54 năm trước có một trận đánh: 'Biến đau thương thành hành động cách mạng'

Trận đánh ấy cách đây đúng 54 năm, 54 năm ấy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn một lòng, một dạ thực hiện những hoài bão, ý chí của Bác Hồ để lại qua Di chúc của Người.

Thời gian không ngừng trôi qua, tuổi đời càng chồng chất nhưng mỗi khi nhắc đến, trong tôi vẫn dấy lên cảm giác rất lạ thường, mới như ngày hôm qua. Và ở thời điểm đáng nhớ ấy, chính tôi cũng không nghĩ ngày nay mình sinh sống cách nơi diễn ra trận đánh năm ấy chỉ hơn 40 km đường chim bay. Hào khí trận đánh vẫn âm vang mãi trong tôi.

Cuối tháng 8 năm 1969, Tiểu đoàn 4 thuộc đoàn Đặc công 429 đang đóng quân tại Bù Đăng (nay thuộc tỉnh Bình Phước) được điều động đến phối hợp với chủ lực Miền tiến đánh vào chốt của Tiểu đoàn biệt kích Mỹ tại suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu. Đơn vị mới hành quân từ miền Bắc vào được hơn một năm, tuy đã tổ chức đánh 3 trận tương đối thành công nhưng nay được điều động đến nghiên cứu đánh vào chốt lính Mỹ ở địa bàn mới, chúng tôi rất lo vì bọn biệt kích Mỹ thường thay đổi cách thức bố trí lực lượng, nhiều khi chúng bỏ trống ở phía trong mà dồn lực lượng ra phía ngoài. Chốt ở suối Bà Chiêm lại được chúng trang bị khá hiện đại, đã có một số đơn vị tiến đánh nhưng không đem lại hiệu quả cao. Lần này, nhiệm vụ tiêu diệt chốt suối Bà Chiêm được giao cho Tiểu đoàn đặc công tiến đánh, nhằm dập tắt sự huênh hoang, kiêu ngạo của tiểu đoàn biệt kích này.

Các chiến sỹ đặc công Lữ đoàn Đặc Công 429 (ngày nay) tập khắc phục vật cản. .

Để tiến đánh một đơn vị toàn lính Mỹ, được huấn luyện kỹ và là một đơn vị biệt kích, có chiến thuật đánh “áp đảo”, cấp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị ta nhận định, ngoài việc trinh sát, nắm tình hình thật chính xác, cụ thể, chi tiết là yếu tố quyết định việc thành bại của trận đánh thì công tác Đảng, công tác chính trị là yếu tố then chốt. Tư tưởng của bộ đội thông suốt, phấn chấn thì việc xuất quân mới nắm chắc phần thắng; nếu tư tưởng của bộ đội chưa thông, còn “lấn cấn” thì dễ gặp tổn thất và trận đánh khó thành công.

Nghị quyết của Đảng bộ Tiểu đoàn, và của Đảng bộ cấp trên là nổ súng tấn công chốt của Tiểu đoàn biệt kích Mỹ vào đúng dịp 2.9 để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 24 năm Ngày Quốc khánh 2.9.1945 – 2.9.1969. Sau khi quán triệt nghị quyết, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 đặc công rất hăng hái, phấn khởi; phương án tác chiến được bàn bạc rất kỹ; giờ nổ súng tấn công (giờ G, ngày N) được ấn định đúng 11 giờ đêm ngày 1.9.1969.

Chuẩn bị đến giờ xuất quân thì trinh sát báo về: Trong chốt Mỹ có rất nhiều biểu hiện khác thường, lính tăng cường tuần tra, xe tăng, xe bọc thép đều nổ máy như đang chuẩn bị hành quân. Ban chỉ huy (BCH) Tiểu đoàn hội ý khẩn cấp, đi đến nhận định: “Địch đề phòng ta tấn công nhân kỷ niệm Quốc khánh 2.9, chúng cảnh giác nên tăng cường cảnh giới, đề phòng. Tình huống này không có lợi cho chiến thuật “bí mật, bất ngờ” của ta. BCH Tiểu đoàn quyết định tạm dừng trận đánh, thay đổi ngày, giờ tấn công. Các mũi tấn công tạm lui, tăng cường công tác trinh sát, đặc biệt là trinh sát luồn sâu.

Lúc 6 giờ sáng ngày 4.9.1969, tôi mở radio nghe chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam nghe thông báo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Nhà nước, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi. Lúc này trong hầm có tôi (là Chính trị viên Tiểu đoàn), đồng chí Nguyễn Văn Hoàng- Tiểu đoàn phó và một đồng chí liên lạc. Nghe thông báo, cả ba chúng tôi bật khóc nức nở, phải mất gần nửa tiếng đồng hồ sau tôi mới trấn tỉnh và yêu cầu đồng chí liên lạc đi mời đồng chí Nguyễn Quang Thọ- Tiểu đoàn trưởng và BCH Tiểu đoàn, chỉ huy các đại đội về hầm chỉ huy họp gấp. Gần 8 giờ sáng, các thành viên có mặt đủ, trên khuôn mặt ai cũng thất thần, mắt đỏ hoe, có đồng chí vừa khóc vừa nói lúng búng “Bác mất rồi!…”. Tôi phải lấy hết can đảm, tỏ rõ mình là người cứng rắn (thực ra lúc ấy trong lòng cũng nao núng lắm), trước đau thương mất mát quá lớn này, để chủ trì cuộc họp Đảng ủy Tiểu đoàn mở rộng.

