5 trò chơi Trung thu tập thể cho bé vui nhộn

Chương trình Trung thu 2018 sẽ thiếu đi sự vui nhộn nếu như không có các trò chơi tập thể cho các bé. Dưới đây là 5 trò chơi Trung thu vui nhộn dành cho bé vào đêm hội trăng rằm bạn đọc có thể tham khảo.

TẾT TRUNG THU TRONG TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VIỆT

Tết Trung thu được xem là một trong những ngày lễ quan trọng trong truyền thống dân tộc Việt Nam. Tết Trung thu được bắt nguồn từ văn minh lúa nước của người Việt.

Đến nay, kho tàng cổ tích dân tộc có rất nhiều sự tích, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian xung quanh nguồn gốc của ngày Tết Trung thu như: Sự tích về chú Cuội lên cung trăng; Sự tích chị Hằng Nga; Sự tích về người mẹ hi sinh đôi mắt của mình để thành ánh trăng soi sáng cho con….

Trung thu luôn gắn liền với hình ảnh Chị Hằng, Chú Cuội. Ảnh I.T

Vì thế, cứ vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch hàng trẻ em trên khắp cả nước lại háo hức với những phần quà đồ chơi, bánh kẹo và được tổ chức vui chơi, phá cỗ Tết Trung thu. Và đối với người lớn, đây là dịp để cho ông bà, bố mẹ, anh chị… thể hiện nhiều hơn nữa tình yêu thương đối với con trẻ.

Thông thường, chương trình Tết trung thu cho các em thiếu nhi sẽ được tổ chức kéo dài từ ngày 14 - 15.8 âm lịch. Vào tối ngày 14.8 âm lịch, trẻ em sẽ được tập trung tại nhà văn hóa hoặc sân bãi để cùng nhau đi rước đèn và ngày 15.8 âm lịch sẽ là ngày lễ chính.

5 trò chơi Trung thu tập thể cho bé vui nhộn

1. Trò chơi câu đố

Ở đây, người quản trò (có thể là chị Hằng, chú Cuội, người dẫn chương trình) cùng đưa ra những câu đố vui có thưởng dành cho các bạn nhỏ. Các câu hỏi phải phù hợp với kiến thức độ tuổi các bạn nhỏ, theo mức độ từ dễ đến khó để tất cả các bạn nhỏ đều có thể cùng tham gia trả lời được. Ban tổ chức cũng nên chuẩn bị những phần quà nhỏ, phù hợp dành tặng cho ai có câu trả lời đúng và nhanh nhất.

Chẳng hạn như:

Câu hỏi: Cái gì 5 cánh/ Mà chẳng biết bay/ Em cầm trên tay/ Đêm rằm tỏa sáng.

Cuội: Là gì ta? Gọi các em ở dưới trả lời

Chị Hằng : Trong đêm rằm tỏa sáng trên tay các em đó chính là chiếc đèn ông sao (bật bài chiếc đèn ông sao - các em hát theo nhạc).

2. Điệu nhảy khó quên

Mỗi đội chơi chọn một bài hát, sau đó tự sáng tác điệu múa cho phù hợp và thi với nhau, đội chơi nào có ý tưởng sáng tạo, múa đều và đẹp sẽ là đội thắng. Ban giám khảo đánh giá là 3 bạn nhỏ.

Đối với phần thi này các đội chơi có thể tự chuẩn bị bài hát hoặc Ban tổ chức chuẩn bị sẵn. Các bài hát được ưu tiên là các bài về thiếu nhi, trung thu vui nhộn.

3. Trò chơi đi tàu hỏa

Sắp xếp các bạn nhỏ đứng thành hàng dọc, tùy theo số lượng và khoảng không gian có thể chia thành 1 hay nhiều hàng. Người sau để tay lên vai người trước làm tàu hỏa. Người dẫn đầu vừa chạy vừa hô lệnh "Tàu lên dốc" hoặc "Tàu xuống dốc".

Khi nghe lệnh "Tàu lên dốc" tất cả chạy chậm, bàn chân nhón lên, chạy bằng mũi bàn chân. Khi nghe lệnh "Tàu xuống dốc", tất cả chạy chậm chậm bằng gót chân.

Trong lúc chạy, mọi người cùng hát bài đồng dao:

Đi cầu đi quán

Đi bán lợn con

Đi mua cái xoong

Đem về đun nấu

Mua quả dưa hấu

Về biếu ông bà

Mua một đàn gà

Về cho ăn thóc

Mua lược chải tóc

Mua cặp cài đầu

Đi mau, về mau

Kẻo trời sắp tối.

Hoặc có thể vừa đi vừa hát những bài hát vui nhộn về Tết Trung thu.

Nếu như có được 2 đoàn tàu trở lên thì có thể thi về sự đoàn kết, hiểu ý, đồng đều của các đoàn tàu với nhau. Đoàn tàu nào làm các động tác đều nhất, hát to nhất thì sẽ dành chiến thắng.

4. Gia đình nhà Thỏ

Chia tập thể thành các đội để thi cùng nhau. Các đội đứng thành vòng tròn hoặc xếp thành hàng. Quản trò sẽ hô to

“Tôi cần tôi cần”

Cả tập thể đáp lại

“Cần gì cần gì”

“Tôi cần1 chiếc đèn ông sao”.

Quản trò có thể thay đổi số lượng và đồ vật để phù hợp với chương trình. Đội nào nhanh chóng có được đủ số lượng đồ vật mà quản trò nêu ra đội đó chiến thắng ở hiệp đó. Có thể chơi thành nhiều hiệp rồi tính tổng lại, đội nào đáp ứng được nhiều yêu cầu của quản trò nhất là đội thắng chung cuộc.

5. Chanh – chua – Cua – kẹp

Để chơi được trò Chanh chua – Cua kẹp, cả tập thể cần xếp thành hình tròn. Các thành viên tham dự đưa tay ra, tay phải ngửa, tay trái chụm lại để trên tay phải người kế bên nhưng không đụng.

Quản trò ra giữa vòng tròn hô to “Chanh” cả vòng tròn đáp “Chua”

Sau đó, Quản trò đột nhiên hô “Cua” thì vòng tròn đáp nhanh “Kẹp” và nhanh chóng nắm lại thật nhanh sao cho nắm được bàn tay trái của người bên cạnh và đồng thời cũng thụt tay trái về không để bị kẹp. Người nào chậm bị kẹp là bắt phạt.

Yến Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/5-tro-choi-trung-thu-tap-the-cho-be-vui-nhon-913877.html