5 thói quen lợi bất cập hại khi đắp mặt nạ

Đắp mặt nạ hàng ngày, trước khi trang điểm hay ngay sau khi rửa mặt... không phải là cách chăm sóc da lý tưởng, ngược lại còn có thể làm hại da.

1. Đắp mặt nạ giấy hàng ngày

Nhiều người cho rằng đắp mặt nạ càng nhiều càng tốt và xem đây như bước có thể thay thế cho cả chu trình chăm sóc da hàng ngày. Tuy nhiên, tần suất đắp mặt nạ lý tưởng là 2-3 lần trong tuần. Bảng thành phần của các loại mặt nạ cũng khá phức tạp, thường chứa nhiều hóa chất bảo quản, khi lạm dụng có thể phá vỡ lớp màng bảo vệ da tự nhiên. Bên cạnh đó, sợi vải cấu tạo thành mặt nạ cũng có thể gây kích ứng da hoặc làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Trường hợp muốn sử dụng mặt nạ giấy hàng ngày, bạn nên ưu tiên loại có thành phần dịu nhẹ, thiên về cấp ẩm, tránh sản phẩm chứa glycolic acid/AHA. Chất này có đặc tính tẩy da chết, làm mòn bề mặt da.

Trường hợp muốn sử dụng mặt nạ giấy hàng ngày, bạn nên ưu tiên loại có thành phần dịu nhẹ, thiên về cấp ẩm, tránh sản phẩm chứa glycolic acid/AHA. Chất này có đặc tính tẩy da chết, làm mòn bề mặt da.

2. Đắp mặt nạ ngay sau khi rửa mặt

Rửa mặt sạch sẽ trước khi đắp mặt nạ là điều bắt buộc. Sau khi kết thúc bước này, hãy dùng khăn sạch thấm bớt nước đọng trên da. Thay vì đắp mặt nạ luôn, bạn nên thoa toner hoặc lotion để cân bằng pH cho da và tạo điều kiện giúp dưỡng chất từ mặt nạ giấy thẩm thấu vào da tốt hơn.

3. Đắp mặt nạ trước khi trang điểm

Đắp mặt nạ trước khi makeup được cho là cách đem lại lớp nền mịn mượt, duy trì đủ độ ẩm cho da. Tuy nhiên, sau khi đắp mặt nạ, da có xu hướng giãn nở hơn, nếu thoa luôn các loại phấn nền, phần phủ... có thể làm tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông, gây mụn. Tốt nhất, sau khi đắp mặt nạ, hãy chờ khoảng 20 phút và nên thoa thêm kem dưỡng ẩm, kem lót... tạo màng chắn bảo vệ da.

4. Không rửa mặt sau khi đắp mặt nạ

Việc nên hay không nên rửa mặt sau khi sử dụng mặt nạ giấy vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu bạn có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng, nổi mụn, hãy rửa lại mặt sau khi đắp mặt nạ để loại bỏ tình trạng nhờn dính trên da. Hoặc thấm toner hay lotion vào bông tẩy trang rồi nhẹ nhàng lau sạch làn da.

Theo các chuyên gia da liễu, thời điểm tốt nhất để đắp mặt nạ là 21h-22h. Đây là thời điểm quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra nhanh, khả năng hấp thụ dưỡng chất mạnh mẽ, giúp tăng tốc độ phục hồi và tái tạo da.

5. Đắp mặt nạ càng lâu càng tốt

Nhiều người lầm tưởng đắp mặt nạ càng lâu sẽ giúp da càng hấp thụ được nhiều dưỡng chất hơn. Thực tế, điều này có thể khiến mặt nạ giấy hút ngược lại độ ẩm của da, làm da khô, mất nước. Đắp mặt nạ 15-20 phút là đủ để lượng tinh chất thẩm thấu vào da. Tuyệt đối không để mặt nạ khô cong mới gỡ ra khỏi mặt.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/5-thoi-quen-loi-bat-cap-hai-khi-dap-mat-na-172220803165044868.htm