Cuộc họp bàn bạc và đi đến thống nhất ra Nghị quyết với nội dung: “Thực hiện lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Mọi cán bộ, chiến sĩ phải biến đau thương thành hành động cách mạng, đoàn kết nhất trí, quyết tâm đánh thắng địch lập công dâng lên Bác”. Lúc này Tiểu đoàn chỉ còn hơn 80 chiến sĩ, vì trước đó phải chi viện lực lượng cho các đơn vị khác để làm nòng cốt trong cách đánh của đặc công, một số đồng chí hy sinh và bị thương phải đưa về tuyến sau điều trị. Hầu như đồng chí nào cũng khóc rất nhiều. Trong khi đó kẻ thù rải truyền đơn, dùng loa phóng thanh trên máy bay ra rả tung tin, xuyên tạc việc Bác Hồ mất, chúng kêu gọi “cán binh Việt Cộng buông súng trở về với chánh nghĩa quốc gia”. Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn phải trực tiếp xuống từng đại đội, trung đội làm công tác tư tưởng cho bộ đội, và nhận định “Chỉ có tổ chức đánh thắng ngay trận này thì mới lấy lại tinh thần cho bộ đội”.

Sau khi quán triệt mục đích, ý nghĩa của trận đánh sắp tới, Tiểu đoàn lấy tinh thần tự nguyện, xung phong của từng chiến sĩ, phát động để từng người làm đơn tự nguyện tham gia trận đánh, đồng chí nào còn băn khoăn, nao núng thì dứt khoát không cho tham gia. Kết quả toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đều có đơn xin tham gia trận đánh, BCH Tiểu đoàn phải đọc từng lá đơn để cân nhắc, chọn những đồng chí thật sự tin tưởng vào chiến thắng thì mới cho tham gia trận đánh.

Sau thời gian học tập chính trị, củng cố tinh thần bộ đội, kế hoạch tác chiến được điều chỉnh, giờ nổ súng tấn công chốt biệt kích quân Mỹ tại suối Bà Chiêm được ấn định vào lúc 23 giờ ngày 9.9.1969. Mọi sự chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, hợp đồng chặt chẽ với 3 mũi tấn công. Đúng giờ “G” một ánh chớp xanh rờn lóe lên, kế đến là tiếng nổ vang trời của bộc phá khai trận, cả 3 mũi bộ đội cùng xông lên dùng thủ pháo tấn công vào các mục tiêu. Lính Mỹ trong các lô cốt và khu chỉ huy hoàn toàn bị bất ngờ, phản kháng yếu ớt, lẻ tẻ. Vì bị tấn công từ trong sở chỉ huy nên tụi lính ở vòng ngoài không còn kịp trở tay. Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng hơn 10 phút, bằng chiến thuật đánh “nở hoa từ trong lòng địch” vũ khí chủ yếu là thủ pháo với cách đánh của bộ đội đặc công. Lính biệt kích Mỹ trong chốt tại suối Bà Chiêm gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trận đánh thành công ngoài dự kiến của chỉ huy Tiểu đoàn. Lực lượng của ta không có đồng chí nào phải hy sinh, chỉ có 6 đồng chí bị thương nhẹ. Ngay hôm sau, Tiểu đoàn nhận được điện khen ngợi của Bộ Tư lệnh Miền. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin chiến thắng của trận đánh với gần 100 lính Mỹ bị tiêu diệt và khẳng định đây là chiến công đầu của quân và dân Nam bộ dâng lên Bác, và là hành động “Biến đau thương thành hành động cách mạng” theo lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Trận đánh ấy cách đây đúng 54 năm, 54 năm ấy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn một lòng, một dạ thực hiện những hoài bão, ý chí của Bác Hồ để lại qua Di chúc của Người. Thời gian không ngừng trôi qua, tuổi đời càng chồng chất nhưng mỗi khi nhắc đến, trong tôi vẫn dấy lên cảm giác rất lạ thường, mới như ngày hôm qua. Và ở thời điểm đáng nhớ ấy, chính tôi cũng không nghĩ ngày nay mình sinh sống cách nơi diễn ra trận đánh năm ấy chỉ hơn 40 km đường chim bay. Hào khí trận đánh vẫn âm vang mãi trong tôi.

Trái tim người lính

Nguyễn Văn Vy, CCB Đặc Công 429 (CCB xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh)/ Thành Đô (tổng hợp)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/54-nam-truoc-co-mot-tran-danh-bien-dau-thuong-thanh-hanh-dong-cach-mang-a20584.html