50 năm trước, chúng tôi bảo vệ Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khóa đào tạo sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) từ năm 1967 đến tháng 8-1969 kết thúc, nhưng chúng tôi được được cấp trên thông báo phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là bảo vệ Lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Tiêu binh danh dự, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luyện tập Điều lệnh đội ngũ. Ảnh: Minh họa

Hàng ngày, toàn Tiểu đoàn 1 của trường gồm 5 đại đội, riêng Đại đội Sĩ quan hậu cần đã ra trường trước gần 1 tháng, còn 4 đại đội với hơn 500 quân vẫn thực hiện nghiêm các chế độ trong ngày, nhưng tất cả các đại đội chỉ tập đội ngũ, đứng nghiêm trong hàng những ngày đầu 1 giờ, sau đó nâng dần lên 1 giờ 30 phút đến 2 giờ, 3 giờ, ở sân bóng đá Trung Sơn Trầm, Sơn Tây. Trời nắng tháng 8, cái nắng cháy bỏng ở Sơn Tây khiến nhiều đồng chí không đứng được lâu. Cán bộ đại đội, trung đội quy định: Trong hàng quân, khi có người ngã gục, người bên cạnh không được di chuyển, vẫn phải đứng nguyên, sẽ có bộ phận quân y đến cấp cứu đưa ra khỏi hàng quân...

Một số anh em chúng tôi bắt đầu bàn tán khả năng làm nhiệm vụ duyệt binh ngày 2-9 không biết có thành hiện thực, vì chờ mãi đến ngày 30-8 vẫn không thấy thông tin gì. Tối 1-9, Thượng úy Hoàng Chư, Chính trị viên Đại đội và Trung úy Nguyễn Văn Cao, Đại đội trưởng từ nhà Ban chỉ huy Đại đội bước vào, nét mặt buồn rười rượi. Nhìn nét mặt của các cán bộ chỉ huy, chúng tôi đoán chắc có việc gì hệ trọng lắm. Thay mặt Đảng ủy Tiểu đoàn 1, đồng chí Chính trị viên Hoàng Chư nói: “Chắc các đồng chí chờ mong để nhận nhiệm vụ tham gia duyệt binh, mừng Quốc khánh 2-9, đây cũng là một nhiệm vụ rất vinh dự cho nhà trường ta và lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Nhưng các đồng chí ơi, Bác Hồ...” Nói đến đây, đồng chí Chính trị viên giọng nghẹn lại, nước mắt trào ra, không nói nên lời... Một lát sau, đồng chí Chính trị viên cố trấn tĩnh lại, rồi nói tiếp: “Theo thông báo của cấp trên, Bác Hồ ốm rất nặng, khó qua khỏi. Nếu Bác Hồ qua đời, đây là một tổn thất lớn lao cho Đảng ta, nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân ta. Theo chỉ thị của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, toàn trường ta có 3 nhiệm vụ: Luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, giữ nghiêm kỷ luật; chọn 500 sĩ quan, học viên khóa IV, một khối của lực lượng Công an nhân dân vũ trang để sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ tang lễ Bác tại Ba Đình, Hà Nội; các học viên sĩ quan khóa IV chuẩn bị tốt cho công tác tổng kết khóa học sau khi làm nhiệm vụ”.

Nghe xong, chúng tôi chẳng ai nói với ai, tất cả đều òa khóc, vừa nhớ Bác, vừa lo sợ ngày Bác phải đi xa...

Sau cuộc họp Đại đội, các Trung đội học viên tập hợp quán triệt tình hình và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Sáng 3-9, chúng tôi được lệnh tập trung đại đội để nghe tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam... Biết chuyện chẳng lành, Bác Hồ của chúng ta đã đi xa... Những ngày đó, thời tiết cũng khác thường, trên đất Sơn Tây lúc nắng, lúc mưa tầm tã, quần áo chúng tôi lúc nào cũng ướt sẫm.

Lúc ấy, chúng tôi mới biết chắc được lệnh sẽ về Hà Nội bảo vệ Lễ tang Bác. Trên thao trường, ai cũng buồn, nhưng ai cũng có một niềm tự hào khi được đi làm nhiệm vụ tiễn đưa Bác đi xa...

Sáng 8-9, từ 5 giờ sáng, chúng tôi được lệnh hành quân. 2 giờ sau đó, cả Tiểu đoàn tập kết theo quy định. Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy những dòng người kéo về Hà Nội, cả những cụ già, em thơ theo đoàn, theo các tổ chức trong và ngoài nước về viếng Bác. Ai cũng khóc nức nở, trời vẫn mưa tầm tã. Cả ngày, chúng tôi chỉ được cấp mỗi người một cái bánh mỳ kẹp thịt và muối vừng, mỗi tiểu đội 2 bình tông nước, có hơn cũng không thể chen vào được. Chúng tôi xếp hàng, dịch từng bước để vào viếng Bác ở Hội trường nhà tang lễ, nhưng vì phải nhường cho các đoàn khách quốc tế vào viếng Bác trước, nên chúng tôi phải chờ từ 8 giờ sáng, ngày 8-9 đến hơn 3 giờ sáng, ngày 9-9 mới được vào nhà tang lễ viếng Bác. Bác nằm đó, vầng trán Bác cao, vẫn đôi dép cao su và bộ quần áo ka ki bạc màu. Được tận mắt nhìn Bác và tiễn đưa Bác, vị Cha già của dân tộc, chúng tôi ai cũng xúc động nghẹn ngào.

Viếng Bác xong, chúng tôi được lệnh di chuyển ra sân Ba Đình xếp hàng, ở giữa sân là khối các đơn vị bộ đội chủ lực, Công an nhân dân vũ trang, Dân quân tự vệ và các đoàn thể nhân dân, các địa phương và bạn bè quốc tế về Hà Nội viếng Bác. Đông lắm.

Khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đọc Di chúc của Bác và sau đó là điếu văn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa... Non sông đất nước ta đã sinh ra Người và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta...”, cả rừng người òa lên khóc. Chúng tôi trong hàng quân cũng khóc theo, nhưng không một ai bị ngã như những ngày tập luyện, cả 500 học viên sĩ quan Công an nhân dân vũ trang chúng tôi vẫn trọn trách nhiệm và vinh dự của mình với Bác kính yêu. Chúng tôi - lớp sĩ quan Biên phòng khóa IV đã nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên các chiến trường, trên các vùng biên cương Tổ quốc...

Đã 50 năm Bác đi xa và 50 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện Di chúc của Bác. Với tôi, tôi không bao giờ quên những ngày tháng lịch sử ấy, 50 năm ấy đất nước ta thực hiện lời Di chúc của Bác, để thế hệ hôm nay đã và đang “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Nguyễn Quang Vinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/50-nam-truoc-chung-toi-bao-ve-le-tang-chu-tich-ho-chi-minh/