51 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ: Mẹ tha thứ cho họ

Mẹ Hà Thị Quý cất giọng nói trên khuôn mặt đầy những vết hằn của tuổi tác và đau thương: 'Giờ mẹ tha thứ cho lỗi lầm của họ'. Những người mẹ vừa nhắc là viên trung úy William Calley, đại úy Ernest Medina, hai kẻ cầm đầu vụ thảm sát 504 thường dân Sơn Mỹ vào ngày 16/3/1968.

Chân dung mẹ Hà Thị Quý Ảnh: Lê Văn Chương

Chân dung mẹ Hà Thị Quý Ảnh: Lê Văn Chương

Ngày 16/3, tỉnh Quảng Ngãi làm lễ tưởng niệm 51 năm ngày xảy ra vụ lính Mỹ thảm sát 504 đồng bào Sơn Mỹ vô tội. Vài năm trước, cựu binh Mỹ Hugh Thompson, người đã hạ lệnh trực thăng hạ xuống cánh đồng thôn Tư Cung để cứu bà con Sơn Mỹ cho rằng “trung úy William Calley nên về Việt Nam xin lỗi gia đình các nạn nhân”.

Nếu tiếp xúc với thân nhân của các nạn nhân trong buổi lễ tưởng niệm thì sẽ thỉnh thoảng nghe các mẹ đặt câu hỏi “chứ cái ông Mỹ kia hồi trước có mặt trong vụ thảm sát không vậy? cái thằng trung úy Calley về Việt Nam thì bà vẫn nhớ mặt, nó đi rất nhanh, dáng người lùn”.

Forgive, tha thứ!

Phần lớn những cựu binh Mỹ tới tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai đều là những quân nhân không tham gia trực tiếp vụ việc. Cựu binh Mike Hatie từng là một bác sĩ quân y tại Tây Nguyên từ tháng 9/1970 đến tháng 9/1971, nhưng nỗi ám ảnh chiến tranh khiến ông quay lại Sơn Mỹ để sám hối. Cựu binh David E. Clack có vợ ở Đà Nẵng, và ông vẫn quay trở lại, nói người dân Sơn Mỹ hãy tha thứ. Cụm từ mà Clack thường nói là “forgive, xin tha thứ!”.

Buổi lễ sáng 16/3 được tiến hành giản dị. Ngồi ở hàng ghế ngay cạnh lối đi gần tượng đài là thân nhân của các nạn nhân bị sát hại, những người may mắn sống sót, những gương mặt quen, giờ đều già nua - mẹ Hà Thị Quý, Huỳnh Thị Thuận, Lê Thị Thủy, Phạm Thị Thuận. Rất có thể, đây là lần cuối cùng của một người mẹ nào đó. Vì cuối năm 2018, mẹ Nguyễn Thị Tí 84 tuổi, ông Lê Phi 86 tuổi đã về bên kia thế giới. Mẹ Hà Thị Quý, năm nay 94 tuổi bảo rằng, “cuối năm vừa rồi bà đau gần chết, may mà vẫn sống”.

Tôi đặt tay lên chân phải của mẹ Quý, lướt tay trên mảng da thịt bị lồi lõm vì đạn AR-15 găm vào xé rách cả mảng xương. Buổi sáng định mệnh vào ngày 16/3/1968, mẹ và người thân bị lùa ra mương nước, tiếng súng nổ xé tai, nhiều người ngã gục và mẹ lao theo xuống ruộng, nằm dưới nhiều lớp xác chết chồng chất. Trong đó có cả những đứa trẻ mới sinh đỏ hỏn, những phụ nữ mang thai sắp sinh nở, vì vậy, đạn chỉ phá vỡ bắp chân phải và găm vào mông trái.

Vết thương đau nhói trên thân thể. Trong ký ức đau nhói vì mất người thân. Vậy nhưng khi được hỏi, mẹ vẫn nói “hôm nay bà ân xá cho tội lỗi của họ…!”.

Ngủ cạnh bàn thờ

Sau buổi lễ tưởng niệm, tôi theo mẹ Quý về ngôi nhà ở thôn Tư Cung. Quãng đường từ điểm làm lễ ra gần cổng để ngồi lên xe đạp chỉ chừng 200 mét, nhưng mẹ phải vừa đi, vừa nghỉ. Dù 94 tuổi, dù trái tim trong lồng ngực mẹ đập yếu ớt, nhưng mẹ vẫn có một trí tuệ minh mẫn. Khi hỏi, “mẹ suy nghĩ sao về ông Mike Boehm, ổng cũng là người Mỹ và hay tới lễ tưởng niệm để kéo vĩ cầm?”. Bà trả lời “ổng cũng Mỹ, nhưng không sát hại ai hết”.

