56 ngàn chứng chỉ IELTS cấp trái phép: Ai phải chịu trách nhiệm?

IDP cấp trái phép hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam theo kết luật thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh và nhiều gia đình đã bỏ tiền bạc công sức tham gia thi để đạt các chứng chỉ này. Giờ đây chứng chỉ không còn tác dụng, ai phải chịu trách nhiệm?

Ngày 8/5, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP (Việt Nam), đơn vị đồng sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam.

Hàng vạn thí sinh học và thi giành chứng chỉ IELTS vô nghĩa, ai chịu trách nhiệm?

Thí sinh đã đầu tư tiền bạc, thời gian học tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ, nhưng nhận về chứng chỉ cấp sai quy định. IDP đã cấp hơn 56.200 chứng chỉ IELTS trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Lệ phí thi thời điểm đó là 4,6 triệu đồng một lượt.

Theo quy định hiện nay, các chứng chỉ này sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc xét tuyển đại học.

Dư luận đặt câu hỏi, việc khiến các gia đình và học sinh quay cuồng vào việc thi chứng chỉ tiếng Anh, khiến các trung tâm dạy tiếng Anh và cấp chứng chỉ "lậu" mọc lên như nấm. Việc này phải chăng có lợi ích nhóm từ chính sách tới thực hiện. Mục tiêu cuối cùng là móc túi phụ huynh các gia đình. Hiệu quả của việc học, việc dùng chứng chỉ để đầu tư cho học vấn đã bằng không!

Có công dân bình luận: "Cấp hơn 56 nghìn chứng chỉ kéo dài trong thời gian dài, mà chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép? Chuyện thật như đùa".

Việc học, thi và cấp chứng chỉ, sau đó chứng chỉ chỉ như tờ giấy lộn? Luật pháp ở đâu?

Chưa kể thiệt hại về mặt tinh thần, ý chí và quyết tâm giành được các đỉnh cao học vấn của các thí sinh sẽ bị gián đoạn. Ai phải bồi thường cho điều đó?

"Ai bồi thường thời gian, công sức, tiền bạc cho người học và thi lấy chứng chỉ, cho dù có tổ chức thi lại đi nữa?" - một công dân lo ngại.

56 ngàn chứng chỉ IELTS cấp trái phép theo kết luận thanh tra

Theo kết luận thanh tra, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, Công ty đã liên kết tổ chức thi IELTS Test Report Form cho 67.195 người, cấp 66.153 chứng chỉ IELTS. Địa điểm thi được trải rộng trong cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 16 tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022, Công ty IDP chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Tuy nhiên, công ty này đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 46.643 chứng chỉ, vi phạm điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Từ ngày 10/9/2022 đến ngày 16/11/2022, Công ty chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 9.587 chứng chỉ.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, trách nhiệm này thuộc Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP Việt Nam.

Kết luận thanh tra cũng cho biết, ngày 15/6/2023, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước về việc sử dụng chứng chỉ để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023.

Trong công văn nêu rõ: "Thí sinh đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10/9/2022 để xét miễn thi bài thi ngoại ngữ theo quy định".

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP Việt Nam rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện đúng các quy định cho phép.

Công ty IDP rà soát, báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Cục Quản lý chất lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có).

Hà Phong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/56-ngan-chung-chi-ielts-cap-trai-phep-ai-phai-chiu-trach-nhiem-17924050909433477.htm