55% dân số Hà Nội sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2025

Để phát triển các loại hình thương mại và dịch vụ thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó trọng tâm phát triển thương mại điện tử, Ủy ban nhân dân Thành phố phấn đấu đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.

Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 20/8/2020 về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu:

Về quy mô thị trường thương mại điện tử: đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, tăng trưởng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 20%. Phấn đấu tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% vào năm 2025; tăng trưởng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 2%.

 Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.

Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử: đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%. 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử. Phối hợp xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.

Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, đến năm 2025, 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động. 90% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển thương mại điện tử của Thành phố. Giữ vững thứ hạng trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm. Hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử có uy tín trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp kinh doanh bằng thương mại điện tử trong các lĩnh vực như: du lịch, đặt phòng khách sạn, tour trực tuyến, thực hiện số hóa một số điểm đến du lịch bằng giao diện 3D, công nghệ thực tế ảo. Hình thành, phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử: 10.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Đêt đạt kế hoạch trên, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp:

Xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử: Nâng cấp website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà nội” và điều hành và quảng bá website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ http://bandomuasam.hanoi.gov.vn. Phát triển Logistics điện tử phục vụ hoạt động thương mại điện tử; xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, hạ tầng Logistics, giao nhận hàng hóa trong địa bàn Hà Nội và với các địa phương khác. Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp trong thương mại và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di dộng, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thương mại điện tử thông qua báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm, mạng xã hội và các hình thức khác. Phối hợp Bộ Công Thương tổ chức thường niên Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam và các sự kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó nâng cao năng lực quản lý và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ thương mại điện tử. Đẩy mạnh hoạt động khảo sát, thống kê về thương mại điện tử. Tăng cường hợp tác giữa các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp (hội, hiệp hội) trong quản lý và phát triển thương mại điện tử. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh xử lý vi phạm pháp luật về thương mại điện tử. Thường xuyên phối hợp rà soát khung pháp lý, chính sách về thương mại điện tử trong nước với các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố.

Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ TTKDTM trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Đồng thời tổ chức thực hiện các hoạt động, sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy các nhiệm vụ trong Kế hoạch và hỗ trợ thương mại điện tử phát triển. Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thương mại điện tử hàng năm, định kỳ và đột xuất.

T.Vũ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/55-dan-so-ha-noi-se-tham-gia-mua-sam-truc-tuyen-vao-nam-2025-112181.html