50% số bộ, ngành chưa chia sẻ thông tin thống kê

Thời gian vừa qua, ngành Thống kê đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa nhận được sự phối hợp tích cực của nhiều bộ, ngành. Hiện có tới hơn 1/2 số bộ, ngành chưa ký quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê.

Chiều 10/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018 nhằm tổng kết, đánh giá công tác thống kê bộ, ngành giai đoạn 2014 -2018 và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Hội nghị cũng là dịp để thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thống kê bộ, ngành nói riêng cũng như đối với hệ thống thống kê nhà nước nói chung.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị

Vẫn còn nhiều hạn chế trong thống kê bộ, ngành

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thống kê là ngành quan trọng khi nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường để đo lường và đánh giá nền kinh tế. Quốc hội đã ban hành Luật Thống kê, hệ thống pháp luật về thống kê cũng đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược về thống kê đến năm 2030, Đề án tăng cường chất lượng thống kê.

Đặc biệt, trong Luật Thống kê năm 2015 quy định 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó 79 chỉ tiêu phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thu thập, tổng hợp. Tuy nhiên các bộ, ngành mới thu thập và báo cáo được 34 chỉ tiêu, còn 29 chỉ tiêu đã thu thập nhưng chưa báo cáo và còn 16 chỉ tiêu chưa thực hiện.

Trong số 16 chỉ tiêu chưa thực hiện này thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có 3 chỉ tiêu, Nội vụ 1 chỉ tiêu, Tư pháp 2 chỉ tiêu, Tài chính 1 chỉ tiêu, Công Thương 1 chỉ tiêu, Văn hóa Thể thao & du lịch 1 chỉ tiêu, đặc biệt Thanh tra Chính phủ có tới 6 chỉ tiêu” - Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Ngoài ra, đối với việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, phối hợp chia sẻ theo Luật Thống kê năm 2015, mới chỉ 11/23 bộ, ngành ban hành chế độ thống kê như các Bộ: Tài chính, Lao động – Thương binh & Xã hội, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Y tế, Văn hóa Thể thao & Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng...

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Thống kê 2015 nhưng tới nay vẫn còn 2 bộ chưa thành lập cơ quan thống kê là Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ quan tâm phát triển đội ngũ thống kê để giảm phụ thuộc vào Tổng cục Thống kê, nhanh chóng cung cấp thông tin thống kê cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nâng cao chất lượng thông tin thống kê

Công tác thống kê bộ, ngành còn nhiều hạn chế, theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, là do việc xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của một số bộ, ngành còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Thống kê 2015. Nhiều bộ, ngành chưa thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công. Tiến độ thực hiện một số hoạt động trong Chiến lược phát triển Thống kê thuộc lĩnh vực được phân công vẫn chậm so với kế hoạch như: Hoạt động rà soát, cập nhật, xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê; chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thống kê và phần mềm báo cáo thống kê.

Đặc biệt, hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê, nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế, dẫn đến một số bộ, ngành khi tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu được phân công liên quan đến bộ, ngành khác gặp khó khăn về nguồn thông tin. Hiện nay vẫn còn trên 50% số bộ, ngành chưa ký quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê.” – ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm.

Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đưa ra các nội dung trọng tâm của ngành thống kê đến năm 2020. Cụ thể, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng sử dụng thông tin thống kê và bản thân người làm thống kê về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, thực hiện công tác đối ngoại của đất nước. “Bộ nào, ngành nào, địa phương nào quan tâm thì thấy công tác thống kê, hạch toán rõ ràng sẽ khác. Còn chỗ nào cho rằng có cũng được, không có cũng được chắc chắn sẽ khó khăn” - Phó Thủ tướng phát biểu.

Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thống kê và Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý để hoạt động đồng bộ, thông suốt và bảo đảm tính nhất quán.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần tiến hành kiểm kê, đánh giá đầy đủ các nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và tài lực

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, cần triển khai tốt cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nhất là với 3 bộ tổ chức điều tra riêng gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Đồng thời, các bộ, ngành được phân công cần phối hợp chặt chẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê để thực hiện điều tra thống kê GDP, chống thất thu thuế trong khu vực chưa được quan sát; xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp cũng như công bố sách trắng tình hình doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu, hoạt động phổ biến thông tin thống kê cần theo hướng đa dạng hóa. Các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm quy chế phổ biến thông tin thống kê, tránh tình trạng số liệu chỉ để trong ngăn kéo. Hiện, việc công bố thông tin thống kê giống như “rừng số liệu”, trong khi yếu tố phân tích, đánh giá, dự báo, lý giải nguyên nhân rất ít. “Cần mạnh dạn cải tiến cách viết. Viết ngắn gọn mà súc tích, ai đọc cũng có thể hiểu được. Số liệu là thật nhưng phải gia tăng giá trị của số liệu bằng cách phân tích, đánh giá xu hướng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/50-so-bo-nganh-chua-chia-se-thong-tin-thong-ke-113182.html