50% trẻ phát triển rối loạn tâm lý khi chứng kiến cha mẹ say xỉn

Đó là số liệu đáng giật mình được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi bàn về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia ngày 16/11. Tác hại của rượu bia đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe do tai nạn giao thông và làm tăng nạn bạo lực gia đình do say xỉn, nhiều đại biểu nhìn nhận.

Gia tăng bạo lực gia đình, học sinh uống rượu bia

Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, với phần đông ý kiến đồng tình về tính cấp thiết của sự ra đời Luật, do tác động có hại ngày càng cao từ sản phẩm có cồn này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) chỉ ra rằng, nếu như các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện nhích lên từng bậc là kết quả nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị thì chỉ số tiêu thụ rượu bia không rõ những nỗ lực đến từ đâu lại luôn đẩy xếp hạng của Việt Nam từ cao đến rất cao so với khu vực và trên thế giới.

Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân gia tăng bạo lực gia đình. Ảnh minh họa

Từ năm 2014 đến 2016 khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì ở Việt Nam lại tăng cao gấp đôi. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn liên quan tới rượu bia mỗi ngày gây tổn thất khoảng 250 tỷ đồng, chưa kể những hậu quả nặng nề về cho xã hội mà không thể đo đếm được.

“Dù bia, rượu là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật nhưng các quảng cáo bia rượu làm cho người nghe lầm tưởng sự hấp dẫn đến từ rượu, bia như: Hào khí ngàn năm, chất men thành công, chung một đam mê… Những lời đó đã cố tình quên đi những vụ thảm án hay những vụ tai nạn giao thông, các vụ bạo hành… cũng từ rượu mà ra”, đại biểu Nhân nhấn mạnh.

Ông cũng nêu dẫn chứng, một nghiên cứu đã chỉ ra, 50% trẻ em sẽ phát triển các rối loạn về tâm lý, tinh thần khi chứng kiến cha mẹ say xỉn, điều này cũng xảy ra khi cha mẹ chỉ uống 1-2 chén rượu vào buổi tối.

Đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) cũng cho rằng, rượu bia đang gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng, trật tự an toàn gia đình. Việc quản lý kiểm soát tiêu thụ rượu bia là việc cần làm.

“Thành viên kết nạp vào “câu lạc bộ tiêu thụ rượu bia” ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Độ tuổi uống rượu đang ngày càng trẻ hóa khi 4,3% học sinh từ 8 đến 12 tuổi bắt đầu uống rượu bia. Nhiều vị thành niên bước vào “thiên đường” rượu bia này. “Gần mực thì đen..”, xung quanh có nhiều quảng cáo, tiếp cận dễ, mua bán dễ, quán sá sống động, vui nhộn, tác động bạn bè, đồng nghiệp… sao mà thành viên “câu lạc bộ rượu bia” không tăng cao cho được?”, ông Bình đặt vấn đề.

Ngày càng gia tăng tình trạng trẻ vị thành niên tham gia uống rượu, bia. Ảnh minh họa

Nghiêm cấm chặt chẽ hơn, cụ thể hơn

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị, từ những tác hại nghiêm trọng trên, việc quảng cáo bia, rượu phải được cấm trên tất cả các loại hình báo chí từ báo nói, báo hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho thiếu nhi đang được quy định tại dự luật.

Theo đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa), đây là Luật rất khó, bàn thảo 2 nhiệm kỳ rồi nhưng chưa xong, bởi thể hiện sự đa dạng về quan điểm tiếp cận về các phương diện y tế, thương mại, dễ nguy cơ sụp đổ lợi ích, vì thế cần đặt mục tiêu lợi ích chung mới có thể ban hành được luật. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đồng tình khi cho rằng, thế giới cũng có nhiều luật khác nhau liên quan đến sử dụng rượu bia, thậm chí trong một nước có luật khác nhau giữa các vùng (Mỹ, Canada).

“Chúng ta phải hết sức thận trọng vì nếu ban hành luật ko hiệu quả lại phải sửa đổi. Theo đó, phải ban hành chặt và cụ thể với các hành vi bị cấm tiêu thụ, kinh doanh. Đơn cử có thể học tập Thái Lan như không bán rượu nơi công cộng theo giờ, không bán trong ngày lễ phật giáo, không được uống rượu những nơi công cộng. Quy định về nồng độ rượu bán ở siêu thị…”, ông Hiếu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu TW - lại cho rằng, không thể phủ nhận rượu là phát minh của loài người, tồn tại hàng ngàn năm nay, có mặt cuộc vui buồn của gia đình đến quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, rượu gây ra vô vàng tác dụng có hại với sức khỏe, bệnh tật, hệ tiêu hóa, thần kinh tâm thần, gây tai nạn giao thông, tổn hại hạnh phúc gia đình…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: VPQH

“Là một bác sĩ và là người hầu như không uống rượu, tôi hiểu và chia sẻ nỗi đau này. Ngăn chặn tác hại của rượu là điều ủng hộ, nhưng khó! Vì lợi hại đan xen, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, không thống nhất về quan điểm. Vì thế cần có những hướng dẫn, tạo điều kiện để rượu bia tồn tại tốt, văn minh. Cần nhìn nhân khách quan lợi - hại của rượu bia, nhưng cần hết sức nghiêm khắc với điều sai!”, ông Trí đề nghị.

Nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu TW đề nghị Luật cần bổ sung chặt chẽ các hành vi cấm như cấm ép buộc và kích động người khác uống rượu, bia; cấm uống chất có cồn trước và khi điều khiển phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, cần quy định tỷ lệ nhất định thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia. Việc tăng cường quản lý với sản xuất, mua bán rượu thủ công cần bổ sung thêm nội dung để kuyến khích sản xuất rượu truyền thống ngon, có thương hiệu ở Việt Nam một cách đúng quy trình, an toàn. “Tôi mơ ước một ngày Việt Nam có rượu ngon nổi tiếng thế giới, điều này không có gì sai trái, rất mong Quốc hội ủng hộ!”, ông nói thêm.

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/50-tre-phat-trien-roi-loan-tam-ly-khi-chung-kien-cha-me-say-xin-post51396.html