5 ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN

Với chủ đề xuyên suốt Năm ASEAN 2020 là: 'Gắn kết và Chủ động thích ứng', Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 dịp Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020.

Ảnh: VGP/Thùy Dung

Ảnh: VGP/Thùy Dung

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chủ trì Họp báo về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Cùng tham gia họp báo còn có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Vật chất - Hậu cần Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa Lê Quang Tùng; Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thường trực Tiểu ban An ninh - Y tế Thiếu tướng Tô Ân Xô.

Sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020.

Năm 2020 có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Với ASEAN là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN đồng thời đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây và phát huy những kinh nghiệm tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017...

Xuất phát từ tình hình thế giới và khu vực, đồng thời căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng.”

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên gồm: Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh...

Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Năm là, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: Cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020 (khoảng 20 đoàn), Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á vào tháng 8/2020, dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (khoảng 30 đoàn), các Hội nghị Bộ trưởng của 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng phụ trách về tội phạm xuyên quốc gia, Kinh tế, Tài chính, Môi trường, Giao thông vận tải... và nhiều Hội nghị cấp Thứ trưởng và cấp làm việc để chuẩn bị nội dung cho các hội nghị trên.

Xác định được yêu cầu và nhiệm vụ trên, Việt Nam khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm với sự thành lập của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12/2018.

Ủy ban Quốc gia gồm: Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; 3 Phó Chủ tịch: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và 25 thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan tham gia hợp tác ASEAN.

Trực thuộc Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 có 5 Tiểu ban (Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Lễ tân, Tiểu ban Vật chất - Hậu cần, Tiểu ban Tuyên truyền-Văn hóa, Tiểu ban An ninh - Y tế) và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.

Công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, lễ tân, vật chất - hậu cần, tuyên truyền - văn hóa, an ninh - y tế đã được khẩn trương triển khai. Đồng thời, Việt Nam đang từng bước tiến hành tham vấn trong ASEAN và với các đối tác về nhiệm kỳ Chủ tịch nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong ASEAN, đưa vào triển khai trong thực tiễn.

Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, bắt đầu với sự kiện đầu tiên - Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 1/2020.

Vai trò kép trong năm 2020

Khi được hỏi về ý nghĩa và thách thức khi Việt Nam sẽ thực hiện vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC), Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Việc Việt Nam đảm nhận hai nhiệm vụ này cùng một lúc là nhiệm vụ nặng nề song đây là cơ hội rất đáng quý.

Việt Nam sẽ là cầu nối của Liên Hợp Quốc với ASEAN để thực hiện triển khai các chương trình, các kế hoạch của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của Liên Hợp Quốc. Với nhiệm vụ kép này, vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam sẽ có trọng lượng hơn và sẽ được nhiều quốc gia quan tâm hơn.

Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ phải phối hợp với các quốc gia, các thành viên của ASEAN cũng như là với các thành viên của Hội đồng Bảo an và các quốc gia khác tại Liên Hợp Quốc để bảo đảm sự cân bằng cũng như quan tâm chính đáng tới lợi ích của các bên phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

Liên quan tới những hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết: Chúng tôi luôn nhận thức việc quảng bá hình ảnh, đất nước con người, giá trị văn hóa, thể dục thể thao và quảng bá du lịch là vấn đề quan trọng của Bộ.

Về văn hóa, nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng các chương trình nghệ thuật bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN, tổ chức hoạt động Liên hoan nghệ thuật ASEAN dự kiến vào tháng 8/2020, Tuần phim ASEAN vào tháng 4/2020, Triển lãm văn hóa, nghệ thuật ASEAN vào 8/2020, Diễn đàn không gian văn hóa du lịch Việt Nam - ASEAN và ASEAN - Việt Nam sẽ được tổ chức cả ở Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN ở Indonesia.

Liên quan tới các hoạt động về du lịch, trong năm 2020, Việt Nam sẽ thực hiện đề án quảng bá xúc tiến hình ảnh con người Việt Nam cũng như hình ảnh, đất nước, con người ASEAN trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 tại Việt Nam.

Liên quan tới các hoạt động thể thao, sẽ tổ chức Giải chạy Marathon ASEAN và các hoạt động thể thao khác có sự tham gia của các nước ASEAN trong năm 2020./.

Thùy Dung

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/viet-nam-asean/5-uu-tien-cua-viet-nam-trong-nhiem-ky-chu-tich-asean/380265.vgp