (Việt Yên) của Công ty TNHH Hana Micron Vina hiện đã đầu tư 460 triệu USD. Ông Chung Won Seok, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn UBND tỉnh Bắc Giang, Ban Quản lý các KCN tỉnh và Tổ công tác đặc biệt vì đã hỗ trợ DN nhanh chóng hoàn tất nhiều TTHC như: Cấp phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, thủ tục hải quan, giới thiệu tuyển dụng lao động… Do đó, chúng tôi đã rút ngắn thời gian đầu tư mở rộng nhà máy, kịp đi vào sản xuất trong cuối tháng 8 tới”.

Thêm nhiều khu, CCN

Đến nay, toàn tỉnh có 8 KCN được thành lập, trong đó có 6 KCN đã đi vào hoạt động; thành lập 54 CCN. Các dự án thu hút đầu tư trong các khu, CCN đã tạo việc làm cho hơn 204 nghìn lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt hơn 506 nghìn tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với năm 2020)

Nhờ thực hiện tốt phương châm “5 sẵn sàng”, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Chỉ tính trong 7 tháng năm nay, tỉnh thu hút được tổng vốn đầu tư đăng ký 1,55 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cấp chứng nhận đầu tư cho 47 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD.

Nhiều dự án FDI có quy mô khá lớn, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Trong số đó có dự án Nhà máy Fukang Technology; dự án Công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đã mở rộng sản xuất tại Bắc Giang như: JA Solar Investment, Foxconn Singapore Pte.,Ltd, Công ty TNHH Hana Micron Vina, Công ty TNHH Luxshare - ICT,…

Theo Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có 29 KCN và 66 CCN. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh đã thành lập thêm 2 KCN, mở rộng diện tích 2 KCN, tổng diện tích thành lập mới và mở rộng 657,3 ha. Tỉnh đang triển khai lập quy hoạch 22 KCN; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 3 KCN mới, mở rộng 1 KCN và sáp nhập 2 CCN vào KCN.

Đến nay, toàn tỉnh có 8 KCN được thành lập, trong đó có 6 KCN đã đi vào hoạt động; thành lập 54 CCN. Các dự án thu hút đầu tư trong các khu, CCN đã tạo việc làm cho hơn 204 nghìn lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt hơn 506 nghìn tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với năm 2020).

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/410573/5-san-sang-don-dong-von-lon.html