Trước khi đi dự lễ tưởng niệm, một đồng nghiệp của tôi đã trao đổi, nên mang theo ống kính normal để chụp đại cận từng khuôn mặt của các mẹ thì sẽ đọc được điều gì trong ánh mắt ấy. Quả thực, ánh mắt của người mẹ Sơn Mỹ đều có nét giống nhau, đó là hốc mắt sâu, mái tóc bạc phất phơ, cái nhìn vô định. Đời mẹ như đang đi dưới quầng mây xám cứ phủ rợp mãi trên đỉnh đầu.

Những cựu binh Mỹ cúi đầu trước bàn thờ vong linh 504 người dân Sơn Mỹ

Ngôi nhà của mẹ nằm giữa cánh đồng xanh mượt, nhà cấp 4 rộng chừng 20 m2. Gian nhà trên đặt một bàn thờ quay ra cửa và đối diện bàn thờ là chiếc giường gỗ. Ban ngày, mẹ ngồi dựa lưng vào tường và mặt luôn đối diện với di ảnh của người thân trên chiếc bàn thờ kê thấp ngang thắt lưng, chỉ hai bước chân, mẹ có thể với tay đốt nén hương để sưởi ấm cho những linh hồn đã khuất.

Dù ở tuổi 94, nhưng mẹ vẫn linh hoạt. Thấy người quen đi qua là mẹ nhanh miệng hỏi trước. Tôi hỏi mẹ “vì sao mẹ tha thứ cho họ, cái ông trung úy bắn giết dân thôn Tư Cung?” - Mẹ bảo: “Chính phủ mình tha thứ thì mẹ cũng ân xá, bây giờ cũng mấy chục năm trôi qua rồi”. Mẹ nói xong quay mặt đi, nhìn về phía cánh đồng xa xa đang phủ màu xanh, nhưng 51 năm trước là một vùng chết chóc, bọn lính bắt, giết, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ, ném người xuống giếng. Nhắc chuyện cũ, thỉnh thoảng tim mẹ đập nhịp yếu ớt, hơi thở ngột ngạt vì căn bệnh tim.

Người mà mẹ nói sẽ tha thứ là những tên lính Mỹ tàn sát đồng bào Sơn Mỹ. Kẻ gián tiếp gây ra tội lỗi với lệnh “bắn giết tất cả” là đại úy Ernest Medina. Viên đại úy sinh năm 1936 vừa qua đời vào tháng 8/2018 ở bang Wisconsin (Mỹ). Còn trung úy Calley thì vẫn còn sống, năm nay 77 tuổi. Năm 2015, Calley có lời xin lỗi từ nước Mỹ: “Ngày nào tôi cũng day dứt về những chuyện đã xảy ra. Tôi hối hận trước những người dân Việt Nam bị giết và gia đình họ. Tôi thành thật xin lỗi”.

Thôn Tư Cung xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi từ lâu đã trở thành điểm đến của các ký giả các tờ báo lớn trên thế giới. Sinh viên từ Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng và các quốc gia, trong đó nhiều nhất là Nhật Bản thường xuyên về đây để tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ những nhân chứng còn sống, chia sẻ nỗi đau mất mát. Mẹ và các nhân chứng khác còn sống thường được hỏi, đó là “có còn hận thù quá khứ?”. Có mẹ lắc đầu trả lời, “bây giờ tha thứ, nhưng ngày nào tôi cũng nhìn vào những tấm bia và đi ngang qua Khu Chứng tích Sơn Mỹ”.

Sáng 16/3/1968, Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20 của Hoa Kỳ tiến vào làng Tư Cung để tìm vixi, nhưng quay ra bắn giết 504 thường dân trong làng, chiếm phần lớn là người già, đàn bà và trẻ em. Tòa án binh Mỹ buộc tội 26 người, nhưng chỉ truy tố Trung úy William Calley mức án chung thân, nhưng sau đó được tha bổng.

Lê Văn Chương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/51-nam-vu-tham-sat-son-my-me-tha-thu-cho-ho-1389814.tpo