50 tên lửa để thắng Nga: Nếu đáp trả không hiệu quả?

Xin lại giới thiệu nguyên văn bài thứ hai của Dmitri Verkhoturov.

Chỉ lưu ý là bài viết này dành cho các độc giả Nga có ý kiến phản hồi bài “50 quả tên lửa đủ để chiến thắng nước Nga” đăng trên “Bình luận quân sự” Nga ngày 7/6/2018.

Bài thứ hai này cũng đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 9/6/2018. Tất cả các ảnh và chú thích là của tác giả Verkhoturov.

Bài báo mới đăng “50 quả tên lửa đủ để chiến thắng nước Nga” (trên “Bình luận quân sự”) đã thu hút được không chỉ sự quan tâm của công chúng, mà còn nhận được nhiều ý kiến bình luận không thể bỏ qua (của các độc giả Nga).

50 quả tên lửa đủ để chiến thắng nước Nga

Trong những bình luận này, cũng có những ý kiến nóng nảy thái quá, lặp đi lặp lại luận điểm mà theo đó thì một đòn tấn công vào cơ sở hạ tầng dẫn khí đốt của Nga là điều không thể bởi vì chúng ta (Nga) có “biện pháp trả đũa”.

Dĩ nhiên, ý các độc giả trên khi nhắc tới “biện pháp trả đũa” là muốn nói tới đòn tấn công trả đũa hạt nhân nhằm vào đối phương, vì như theo ý các vị ấy, (đối phương) đã dám đụng đến “điều thiêng liêng” của chúng ta.

Vâng, cái “biện pháp trả đũa” được lặp đi lặp lại trong các ý kiến phản hồi đó sẽ trở thành chủ đề của một bài phân tích riêng.

Hơn nữa, tôi (tác giả Verkhoturov) cho rằng, chính cái quan điểm rất phổ biến ỷ lại vào đòn tấn công hạt nhân trả đũa - không phải là một quan điểm hoàn toàn vô hại, bởi vì niềm tin vào “biện pháp trả đũa” trên thực tế đã trói tay (nguyên văn “phong tỏa”) một loạt các biện pháp phòng thủ quan trọng.

Về những gì liên quan đến chủ đề khí đốt trong bài báo trước, trong bài (chúng tôi) đã có đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao khả năng chống đỡ của hệ thống dẫn khí đốt trước các đòn tấn công tên lửa:

Phân tán các đường ống dẫn khí chính (ít nhất, tại khu vực lãnh thổ gần “chữ thập” Yamala chắc chắn cần phải được xây dựng thêm chí ít cũng từ 3 đến 4 đường tránh vòng qua nó); sử dụng các tổ hợp phòng không để bảo vệ các đầu mối quan trọng; xây dựng hệ thống cấp khí bổ trợ gần địa chỉ khách hàng tiêu thụ.

Chương trình trên có thể được hoàn thành trong vòng 2-3 năm, còn thành quả của nó có thể cho phép (chúng ta) “trụ qua” được đòn tấn công tên lửa vào hệ thống vận chuyển khí đốt nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc cứ để tình trạng như hiện nay.

Nhưng các nhà bình luận đã không thèm để ý đến những ý kiến đó: (họ cho rằng) cần gì phải làm thế vì đã có “biện pháp trả đũa” (như trên đã nói- đòn tấn công trả đũa hạt nhân”).

Đòn tấn công hạt nhân trả đũa được hình dung là một cái gì đó đặc biệt khủng khiếp và là đòn quyết định chí tử, chính vì thế mà chúng ta (Nga) hiểu rằng đối phương cũng biết là chúng ta (Nga) có “biện pháp trả đũa”, nên vì thế họ (đối phương) sẽ vì sợ mà chùn tay. Nói chung, cách nghĩ như vậy chính là căn nguyên phát sinh những tính toán sai lầm dẫn tới những thất bại quân sự lớn.

Nếu như xem xét bản chất vấn đề một cách thật kỹ lưỡng, thì hóa ra là, đòn tấn công hạt nhân trả đũa nói chung không quá khủng khiếp và không trí mạng đến mức như vậy. Nó (đòn tấn công hạt nhân trả đũa) không những không tiêu diệt được đối phương, mà thậm chí còn không thể đánh sập hoàn toàn sức mạnh quân sự- kinh tế của đối phương, và ngoài ra, vì những lý do chính trị, nó còn có thể rất có lợi cho đối phương tiềm năng.

Bởi vì chỉ riêng biểu tượng đức tin (của độc giả) vào “biện pháp trả đũa” được cấu thành từ rất nhiều điều mục, nên để xem xét nó một cách thấu đáo cần ít nhất một cuốn sách riêng, vậy trong khuôn khổ một bài báo chúng tôi buộc phải hạn chế ở những bình luận ngắn nhất và cơ bản nhất. Nhưng dù vậy, cũng sẽ chú ý đến tất cả mọi khía cạnh của vấn đề.

Tấn công vào các thành phố

Quan điểm cho rằng bản chất của các kế hoạch chiến tranh hạt nhân là các đòn tấn công nhằm vào các thành phố đã xuất hiện từ lâu và có nguồn gốc từ các chiến dịch tuyên truyền Xô Viết nhằm dọa dẫm các công dân của mình.

Trên thực tế, tất cả các kế hoạch chiến tranh hạt nhân mà chúng ta biết (đã nắm được những nội dung chính của khoảng 15 kế hoạch (chiến tranh hạt nhân) của Mỹ, gồm có những phiên bản sớm nhất SIOP, Single Integrated Operation Plan; phiên bản đầu tiên trong số này được thông qua năm 1961 dưới thời Tổng thống J. Kennedy; còn hiện giờ đã là một kế hoạch khác - OPLAN 8010-12, được thông qua năm 2012) đều được xây dựng theo nguyên tắc (đòn tấn công) nhắm các mục tiêu.

Đối với phiên bản sớm nhất của SIOP, đã có một danh sách các mục tiêu kèm theo bao gồm 80.000 điểm (mục tiêu) tại Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN. Có một số mục tiêu nằm trong các thành phố, ví dụ, theo kế hoạch (của Mỹ) thì tại Matxcova có 6 tổ hợp mục tiêu cần tiêu diệt bằng 23 quả bom hạt nhân

Bản sơ đồ các mục tiêu chiến lược Xô Viết kèm theo một trong những kế hoạch chiến tranh hạt nhân (của Mỹ).

Tiêu diệt các mục tiêu, chứ không phải tấn công các thành phố, cũng đã là một ưu tiên trong thời gian (Mỹ) ném bom các thành phố Nhật Bản.

Hirosima chỉ trên trên các phương tiện tuyên truyền mới được mô tả là một thành phố dân sự, còn trên thực tế đó là một đầu mối quân sự- giao thông lớn, điểm trung chuyển hàng cung cấp cho Quân đội Nhật Bản đang chiến đấu tại Triều Tiển, Mãn Châu Lý và Trung Quốc, là một trung tâm công nghiệp quốc phòng quan trọng, đồng thời cũng là nơi đóng quân của Cơ quan tham mưu Bộ tư lệnh số 2 Nhật Bản chỉ huy các mặt trận (phương diện quân) số 15 và số 16.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/50-ten-lua-de-thang-nga-neu-dap-tra-khong-hieu-qua-3359768/